Giáo dục

Đọc sách để thấy lòng mình thư thái

Trong cuộc sống vội vã, tấp nập này cũng cần lắm quỹ thời gian dành cho sách - ở đó, ta tìm thấy sự bình an, thanh thản, thấy được nhiều cung bậc cảm xúc của cuộc đời...

Ngày còn nhỏ, tôi sống với ông ngoại nhiều năm. Trong nhà ông tôi có rất nhiều sách, ông là người hay đọc nên tôi bị ảnh hưởng rất nhiều từ người ông của mình. Vì thời đó còn nghèo, nhà không có ti vi, không có đài phát thanh nên tôi đọc hết số sách của ông rồi lại đọc, nhiều đoạn hay đọc đến thuộc làu.

Chính vì thế mà khi lớn lên, tôi rất yêu sách và siêng đọc, trong nhà tôi có vài trăm quyển sách với đủ các loại nhưng chủ yếu vẫn là sách văn học. Thời đó tôi đã sống vì sách, thổn thức cùng những trang sách. Những năm tháng sinh viên nhịn ăn sáng để có tiền mua sách (dù chỉ là sách cũ), rồi ngoài giờ học thường lên thư viện tìm tòi đọc một cách mê mải và thích thú để phục vụ cho những bài học và cũng để khám phá và làm phong phú cho tâm hồn của mình.

Tuy nhiên, từ ngày ra trường đến bây giờ thì thói quen đọc sách của tôi giảm đi nhiều, tôi chỉ tranh thủ đọc những quyển sách về chuyên môn phục vụ cho công việc giảng dạy của mình. Bởi công việc chuyên môn và ngoài chuyên môn quá nhiều, quĩ thời gian không còn cho những đam mê của mình. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, tôi thường đọc báo (in) và báo online để nắm bắt thông tin.

Mấy ngày qua, máy tính hư nhưng bận đi làm chưa thể đi sửa được. Buồn, tôi lại lôi các cuốn sách cũ mèm mà lâu nay vẫn nằm yên trong tủ sách ra đọc. Tôi đọc lại các tác phẩm của Chu Lai; Lê Lựu; Nam Cao; Nguyễn Công Hoan; Tuyển tập truyện ngắn chọn lọc; Thi nhân Việt Nam, thơ Nguyễn Bính... thấy tâm hồn thư thái, nhiều cảm xúc theo nhân vật, từng câu chữ của trang sách. Nhất là được một nhân viên thư viện nhờ viết mấy bài giới thiệu sách cho học sinh chuẩn bị thi “Thiếu nhiên kể chuyện sách” vào đầu tháng tới, thế là tôi lại nghiền ngẫm đọc và suy nghĩ để viết bài giúp đồng nghiệp. Hình như tâm hồn tôi thấy bình an hơn, vui buồn nhiều hơn, có những khoảng lặng cho lòng mình…

Tối, thằng con trai tỉ tê: “Ba ơi, mấy bữa nay nghỉ hè rồi, con không phải làm bài tập nữa, ba kể chuyện cho con nghe đi”. Khi nghe kể chuyện, con tôi chăm chú nghe một cách say sưa, thích thú qua những diễn biến của nhân vật Thạch Sanh, Sọ Dừa, cô Tấm…. nghe xong nó lại kèo thêm: “Từ nay, buổi tối ba kể chuyện cho con nghe nhé, con thích nghe kể chuyện lắm, ba nhớ đọc nhiều để kể cho con nghe đấy”.

Cuộc sống hiện đại, cuốn chúng ta quay vào vòng xoáy chung của xã hội. Có những lúc ta vội vã hơn, tấp nập hơn để đua chen với cuộc sống, phù hợp với cuộc sống, với cơm áo gạo tiền. Có những thói quen ta không giữ được giữa những ranh giới “sống cho mình và vì cuộc sống” phải thế. Lòng ta có những lúc chai lì, vô cảm trước đồng loại, ta thờ ơ trước những nỗi đau, bất hạnh trước bao mảnh đời khổ đau mà ta thường gặp. Những cuốn sách làm cho ta phong phú tâm hồn, biết yêu thương và nuôi dưỡng cái đẹp cho tâm hồn của mỗi con người.

Theo một điều tra của Bộ Văn hóa Truyền thông, mỗi năm một người Việt Nam đọc 0,8 cuốn sách khiến cho ta giật mình. Ngày nay, khi mà ai cũng có thể trang bị cho mình một chiếc điện thoại nối mạng internet thì văn hóa đọc ngày càng bị mai một dần. Nhiều lần thấy những người buôn bán phế liệu mua được những cuốn sách còn mới nguyên, có cả tên và chữ kí của tác giả đề tặng mà không khỏi xót xa… Cuộc sống hiện đại, đủ đầy hơn, nhiều kênh thông tin giải trí được ra đời, văn hóa đọc bị mai một đó là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, trong cuộc sống vội vã, tấp nập này cũng cần lắm quỹ thời gian dành cho sách - ở đó, ta tìm thấy sự bình an, thanh thản, thấy được nhiều cung bậc cảm xúc của cuộc đời.

Tác giả bài viết: Nguyễn Cao

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP