Giáo dục

Diễn biến mới vụ tiến sĩ kiện cựu Bộ trưởng Giáo dục

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có văn bản do thứ trưởng Bùi Văn Ga ký, gửi tới Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội để đưa ra ý kiến phản biện về quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội trong vụ kiện của ông Hoàng Xuân Quế.

Vụ tiến sĩ kiện cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Luật sư bảo vệ quyền lợi bộ nói gì?

Trong công văn này, Bộ GD-ĐT cho biết tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã cho rằng trong quá trình Bộ GD-ĐT xác minh nội dung tố cáo, vẫn còn một số vấn đề chưa được làm rõ.

Đó là các nội dung: “Hội đồng Xác minh luận án tiến sỹ (LATS) do Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế (CDGSNKT) thành lập gồm nhiều người không thuộc Hội đồng CDGSNKT; Việc xác minh, đánh giá LATS của ông Hoàng Xuân Quế với thành phần và cung cách như vậy chưa bảo đảm khoa học, khách quan.

Về 3 cuốn LATS do ông Hoàng Xuân Quế thu thập, Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an theo trưng cầu của A83 Bộ Công an vẫn còn một số vấn đề chưa rõ, như các lỗ dập ghim trên các trang có nghi ngờ sao chép nhiều hơn hay ít hơn so với lỗ dập ghim trên các trang còn lại…

Hiện Bộ GD-ĐT vẫn chưa xác định được trong 06 cuốn LATS của ông Hoàng Xuân Quế trong vụ án này (3 cuốn do Bộ GD&ĐT thu thập, và 3 cuốn do ông Hoàng Xuân Quế thu thập) thì cuốn nào được ông Quế bảo vệ tại Hội đồng bảo vệ LATS cấp nhà nước”.


Vì vẫn còn những vấn đề cần làm rõ như trên, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã đề nghị HĐXX tuyên hủy Quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.

Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT thì phát biểu nêu trên của vị đại diện Viện kiểm sát đã không được tranh tụng tại phiên tòa và sau đó đã được một vài tờ báo trích đăng ý kiến. Để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng đã được Hiến pháp quy định, Bộ GDĐT có một số ý kiến phản biện lại quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội.

Bộ GD-ĐT cho rằng các ý kiến trên đây hoàn toàn đã được làm rõ trong hồ sơ vụ việc.

Cụ thể, ý kiến của Hội đồng Xác minh LATS do Hội đồng CDGSNKT thành lập là tài liệu Tổ xác minh của Bộ GD-ĐT thu thập trong quá trình giải quyết tố cáo. Hội đồng Xác minh LATS do Hội đồng CDGSNKT được thành lập trong giai đoạn xác minh nội dung báo chí phản ánh, không phải trong giai đoạn giải quyết tố cáo chính thức (từ ngày 19/9/2013 đến 11/10/2013).

Công văn của Bộ đề nghị Hội đồng CDGSNKT với mục đích giao HĐ chủ trì xác minh việc có sao chép luận án hay không và nếu có sao chép thì khi bỏ phần sao chép ra, luận án còn giá trị, còn đạt yêu cầu hay không…

Còn việc mời nhà khoa học nào tham gia Hội đồng xác minh là do Chủ tịch HĐ quyết định cho phù hợp với chuyên ngành của Luận án cần xác minh nhằm đảm bảo tính chính xác của kết quả xác minh nội dung LA.

“Kết luận của Hội đồng cũng chỉ có giá trị tham khảo trong quá trình giải quyết tố cáo. Tổ xác minh của Bộ đã thực hiện xác minh trực tiếp các tài liệu chứng cứ đã thu thập được theo quy trình giải quyết tố cáo để báo cáo kết quả xác minh, làm cơ sở ban hành kết luận nội dung tố cáo” – công văn nêu rõ.

Về ba cuốn luận án được Bộ GDĐT sử dụng làm căn cứ đối chiếu, so sánh nội dung sao chép, Bộ GD-ĐT cho rằng đây là “3 cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế được lưu giữ chính thức theo đúng tiến trình đào tạo, cấp bằng tại các địa chỉ: Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM.

Các cuốn luận án gốc nêu trên đã được Bộ GDĐT thu thập và lưu giữ đầy đủ trong hồ sơ vụ việc, khi thu nhận các quyển luận án để làm căn cứ đối chiếu nội dung sao chép đều có đầy đủ biên bản và xác nhận của các Thư viện”.

Về chữ ký tại Lời cam đoan trên các quyển luận án, theo Bộ GD-ĐT, tại thời điểm 2003 khi ông Quế bảo vệ luận án, không có quy định nào bắt buộc nghiên cứu sinh phải ký vào Lời cam đoan… “Việc không có chữ ký của nghiên cứu sinh vào phần Lời cam đoan của luận án không làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của cuốn luận án. Ba cuốn luận án nêu trên có tính pháp lý đầy đủ vì đều được tiếp nhận, lưu giữ trên cơ sở pháp luật và do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý”.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT cho rằng “không thể không thừa nhận 3 cuốn luận án đang được lưu giữ chính thức tại các thư viện nêu trên là của ông Hoàng Xuân Quế”.

Về 3 cuốn luận án do ông Hoàng Xuân Quế nộp lại và khẳng định là bản chính thức được dùng để bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án tiến sỹ cấp nhà nước ngày 26/10/2003, Bộ GDĐT cho biết “đã xem xét nhận thấy một số điểm không đúng quy định: 2 cuốn bìa mềm, một cuốn bìa cứng trong khi quy định bắt buộc phải đóng bìa cứng; 3 cuốn LATS này không bảo đảm tính pháp lý (việc lưu giữ tại nhà các thành viên hội đồng chấm luận án là không bắt buộc theo quy định pháp luật) và phương pháp thu thập không bảo đảm tính khách quan… Những cuốn luận án “được xin lại” từ thành viên hội đồng môt cách không khách quan, với hình thức không đồng nhất, không đúng quy định không phải là căn cứ để giải quyết tố cáo”.

Trong công văn, của Bộ GD-ĐT khẳng định “Ba vấn đề mà đại diện VKSND TPHN nêu đã có đầy đủ trong hồ sơ vụ án. Bằng văn bản này, chúng tôi khẳng định lại không còn vấn đề nào cần làm rõ như đề nghị của đại diện VKSND Thành phố Hà Nội tại phiên toà; Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 là có đủ căn cứ pháp luật và phù hợp với thực tế khách quan”.

Tác giả bài viết: Ngân Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP