Trong nước

Cựu Thứ trưởng bộ GTVT bị khởi tố: Xử lý nghiêm minh, kể cả người đã nghỉ hưu

Mấy ngày qua liên quan việc xử lý kỷ luật, bắt giam, điều tra, truy tố cán bộ làm nóng ran dư luận. Việc CQĐT khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Hồng Trường, cựu Thứ trưởng bộ GTVT cho thấy quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, "không có ngoại lệ". Xung quanh vấn đề này, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Tập trung xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng

PV: Ông đánh giá như thế nào về "liều thuốc" phòng, chống vấn nạn tham nhũng thời gian qua?

TS. Đỗ Đức Hồng Hà: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (ban Chỉ đạo), trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc triển khai công tác PCTN trên cả nước; tập trung xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án, vụ việc tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng; tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN kết hợp với kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 tại một số bộ, ngành, địa phương.

Hoạt động của Ủy ban Kiểm tra tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều vi phạm của cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp được phát hiện và xử lý nghiêm minh.

Quốc hội đã cho ý kiến, thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế nhằm PCTN; tập trung giám sát một số lĩnh vực quan trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng. Chính phủ chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh việc xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Trường, cựu Thứ trưởng bộ GTVT. Ảnh: mt.gov.vn

Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm toán các dự án đầu tư lớn, đầu tư theo hình thức BT, BOT... Cơ quan điều tra, VKSND, TAND tập trung khám phá, đẩy nhanh tiến độ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Các cơ quan tố tụng và cơ quan thi hành án đã áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội. Báo chí và nhân dân đã tích cực đưa tin, bài về kết quả công tác PCTN và tham gia phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng... Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc khởi tố cựu Thứ trưởng bộ GTVT cho thấy, không có chuyện về hưu là "có ngoại lệ", xử lý tham nhũng phải truy tận gốc sai phạm. Ông có đồng tình với nhận định này?

TS. Đỗ Đức Hồng Hà: Tôi đồng tình với nhận định này. Về vấn đề này, Điều 4 và Điều 92 luật PCTN năm 2018 quy định về xử lý người có hành vi tham nhũng quy định: Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.

Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây: Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; thực hiện quy định khác của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo nguyên tắc: Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.

Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng? (Tranh minh họa)

Điều 25 nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật PCTN cũng quy định nguyên tắc xử lý trách nhiệm bồi thường, hoàn trả cũng quy định: Trường hợp viên chức gây thiệt hại thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu hay thôi việc thì phải hoàn thành việc bồi thường, hoàn trả trước khi thuyên chuyển, nghỉ hưu hay thôi việc; nếu không đủ khả năng bồi thường, hoàn trả thì đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị mới hoặc chính quyền địa phương nơi viên chức cư trú tiếp tục thu tiền bồi thường, hoàn trả cho đến khi thu đủ theo quyết định của người có thẩm quyền.

Việc ban Chỉ đạo chỉ đạo, đôn đốc, các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế lớn theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không phân biệt người đó là ai”; Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, giám sát làm rõ các sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp, cán bộ đã nghỉ hưu cũng đã chứng minh nhận định trên là đúng.

Có biểu hiện hành chính hóa quan hệ hình sự

PV: Ông nghĩ gì về việc 1 cá nhân có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong khi chúng ta có cả 1 hệ thống chính trị để giám sát? Theo ông, làm thế nào để giám sát hiệu quả, có cần xem xét lại cơ chế giám sát?

TS. Đỗ Đức Hồng Hà: Dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, sát sao của ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó.

Điển hình, việc khởi tố các vụ án: Vụ án Đặng Anh Tuấn phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại bộ Thông tin và Truyền thông; vụ án Đinh Ngọc Hệ phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại công ty Licogi 13; giai đoạn 2 vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam…

Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường chỉ đạo, chủ động, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đối tượng, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm, nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp do tham nhũng, vi phạm về quản lý kinh tế.

Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của luật PCTN, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Ban Thanh tra nhân dân, ban Giám sát đầu tư cộng đồng tăng cường vai trò, trách nhiệm trong phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ cơ sở. Người dân, doanh nghiệp tham gia giám sát, phản hồi, phản ánh, tố cáo tham nhũng. Báo chí và các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền, thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tham gia đấu tranh, ngăn chặn “tham nhũng vặt”…

Qua đó đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc, của ban Thanh tra nhân dân, ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở một số nơi hiệu quả chưa cao. Một bộ phận người dân, doanh nghiệp vẫn thờ ơ, ít tố cáo hành vi tiêu cực, đòi hối lộ, tham nhũng.

Việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán có chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực.

PV: Theo ông, số vụ việc, vụ án được xử lý có phản ánh đúng thực trạng tham nhũng?

TS. Đỗ Đức Hồng Hà: Việc kiến nghị xử lý vi phạm qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều năm qua vẫn chủ yếu kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật mà ít kiến nghị xử lý hình sự, nhất là trong hoạt động kiểm toán nhà nước và theo phản ánh của dư luận là chưa tương xứng với tình hình tham nhũng, có biểu hiện hành chính hóa quan hệ hình sự.

PV: Xin cảm ơn TS!

"Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2019 cũng nêu rõ: Cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong kiểm tra, giám sát; lựa chọn đối tượng, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh vi phạm. Nhiều cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, kết luận, làm rõ nhiều vi phạm, trên cơ sở đó quyết định hoặc đề nghị thi hành kỷ luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời nhiều tổ chức đảng, đảng viên sai phạm. Nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều vụ việc sai phạm rất nghiêm trọng liên quan đến tham nhũng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu", TS. Đỗ Đức Hồng Hà nhấn mạnh.

Tác giả: Hương Lan (Thực hiện)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP