Thể thao

Cầu thủ Việt kiều: Từ "cú lừa" Ludovic tới những ý tưởng... trên giấy

Có không ít cầu thủ Việt kiều từng ngỏ ý muốn khoác áo đội tuyển Việt Nam nhưng họ khó có được cơ hội, ngay cả trong giai đoạn bóng đá nước nhà đang gặp nhiều khó khăn về lực lượng. Hành trình lên đội tuyển quốc gia của những cầu thủ Việt kiều xem ra lắm gian nan.

KHÁT VỌNG CHÁY BỎNG CỐNG HIẾN CHO QUÊ HƯƠNG

"Như mọi người đã biết niềm khát khao được khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam, cống hiến cho màu cờ sắc áo nơi quê cha đất Tổ của tôi thể hiện bằng sự kiên trì bền bỉ trong quá trình xin thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam hơn 2 năm qua, nhưng đến nay thủ tục vẫn chưa xong!" - đó là dòng viết mở đầu trên trang cá nhân của thủ thành Filip Nguyễn cách đây hơn 1 năm (tháng 12/2020).

Khi viết ra những dòng này, Filip Nguyễn muốn "nói lời tạm biệt" với đội tuyển Việt Nam sau thời gian chờ đợi quá lâu, để khoác áo đội tuyển CH Séc. Ở thời điểm này, Filip Nguyễn vẫn chưa ra sân cho đội bóng châu Âu và vẫn còn cơ hội khoác áo đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc anh vẫn chưa thể khoác áo đội bóng quê cha dù trải qua 3 năm chờ đợi.

Nhiều cầu thủ Việt kiều mong muốn khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Filip Nguyễn chỉ là trường hợp điển hình cho khát khao muốn trở về cống hiến cho đội tuyển Việt Nam của những ngôi sao Việt kiều. Ở kỳ AFF 2020, có một nhân vật xuất hiện trên khán đài theo dõi đội tuyển Việt Nam, mà ít ai để ý, đó là Jason Quang-Vinh Pendant.

Cầu thủ người Pháp gốc Việt đã chấp nhận bỏ tiền túi tới Singapore để theo dõi đội tuyển Việt Nam thi đấu đương nhiên không phải vì… quá rảnh rỗi. Chỉ tới khi cầu thủ này khoe trên trang cá nhân, những người hâm mộ Việt Nam mới thực sự "ngớ người".

"Tinh thần thi đấu không bao giờ bỏ cuộc, những người hâm mộ đầy cuồng nhiệt, thật tự hào khi có mặt ở đây. Tiến lên các chàng trai Việt Nam, hãy chiến đấu hết mình" - chia sẻ của anh chàng hậu vệ cánh sinh năm 1997 này toát lên niềm tự hào về dòng máu đang chảy trong người mình.

Chỉ hơn một năm trước, cầu thủ đang thi đấu ở Mỹ từng đề cập tới giấc mơ khoác áo đội tuyển Việt Nam: "Quan điểm của tôi vẫn vậy. Tôi hy vọng sẽ được thử sức ở đội tuyển Việt Nam. Đối với tôi, hai chữ Việt Nam mang ý nghĩa rất thiêng liêng. Tuy nhiên, lúc này, tôi vẫn chưa được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) liên hệ. Tôi chỉ cố gắng tập trung cải thiện phong độ trong màu áo CLB. Tôi tin rằng một ngày nào đó, tôi và VFF sẽ tìm được tiếng nói chung. Khi ấy, tôi sẽ tận dụng cơ hội khoác áo đội tuyển Việt Nam".

Có một chi tiết đáng chú ý ở AFF Cup 2020 vừa qua. Đó là việc đội tuyển Việt Nam là đội bóng duy nhất không có cầu thủ có gốc ở nước ngoài (mang hai dòng máu) trong số 4 đội bóng tham dự vòng bán kết. Singapore, Thái Lan, Indonesia đều chú trọng tới việc thu hút nhân tài mang dòng máu đất nước về cống hiến cho đội tuyển quốc gia.

Đặc biệt là đội tuyển Thái Lan. Ngay cả khi Liên đoàn bóng đá nước này xác định phát triển nguồn lực bóng đá nội, để lấy lại vị thế ở Đông Nam Á, thì những cầu thủ Thái kiều như Manuel Bihr, Elias Dolah, Philip Roller, Tristan Do… vẫn có chỗ đứng ở đội tuyển quốc gia.

Tất nhiên, bóng đá Việt Nam không thiếu những cầu thủ Việt kiều có tài năng. Điển hình như Filip Nguyễn, một trong những thủ thành xuất sắc nhất giải VĐQG CH Séc. Cũng ở giải đấu này, một thủ môn Việt kiều khác là Patrik Lê Giang chơi xuất sắc không kém. Hay như ở Na Uy, Alexander Đặng đã thể hiện tài năng của mình. Bên cạnh đó, chúng ta còn có thể kể tới vài cái tên khác như Kelvin Bùi (Hà Lan), Florentin Pham (Romania), Emil Lê Giang (Slovakia)…

Adriano Schmidt không được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam ngay cả khi đội bóng đang khủng hoảng hàng thủ.

Chẳng nói đâu xa, ngay ở V-League, ở thời điểm mà đội tuyển Việt Nam khủng hoảng hàng thủ, trung vệ Adriano Schmidt (có bố là người Việt) của CLB Bình Định đã được nhắc tới. Hay những cái tên nổi bật khác trong lứa trẻ là Martin Lo, Tiêu Exal.

Nói vậy để thấy rằng, lực lượng cầu thủ gốc Việt có thể phục vụ cho đội tuyển Việt Nam không hề thiếu. Tuy nhiên, dường như vẫn còn "rào cản nào đó" khiến cho họ chưa thể phục vụ cho đội bóng quê hương như mong đợi.

BÀI HỌC TỪ MỘT "CÚ LỪA"

Nếu là người hâm mộ thực sự của bóng đá Việt Nam thì bạn có thể thử lục lại trí nhớ, xem có ký ức nào về cái tên Ludovic Casset hay không? E rằng tất cả đều khá mơ hồ. Thậm chí, nhiều người còn không nhớ nổi cầu thủ này.

Trước thềm Tiger Cup 2004, một cầu thủ Việt kiều (người Pháp gốc Việt) có tên Ludovic Casset về nước thử việc. Với bản lý lịch từng thi đấu cho CLB hàng đầu nước Pháp là AJ Auxerre, Casset có thể thuyết phục bất kỳ ai. Ngay sau khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài, trung vệ này đã phải thừa nhận: "Tôi chưa tới nơi đâu mà nhận được sự chú ý tới vậy".

Ludovic Casset là một trong những cầu thủ Việt kiều thất bại ở đội tuyển Việt Nam.

Nhưng rồi, tất cả chỉ như bong bóng vỡ tan. HLV Tavares cho Ludovic Casset thử việc một tháng ở đội tuyển Việt Nam, trước khi gạch tên cầu thủ này ra khỏi danh sách tham dự giải Tiger Cup 2004.

Nhưng chưa hết, Ludovic Casset còn tạo ra "cú lừa" khác cho CLB Đà Nẵng. Ban lãnh đạo đội bóng sông Hàn đã ký hợp đồng 3 năm với cầu thủ này, với mức lương khoảng 3500 USD/tháng. Họ cũng làm thủ tục nhập tịch cho trung vệ này với cái tên rất Việt Nam là Mã Trí. Dù vậy, cuối cùng, chẳng có "cú phi nước đại" nào từ Mã Trí. Tới đây, tất cả mới lộ ra sự thật rằng trình độ của cầu thủ gốc Việt này quá xoàng, thậm chí thua cả cầu thủ trong nước.

Tới tháng 8/2005, sau khi ngồi dự bị quá nhiều, Mã Trí đã kiện lên FIFA và tòa án ở Việt Nam vì CLB Đà Nẵng vi phạm luật lao động. Cuối cùng, đội bóng sông Hàn ngậm ngùi thanh lý sớm hợp đồng, kèm thêm một tháng lương "phí đi đường". Kể từ thời điểm đó tới nay, Mã Trí gần như mất tích trong những câu chuyện liên quan tới bóng đá Việt Nam.

Những cầu thủ Việt kiều "nhanh chóng vụt sáng rồi tắt lịm" như vậy không hề thiếu trong làng bóng đá Việt Nam. Toni Lê Hoàng, người từng giành giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải U19 Ba Lan 2 năm liên tiếp, từng không thể hiện được khi trở về thử sức ở đội U23 Việt Nam và bị loại chỉ sau một buổi tập. Thậm chí, cầu thủ này còn không theo được thể lực của các đồng đội.

Anh em nhà Lê Giang (Emil và Patrick), Johnny Nguyễn, Michel Lê, Kevin Nguyễn đều cũng không qua được "vòng gửi xe".

Có một vài người khá hơn như Mạc Hồng Quân hay Michal Nguyễn từng được trao cơ hội để khoác áo đội tuyển Việt Nam. Thế nhưng, những dấu ấn của họ trên tuyển chỉ ở mức trung bình và không có gì nổi bật. Nhiều năm qua, các HLV ở đội tuyển Việt Nam gần như "bỏ quên" những cầu thủ này.

Không phải trong những năm qua, VFF không chú ý tới những cầu thủ Việt kiều. Vào năm 2019, họ từng chuẩn bị bản danh sách những cầu thủ gốc Việt đáng chú ý ở châu Âu. Bản thân HLV Park Hang Seo cũng đã có chuyến công du sang Na Uy để xem giò Alexander Đặng. Và rồi, chiến lược gia người Hàn Quốc đã trở về và… không thu hoạch được gì.

Rất nhiều cầu thủ Việt kiều đã thất bại khi lên đội tuyển quốc gia.

Gần đây, khi câu chuyện về cầu thủ Việt kiều mới bắt đầu nóng lại, Tổng thư ký VFF, ông Lê Hoài Anh đã nhấn mạnh rằng cánh cửa lên tuyển luôn mở rộng với các cầu thủ gốc Việt, chỉ cần họ đáp ứng về mặt pháp lý, tư cách thi đấu cho đội tuyển quốc gia.

Nhưng suy cho cùng, những ý tưởng về việc sử dụng các cầu thủ Việt kiều vẫn chỉ… nằm ở trên giấy. Cuộc tìm kiếm cầu thủ mang trong mình dòng máu Việt vẫn vô cùng gian nan và không dễ có lời giải.

CÓ HAY KHÔNG ĐẶNG VĂN LÂM THỨ HAI?

Văn Lâm là trường hợp cầu thủ Việt kiều hiếm hoi (gần như là duy nhất) thành công ở đội tuyển Việt Nam nhưng thành công của thủ thành mang trong mình hai dòng máu Nga - Việt Nam này không phải từ trên trời rơi xuống.

Dù có "lợi thế" sẵn hơn nhiều cầu thủ Việt Nam khác là biết nói tiếng Việt từ khi còn nhỏ nhưng cầu thủ này cũng không dễ dàng thích nghi. Nhiều người hẳn sẽ không quên "bức tâm thư" của Văn Lâm trong những ngày đầu khó khăn ở Việt Nam năm 2015. Thủ thành này viết: "Mong muốn nhất bây giờ là về Việt Nam thử việc đội tuyển U23 Việt Nam. Một lần nữa thôi, không cần thì Lâm sẽ về Nga và không phiền nữa đâu ạ. Vì năm nay là năm cuối Lâm đủ tuổi để tham dự SEA Games. Miura có biết Lâm không? Nếu không bây giờ thì không bao giờ nữa".

Văn Lâm là thủ thành được đào tạo ở hai lò đào tạo tốt nhất ở Nga là Dinamo và Moscow nhưng trong thời gian trở về Việt Nam, người gác đền này từng bị CLB HA Gia Lai đẩy sang Lào để thi đấu cho Hoang Anh Attapeu. Sau đó, tới năm 2015, thủ thành này từng phải thốt lên: "Chịu không nổi được nữa khi thấy các bạn đang tập mà không có mình ở đấy".

Văn Lâm từng chật vật trong những ngày đầu trở về Việt Nam.

Cuối cùng, HLV Miura không đồng ý nhưng bức tâm thư này đã giúp anh trở về Việt Nam để khoác áo CLB Hải Phòng. Dù ở thành phố hoa phượng đỏ, Văn Lâm có thời gian dính vào lùm xùm nhưng đó là bước ngoặt đầu tiên của chàng trai Việt kiều.

Sau này khi chia sẻ trên tờ SovetskySport (Nga), Văn Lâm cũng thừa nhận: "Vấn đề của tôi trong những ngày đầu trở về Việt Nam là tâm lý và sự khác biệt về văn hóa giữa Nga và Việt Nam".

Bóng đá không phải là trò chơi của một người. Một cầu thủ xuất sắc chưa chắc đã hòa hợp được với môi trường. Ở góc độ nào đó, yếu tố đầu tiên dẫn tới thành công của một cầu thủ khi bước vào môi trường mới chính là sự hòa hợp với môi trường và các đồng đội.

Đội tuyển quốc gia không giống như CLB. Các cầu thủ không được tập luyện cùng nhau mỗi ngày, mà vài tháng, thậm chí cả năm mới lên tập trung cùng những thành viên của nhiều CLB khác nhau. Chính vì vậy, việc hòa nhập không phải là điều đơn giản.

Việc tìm ra Văn Lâm thứ hai chưa bao giờ là việc dễ dàng với HLV Park Hang Seo cũng như Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Ít nhất, trước khi thành công, Văn Lâm từng có 5, 6 năm làm quen với môi trường bóng đá Việt Nam. Còn lại, nhiều cầu thủ Việt kiều ở thời điểm này không có được may mắn đó.

Đơn cử như trường hợp của Filip Nguyễn. Thủ thành này chưa có điều kiện trở về Việt Nam dù đã hứa hẹn trong 2, 3 năm qua. Sự khác biệt ngôn ngữ sẽ là rào cản nếu như anh muốn chỉ huy hàng thủ hay giao tiếp với các đồng đội trên sân. Đó chưa kể nhiều trở ngại khác nữa.

Cũng như việc xây dựng bóng đá trẻ, vấn đề đưa các cầu thủ nhập tịch trở về thi đấu ở đội tuyển Việt Nam cần lộ trình. Đôi khi không phải lúc nào cứ muốn là được.

Tác giả: Hải Long

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP