Trong tỉnh

Cận cảnh những người sống chênh vênh “giỡn mặt tử thần” mùa mưa lũ

Mùa mưa lũ cận kề, các hộ dân sống hai bên bờ sông Nậm Nơn lại thấp thỏm lo âu vì bờ sông sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi nhà cửa, hoa màu. Mặc dù đã rất nhiều lần đề nghị, thế nhưng người dân chỉ nhận được những lời hứa hẹn không biết khi nào mới xử lý.

Người dân sống chênh vênh bên cạnh sông Nậm Nơn.

Đi không được, ở không xong

Trước khi thủy điện Nậm Nơn được xây dựng Gia đình ông Vi Xuân Hải, trú ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An) cách mép sông Nậm Nơn hơn 100m. Từ năm 2011 sau khi thủy điện Nậm Nơn được xây dựng cách ngôi nhà khoảng 50m thì cuộc sống của gia đình ông, cũng như những hàng chục gia đình khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Đặc biệt, từ năm 2015, sau khi nhà máy thủy điện Nậm Nơn hoàn thành thì tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa mưa lũ. Mùa mưa lũ năm ngoái, nhà tôi đã bị dòng nước lũ cuốn trôi 1/2 nhà cửa. Đến nay đã gần 1 năm rồi mà gia đình tôi muốn sửa nhà cũng không được, muốn di dời đi chỗ khác cũng không xong. Cứ vào mùa lũ là thủy điện tích nước và xả lũ khiến cho nhiều nhà trong bản bị đe dọa” ông Hải thở dài.

Sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương có đến kiểm tra, lập biên bản gửi các cấp chức năng xem xét. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện nay đã hơn 1 năm người dân vẫn không thấy có động tĩnh gì. Riêng nhà ông Hải thì vẫn phải sống trong cảnh nơm nớp, sẵn sàng chạy bất cứ lúc nào.

“Một thời gian sau, gia đình tôi đúng là có nhận được thông báocủa Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện Tương Dương, về phương án hỗ trợ di dời cho các hộ dân bản Xiêng Hương. Tuy nhiên, việc văn bản ghi “hỗ trợ vì thiên tai lũ lụt” khiến cho tôi vô cùng bức xúc. Thực chất nhà cửa, công trình của chúng tôi bị hư hỏng là do thủy điện Nậm Nơn gây ra, không thể đổ lỗi cho thiên tai được”, ông Hải nói.

Không chỉ riêng nhà ông Hải, hàng chục hộ dân sống ở hai bên bờ sông Nậm Nơn, đoạn hạ lưu thủy điện Nậm Nơn thuộc địa phận bản Xiêng Hương cũng nơm nớp khi bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn đi nhiều nhà cửa. Đặc biệt, những hộ dân này phải sinh sống tạm bợ, cuộc sống lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Mặc dù đã có sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân... nhưng họ không đủ điều kiện để làm nhà nơi vùng đất mới.

Bà Lô Thị Trà My, Phó Chủ tịch UBND xã Xá Lượng, huyện Tương Dương xác nhận, trong đợt mưa lũ năm 2018, toàn xã có tới 171 hộ gia đình bị thiệt hại do mưa lũ. Năm nay theo thống kê toàn xã có 129 hộ gia đình có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét vì đa phần các hộ này đều sinh sống ở hai bên bờ sông Nậm Nơn.

Nguyên nhân do thủy điện?

Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư huyện Tương Dương cho biết, mưa lũ do bão số 4 và việc xã lũ của các nhà máy thủy điện đợt cuối tháng 8, đầu tháng 9/2018 vừa qua đã gây ảnh hưởng nặng nề cho huyện Tương Dương với tổng thiệt hại ước tính khoảng 31 tỷ đồng. Hiện 121 hộ gia đình buộc phải di dời khẩn cấp do nhà bị sạt lở, bị cuốn trôi hoặc ngập sâu trong nước. Trước mắt, huyện Tương Dương đã trích 2,7 tỷ đồng từ nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ khẩn cấp cho các gia đình bị mất nhà cửa làm nơi ở tạm.

Trong đó, 14 hộ dân ở bản Xiêng Hương bờ trái hạ lưu Thủy điện Nậm Nơn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt có 4 hộ bị trôi nhà hoặc phải tháo dỡ, các hộ dân khác nhà bị hư hỏng, sạt lở đất vườn có nguy cơ mất an toàn cho người và tài sản của dân. Nói về giải pháp và chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng tình trạng sạt lở dọc sông Nậm Nơn, ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương thông tin: “Với các hộ dân xã Xá Lượng bị ảnh hưởng, thiệt hại trong đợt lũ lụt năm 2018, huyện đã có chính sách hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ theo quyết định của UBND tỉnh. Riêng những hộ bị cuốn trôi, đổ sập nhà cửa, phía thủy điện sẽ được hỗ trợ thêm 50 triệu đồng”.

Nhưng đây chỉ là phương án tạm thời, bởi nếu dựa theo chính sách của Nhà nước thì nguồn kinh phí nói trên quá ít ỏi để người dân yên tâm sinh sống lâu dài ở vùng đất mới. Trên thực tế các đợt lũ vừa rồi, những ảnh hưởng đối với người dân do thủy điện xả lũ đã thấy rõ. Mất đất, mất tài sản khiến cho hàng trăm hộ dân nằm trong vùng tác động của các dự án thủy điện rơi vào cảnh cơ cực, thậm chí tính mạng bị đe dọa. Việc di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm đang là nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi các cấp, các ngành và các nhà máy thủy điện sớm triển khai thực hiện.

Tại buổi làm việc về xem xét, giải quyết hỗ trợ di dời các hộ dân bản Xiêng Hương, ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định việc di dời các hộ dân là rất cần thiết và yêu cầu khẩn cấp, nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản trước mùa mưa bão năm 2019.

Để có kinh phí thực hiện di dời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh cân đối nguồn dự phòng của quỹ và các quy định hiện hành của Nhà nước, tham mưu bố trí kinh phí, báo cáo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và UBND tỉnh; Sở Tài chính cân đối từ nguồn ngân sách của tỉnh, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh để quyết định.

Văn phòng UBND tỉnh làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hỗ trợ từ các nguồn quỹ do Ủy ban MTTQ tỉnh quản lý; Sở Công thương chủ trì, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện các nội dung trên; tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Tương Dương làm văn bản trình UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ nguồn quyên góp xóa nhà tranh tre nứa mét cho người nghèo.

Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết và trên thực tế địa bàn, có biện pháp cảnh báo, bảo vệ, sơ tán dân trong các đợt mưa lũ sắp tới, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của nhân dân.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Công ty cổ phần Tổng Công ty phát triển Năng lượng Nghệ An (chủ đầu tư thủy điện Nậm Nơn) và Công ty Thủy điện Bản Vẽ với tinh thần trách nhiệm đối với người dân trên địa bàn ủng hộ, đóng góp mỗi đơn vị tối thiểu 1 tỷ đồng để góp phần hỗ trợ di dời, tái định cư đảm bảo an toàn cho các hộ dân nói trên.

Thiết nghĩ các biện pháp, phương án cần được triển khai tích cực, rốt ráo bởi mùa mưa lũ đang đến gần, nếu không “nhanh chân” thì có thể xảy ra những nguy cơ khôn lường có thể ảnh hưởng đến tài sản và sinh mệnh của người dân.

Tác giả: Anh Ngoc

Nguồn tin: Báo Đời sống pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP