Trong tỉnh

Bình minh làng không chồng

Làng Lòi - huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An hơn 40 năm trước là nơi định cư của 30 người đàn bà không được làm vợ nhưng mang trong mình khao khát làm mẹ. Họ chung nỗi cô đơn, mặc cảm và chung làng không chồng.

Làng không chồng chở che những mảnh đời bất hạnh

Làng Lòi thuộc xã Viên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An bao năm nay được biết đến là nơi ngụ cư của 30 phụ nữ đơn thân nuôi con. Họ là những cô TNXP trở về sau chiến tranh trong cái thế đã quá lứa, lỡ thì nhưng mang trong mình khao khát làm mẹ.

Trong số những câu chuyện về thân phận phụ nữ tại làng Lòi nhiều người vẫn nhắc đến cô đội trưởng dân quân xã Nguyễn Thị Nhan.

Năm 1975 giữa lúc chiến tranh đi vào hồi kết cũng là lúc bà Nhan lấy chồng. Đám cưới đôi trẻ ngày đó diễn ra vội vã, đơn sơ nhưng ấm áp. Chỉ tiếc vợ chồng còn chưa kịp bén hơi thì chàng trai làng đã phải khoác súng lên đường vào Nam chiến đấu. Người vợ trẻ gạt nước mắt tiễn chồng, ở lại hậu phương tăng gia sản xuất mang theo nỗi nhớ ngày đêm ngóng trông về ngày toàn thắng.

Ngày đất nước thống nhất cũng là ngày chị Nhan sắp sinh con gái đầu lòng. Vỡ òa trong niềm vui chẳng thể nào đong đếm, chị vun vén lại nếp nhà, chờ người đàn ông của mình lành lặn trở về. Nhưng ngày tháng trôi đi, đất nước hòa bình trở lại nhưng tin tức về anh cứ thưa dần theo năm tháng.

Năm 1980, qua nhiều manh mối, chị hay tin anh đã chọn con đường ở lại miền Nam xây dựng hạnh phúc mới.

Bà Nhan cùng cháu nội trong ngôi nhà khang trang

Hụt hẫng, khổ đau, ngó lại đời mình thấy tuổi xuân đã trôi qua tự lúc nào, chị bế con dọn ra mảnh đất hoang hút cuối làng sinh sống. Để có thêm chỗ dựa dẫm khi về già, chị quyết định “xin” thêm 1 đứa con trai. Cái tên làng Lòi cũng ra đời từ đó.

Thế rồi không biết ai bảo ai, những người đàn bà khác như chị T. chị H. chị L… là những nữ thanh niên xung phong, dân quân tự vệ quá lứa lỡ thì lần lượt về làng Lòi cùng nhau sinh sống. Không được làm vợ nhưng họ luôn khát khao được làm mẹ nên đành mạnh dạn "xin" những người đàn ông mà mình tin tưởng một đứa con. Danh tính người cha, với họ mãi mãi là điều bí mật chôn chặt suốt cuộc đời.

Tháng ngày trôi đi trong cơ cực, những người phụ nữ quá lứa lỡ thì sớm tối nương tựa, chia sẻ cùng nhau bao nhọc nhằn vượt qua những gian nan của cuộc sống mà không có bóng dáng người đàn ông.

Kỳ diệu thay, trong tiếng hun hút gió đồng những đứa trẻ Làng Lòi lần lượt được sinh ra. Tiếng khóc con trẻ dường như hồi sinh cả một vùng đất khô cằn sỏi đá. Ngày đó, việc “không chồng mà chửa” còn bị người đời nhìn nhận khắt khe. Những đứa trẻ sinh ra không cha vì thế cũng phải chịu đựng biết bao thiệt thòi, điều tiếng.

Cuộc sống đã khắc nghiệt với những người phụ nữ nay lại khắt khe với những đứa trẻ nhưng đã có tới 30 nóc nhà nghèo khó đơn chiếc được dựng lên, chở che, bao bọc chừng ấy mảnh đời bất hạnh. Họ sống co cụm với nhau trong sự ghẻ lạnh, miệt thị của người đời, chung nỗi buồn trong ngôi làng đặc biệt.

Bình minh Làng Lòi

Dẫn chúng tôi đến Làng Lòi, anh Phan Tuấn - Trưởng ban Văn hóa xã Viên Thành không ngừng nói về sự đổi thay nơi đây như sợ những người khách lạ không tin những gì trước mắt.

Từ Quốc Lộ 7 rẽ vào khoảng 1km, Làng Lòi hiện ra với nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường bê tông thẳng tắp nối làng trên xóm dưới. Từ 30 nóc nhà ngày xưa, Làng Lòi (nay là xóm 6, xã Viên Thành) giờ đây đã có đến 306 hộ với 1350 nhân khẩu sinh sống. Ven đường, nhiều cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, cửa hàng tạp hóa xanh đỏ sầm uất như một khu thị tứ.

Làng Lòi nay không thiếu những ngôi nhà cao tầng tiền tỷ

Để có được cơ ngơi đó, hơn 6000m2 đất đã được người dân hiến để làm đường. Làng giờ có hơn 200 con em đang làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ hộ nghèo giờ chỉ còn 0,26%, an ninh trật tự ổn định. Đặc biệt, dấu tích của ngôi làng không chồng xưa nay gần như khó nhận ra.

Ngôi nhà lụp xụp của bà Nhan, người đàn bà đầu tiên ôm con ra khai lập Làng Lòi xưa giờ không còn nữa, thay vào đó là ngôi nhà ngói khang trang được xây bằng nguồn tiền cậu con trai và vợ đi Tây gửi về.

Những đứa trẻ Làng Lòi được sinh ra từ những đêm hun hút gió đồng xưa nay đã lớn lên, sinh con đẻ cái, kề vai sát cánh cùng nhau xóa đi quá khứ buồn thương của ngôi làng và chính thân phận họ.

Xưa nhắc đến Làng Lòi là nhắc đến ngôi làng không chồng với những câu chuyện buồn. Nay Làng Lòi đã khác, một diện mạo mới đang mở ra hiện đại, đủ đầy thay cho những quá khứ buồn đã qua.

Tác giả: Anh Tuấn - Quang Minh

Nguồn tin: giadinhonline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP