Giáo dục

Ai chịu trách nhiệm khi sách giáo khoa có 'sạn'?

Thạc sĩ Lưu Đức Quang khẳng định những thành viên trong hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm về sách giáo khoa bằng uy tín trong cộng đồng khoa học.

Sau hơn một tháng triển khai, sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều, bộc lộ nhiều vấn đề ngữ liệu, cách dùng từ. Các chuyên gia cho rằng đây là những "hạt sạn" cần được điều chỉnh.

Trước khi được đưa vào sử dụng đại trà, bộ sách đã được thực nghiệm và Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt (gọi tắt là hội đồng) thông qua với 100% phiếu đạt. Quá trình sử dụng, nhiều vấn đề của sách được phát hiện.

Sách giáo khoa có sạn, ai chịu trách nhiệm? Ảnh minh họa: NXB ĐH Sư phạm TP.HCM.

Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm về chuyên môn

Luật Giáo dục 2019 quy định về sách giáo khoa (SGK) phổ thông ở điểm 2, điều 32. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do Bộ trưởng GD&ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học. Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan.

Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng và thành viên phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.

Theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), hội đồng thẩm định có ý nghĩa, vai trò thẩm định, tư vấn chuyên môn. Hội đồng này không có thẩm quyền quản lý Nhà nước về mặt giáo dục.

"Luật quy định hội đồng và thành viên chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. Hội đồng chịu trách nhiệm về chuyên môn, thạc sĩ Lưu Đức Quang nêu quan điểm.

Nói thêm về vấn đề này, ông cho rằng những thành viên trong hội đồng thẩm định sách chịu trách nhiệm bằng uy tín trong cộng đồng khoa học. Nếu đang là công chức, viên chức, họ có thể bị kỷ luật vì làm sai (nếu có).

Có thể chỉnh sửa SGK

Trong khi đó, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng Hội đồng thẩm định là người quyết định thông qua và cho lưu hành cuốn sách. Do đó, nếu có sai sót, hội đồng thẩm định là cơ quan chịu trách nhiệm đầu tiên sau đó mới xét đến ban biên tập, nhà xuất bản… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị.

Ông Cường thông tin việc biên soạn, sửa đổi bổ sung SGK được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT, ban hành 22/12/2017 của Bộ GD&ĐT. Thông tư này quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định.

Điều 9 quy định về quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK. Trong đó, Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định bản mẫu. Nhà xuất bản có sách được thẩm định phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa hoàn thiện bản mẫu sau thẩm định. Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng SGK.

Điều 9 cũng nêu trong quá trình sử dụng, SGK có thể được chỉnh sửa.

Ông Cường lập luận để ra đời một bộ SGK mới, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK là cơ quan quan trọng, quyết định đến việc bổ sách có được thông qua và phát hành hay không.

Cụ thể, Thông tư số 33 quy định Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa là tổ chức do Bộ trưởng GD&ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp, giúp Bộ trưởng GD&ĐT thẩm định sách.

Nhiệm vụ của Hội đồng bao gồm thẩm định sách giáo khoa của một môn học, hoạt động giáo dục của các lớp trong một cấp học; đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng.

Như vậy, có thể nói, việc ra đời một bộ SGK được quyết định bởi Hội đồng thẩm định.

“Đến nay, Bộ GD&ĐT nhận thấy ý kiến dư luận phản đối về nhiều sai sót trong Tiếng Việt lớp 1 nên có văn bản giao cho Hội đồng thẩm định xem xét lại những nội dung mà dư luận phản ánh. Tôi cho rằng đây là động thái có tính chất tích cực, cầu thị từ phía bộ”, ông Cường nhận định.

Hoạt động này có hiệu quả hay không, có đánh giá sự việc khách quan hay không, cần phải xem xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nếu một số thành viên trực tiếp thực hiện quy trình để cho ra đời cuốn sách, chính Hội đồng này xem xét những sai sót là cách làm không khách quan, khó đảm bảo chất lượng như phụ huynh mong muốn.

Luật sư Đặng Văn Cường nêu cần hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra tốt hơn, đồng thời xem xét trách nhiệm trong các khâu để phát hiện sai phạm, xử lý thì mới đảm bảo được chất lượng của sách.

Việc huy động phụ huynh và cộng đồng xã hội “nhặt sạn” trong những cuốn sách mới là cần thiết để những cuốn sách có chất lượng. Nếu phát hiện ra sai sót thì cần làm rõ do lỗi chủ quan hay khách quan, trình độ nhận thức, quan điểm hay kỹ thuật.

Theo ông, việc xem xét sách cần toàn diện, đầy đủ về nội dung, tư tưởng, về hình thức, bố cục, cách thức giáo dục, đánh giá trên cơ sở đối tượng là lứa tuổi lớp 1 mới có thể có kết luận khách quan, công bằng.

“Ngoài ra, chúng ta cũng cần xem xét đến yếu tố tư tưởng để kết luận đúng đắn và hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, kịp thời điều chỉnh nội dung của cuốn sách”, ông Cường nêu quan điểm.

Luật quy định hội đồng và thành viên chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. Hội đồng chịu trách nhiệm về chuyên môn.

Thạc sĩ Lưu Đức Quang

Tác giả: Thanh Thanh - Bách Linh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP