Xã hội

Nghệ An: Người có công thành… “con nợ”

Chính sách hỗ trợ người có công xây nhà, sửa nhà (Quyết định 22/2013 QĐ-TTg) là một nghĩa cử tri ân những người có công với cách mạng hết sức có ý nghĩa. Nhưng việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn khiến nhiều người chưa được hưởng, nhiều người thành…“con nợ” vì vay tiền làm nhà chờ tiền chính sách.



Bà Mâu với căn nhà vay mượn ngân hàng sửa chữa giờ không biết trả từ đâu

Ôm nợ chờ… tiền chính sách

Vợ chồng ông Phạm Đình Chung (SN1949 và bà Nguyễn Thị Văn (SN 1949), trú tại xóm 13, xã Nghi Ân, TP Vinh) là hộ nghèo của địa phương, thuộc đối tượng người có công với cách mạng sống trong ngôi nhà dột nát. Nghe có chính sách hỗ trợ người có công làm nhà, sửa nhà gia đình ông bà phấn khởi lắm.

Sau khi chính quyền lập danh sách trình lên, ngôi nhà xuống cấp được cán bộ xã động viên vay mượn xây trước rồi nhận tiền hỗ trợ sau. Theo Quyết định 22/2013 QĐ-TTg thì đối với hộ xây mới nhà được hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ, hộ sửa chữa nhà được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ.

Bán con bò được hơn 18 triệu, ông bà vay 80 triệu ngân hàng và khoảng 20 triệu người thân xây căn nhà khoảng 50m2 kiên cố. Nhà xây xong nhưng tiền hỗ trợ không thấy đâu, bà lên xã hỏi thì được cán bộ nói về chờ Nhà nước giải ngân. Ngậm ngùi chờ đợi, nhưng hơn 1 năm nay tiền lãi ngân hàng đè nặng đôi vai gầy của hai ông bà già ốm yếu.

Hàng ngày, ông ở nhà mua tre về đan cái rổ, cái rá đưa ra chợ bán kiếm ngày vài chục ngàn chi tiêu cho cả nhà. “Mỗi quý gần 1 triệu đồng tiền lãi ngân hàng không biết xoay xở thế nào. Hai ông bà chỉ sống dựa vào tiền ông đan rổ rá, khi ông đau yếu không đan được thì không biết lấy gì chi tiêu…”, bà Văn kể.

Gia cảnh bà Trần Thị Mậu (SN 1953, trú tại xóm Kim Chi, xã Nghi Ân, TPVinh) cũng không khá hơn. Tham gia chiến trường trở về bị nhiễm chất độc da cam nhưng giấy tờ gốc mất hết, bạn bè đồng chí cũng mỗi người một nơi không liên lạc được nên đành chịu. Đứa con trai đầu lòng cũng là duy nhất tròn 3 tháng tuổi di chứng chiến tranh để lại nên mang bệnh động kinh.

Năm 2014, được cán bộ xã động viên bà mạnh dạn vay ngân hàng, sửa ngôi nhà lụp xụp hết 29 triệu đồng, nhưng hơn 1 năm nay vẫn chưa được nhận tiền chế độ chính sách. Bệnh tật đau ốm liên miên, bà phải cầm sổ đỏ vay mượn ngân hàng để trả tiền thuốc và tiền sửa nhà …

Có đợi được chính sách?

Ông Chung, bà Mậu chỉ hai trong số rất nhiều gia đình có công rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” vì làm nhà rồi trở thành “con nợ”.

Chị Nguyễn Thị Hiên, cán bộ chính sách xã Nghi Ân cho biết, toàn xã có 32 hộ được hưởng chính sách có nhu cầu xây và sửa nhà. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới 3 hộ được hưởng từ nguồn vốn của Chính phủ, 3 hộ sửa nhà được thành phố hỗ trợ 50% từ nguồn đền ơn đáp nghĩa. Hiện có 12 hộ đã xây mới và sửa chữa đang chờ được hưởng chính sách. “Việc chưa có vốn giải ngân đã gây khó khăn cho địa phương. Ban đầu, nhiều người không hiểu cho rằng chính quyền ưu ái người này, không quan tâm người kia... Chúng tôi đã phải giải thích mãi người dân mới hiểu và thông cảm…”, chị Hiên chia sẻ.

Thành phố Vinh có 802 người có công có nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà ở, đến nay mới được 50 trường hợp được nhận tiền từ nguồn vốn Chính phủ. Năm 2015, thành phố trích Quỹ Đền ơn đáp nghĩa giải quyết cho một số trường hợp đã sửa chữa nhà và xây dựng mới nhà một số tiền nhất định. Còn lại vẫn đang chờ được chính sách tiếp tục thực hiện.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có gần 27.000 người có công có nhu cầu được hỗ trợ tiền xây mới và sửa chữa nhà theo Quyết định 22 của Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ mới hơn 1000 trường hợp được hưởng. Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở chia sẻ, vẫn biết có những gia đình nằm trong diện chính sách, đã tiến hành xây dựng nhà mà chưa được hưởng chế độ theo quy định nhưng kinh phí của địa phương thì không thể kham nổi.

Những đối tượng người có công đều đã nằm ở tuổi xế chiều, có những người vì bệnh tật, ốm đau mà không thể chờ đợi được hưởng chính sách. Như cụ Bạch Thị Kỳ (83 tuổi, xã Nghi Ân) sống trong căn nhà chật hẹp, mong muốn được xây lại căn nhà để thờ cúng, nhưng vì bệnh tật cụ đã mất đầu năm nay.

Vẫn biết còn rất khó khăn về nguồn ngân sách, nhưng đối với những hộ như bà Mậu, ông Chung thì việc nguồn tiền hỗ trợ là điều hết sức quan trọng. Chính sách đối với người có công với cách mạng đã phần nào động viên họ vì công lao mình được ghi nhận. Nhưng vì những lí do nào đó để họ trở thành “con nợ” như những trường hợp trên là điều cần phải xem xét.

Tác giả bài viết: Ngô Toàn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP