Xã hội

Nghệ An: Dân phải “cõng” gần 20 khoản phí

Nhiều năm nay, người dân xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) hằng năm phải đóng góp nhiều khoản cho xã và xóm, có hộ phải nộp tới gần 20 khoản. Nếu không nộp đủ tiền, xã sẽ từ chối giao dịch giấy tờ. Mỗi hộ dân đều phải có “Sổ theo dõi thực hiện nghĩa vụ công dân”, khi giao dịch tại xã phải mang theo, nếu hộ nào còn nợ sẽ bị từ chối giao dịch (đối với vay vốn ngân hàng hoặc chuyển nhượng đất đai...).


DAN PHAI CONG GAN 20 K opt (Custom) NYXB
Minh họa của ĐAN

Thu theo “nghị quyết của nhân dân”

Hộ ông N.V.T ở xóm Thái Thịnh, năm 2016 phải nộp 17 khoản cho xóm và xã, trong đó xã có 11 khoản thu, xóm có 5 khoản thu. Các khoản thu của xã gồm: Thuế nhà đất, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ bảo trợ trẻ em, phòng, chống thiên tai, an ninh quốc phòng, môi trường, vì người nghèo, văn hóa xã hội, người cao tuổi, xây dựng cơ sở hạ tầng, thú y.

Tại xóm, ông T phải góp các khoản: Khuyến học, cơ sở hạ tầng xóm, quỹ dân sinh, quỹ gián tiếp (cán bộ xóm), an ninh, văn hóa. Nếu hộ nào ở mặt đường phải đóng thêm 500.000đ; hộ nào vắng họp phải đóng 50.000đ/buổi. Trong các khoản thu trên dao động từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng/khoản, có hai khoản nặng nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng xã (200.000 đồng/khẩu) và cơ sở hạ tầng xóm (100.000 đồng/khẩu). Hộ ông T phải đóng lên đến gần 2,2 triệu đồng, hộ càng đông người thì mức đóng càng cao.

Mỗi hộ dân đều phải có “Sổ theo dõi thực hiện nghĩa vụ công dân”, yêu cầu mỗi công dân khi giao dịch tại xóm và xã đều phải mang theo, nếu hộ nào còn nợ sẽ bị từ chối giao dịch (đối với vay vốn ngân hàng và chuyển nhượng đất đai…). Các giao dịch khác vẫn được chấp nhận nhưng sẽ bị “phê” vào sổ là “vi phạm pháp luật” hoặc “không chấp hành quy định của địa phương”. Đã có nhiều trường hợp dân nợ các khoản thu theo quy định bị từ chối giao dịch.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng xóm Thái Thịnh - thừa nhận các phản ánh trên là có thật. Ông Thắng cho hay việc tổ chức thu như trên là do nghị quyết của nhân dân trong xóm, người dân đã thống nhất thu các khoản để lo những công việc cho xóm như thăm hỏi ốm đau, viếng người chết, phụ cấp cho cán bộ đoàn thể, loa máy - thông tin… “Cán bộ thôn chúng tôi công việc nhiều, vất vả mà phụ cấp quá thấp, còn cán bộ đoàn thể ở thôn thì không có chế độ gì cả. Cái này chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần”, ông Thắng nói.

3 2 opt (custom) lrse
Ông Chủ tịch xã Nghi Thái Đặng Văn Phương cho biết một số khoản thu năm 2015 đã bỏ nhưng thực tế các hộ vẫn phải nộp trong năm 2016.

Ép dân trả nợ xây dựng nông thôn mới?

Ông Đặng Văn Phương - Chủ tịch UBND xã Nghi Thái cho biết: Toàn xã hiện có 11 xóm, với tổng cộng gần 2.000 hộ, 9.000 dân, trong đó có 84 hộ nghèo. Xã đã về đích nông thôn mới năm 2014 nhưng vẫn còn nợ nần nhiều. Con số nợ do đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM), ông Phương cho biết chưa nắm cụ thể do mới lên làm chủ tịch, song cũng trên dưới 10 tỉ đồng.

“Từ thực tế đó, xã đã làm tờ trình, xin ý kiến cử tri, được HĐND xã phê duyệt phương án vận động mỗi khẩu đóng góp 200.000 đồng/năm để xây dựng cơ sở hạ tầng, và trả nợ…”, ông Phương cho biết. Các đối tượng cao tuổi, hộ nghèo, chính sách, bảo trợ xã hội không vận động, qua tính toán mỗi năm toàn xã thu được khoảng 500 - 600 triệu đồng. Nếu với số nợ khoảng 10 tỉ đồng và tốc độ thu như hiện tại, thì Nghi Thái phải thu đến 20 năm cũng chưa trả hết nợ, vì số tiền đó còn làm các việc khác.

Một lãnh đạo xã Nghi Thái thừa nhận việc về đích NTM có phần vội vàng, tạo áp lực lớn cho địa phương, gây ra gánh nặng nợ nần, trong khi nguồn thu ngân sách địa bàn rất khó khăn (mỗi năm xã Nghi Thái thu ngân sách khoảng 120 triệu đồng).

Ông Phương công nhận có việc lập sổ theo dõi các khoản đóng góp cho các hộ dân, và từ chối một số giao dịch đối với các hộ còn nợ từ nhiều năm qua, nhưng sổ này đã hết hiệu lực từ cuối năm 2015. Việc thu tiền các hộ mặt đường 500 nghìn cũng thực hiện từ 2015, nay đã bãi bỏ. Các khoản thu của xóm, ông Phương cho biết do người dân tự xây dựng từ nhu cầu thực tiễn hoạt động, nhưng sắp tới xã cũng sẽ xem xét bãi bỏ. Các loại quỹ như bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa… triển khai theo văn bản của UBND huyện Nghi Lộc. “Cái này chúng tôi thực hiện theo hướng dẫn của huyện, nếu không hoàn thành sẽ bị phê bình”, ông Phương nói.

Trái quy định của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 7.11.2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 24/2007/CT-TTg “Tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân”, yêu cầu các địa phương: “Bãi bỏ ngay những khoản thu phí, lệ phí không có tên trong danh mục chi tiết phí, lệ phí. Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. HĐND, UBND các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.

Tác giả bài viết: Quang Đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP