Trong nước

Đại án Phạm Công Danh: 9.000 tỉ đồng thất thoát đi đâu, về đâu?

Đó là câu hỏi được hội đồng xét xử lặp lại với nhiều bị cáo phiên tòa phúc thẩm vụ án thất thoát 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng sáng 29-12.

Vợ Phạm Công Danh kháng cáo đòi đồng hồ, nhẫn bị tịch thu

Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) tại tòa sáng 29-12 - Ảnh: T.L

Hội đồng xét xử đã xét hỏi bị cáo Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng) và một số người liên quan để làm rõ hành vi lập hợp đồng khống nâng cấp phần mềm CoreBanking để chiếm đoạt tiền của VNCB .

Chiếm đoạt tiền để "chăm sóc khách hàng"?

Bản án sơ thẩm nhận định tháng 5-2013, do cần tiền để sử dụng và chăm sóc hách hàng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới tạo dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút hơn 63 tỷ đồng.

Để thực hiện việc này, Danh đã nhờ người đứng tên thành lập Công ty An Phát, sau đó tạo dựng hợp đồng với công ty này về việc cung cấp gói dịch vụ tư vấn giải pháp nâng cấp hệ thống CoreBanking.

Sau khi tiền từ Ngân hàng Xây dựng (VNCB) chuyển cho An Phát để thực hiện hợp đồng, tiền được chuyển ngược lại tài khoản của Phạm Công Danh để Danh sử dụng.

Trả lời trước tòa về hành vi phạm tội và số tiền đã sử dụng, Phạm Công Danh nhiều lần nói không nhớ vì “thời gian đã lâu, sức khỏe lại kém, huyết áp cao, trí nhớ giảm sút”…

Ông Danh cho biết mình không nhớ chi tiết việc chi tiêu nhưng cho rằng tiền này được dùng để chăm sóc khách hàng.

Tòa chất vấn: “Tại sao không chuyển tiền vào tài khoản người khác mà lại chuyển vào tài khoản của bị cáo?” Lý giải điều này, ông Danh cho biết vì mình trực tiếp đứng ra chăm sóc khách hàng, suy nghĩ đơn giản là ứng tiền chứ không có mục đích chiếm đoạt.

Đại diện viện kiểm sát đặt vấn đề CoreBanking là phần mềm lõi của ngân hàng, các phần mềm khác chạy trên CoreBanking nhưng VNCB lại ký hợp đồng với Công ty An Phát - là đơn vị không hoạt động, không có chuyên môn thực hiện hợp đồng, vậy bị cáo thực sự muốn thực hiện đề án hay lợi dụng đề án để rút tiền của ngân hàng?

Trả lời câu hỏi này, Phạm Công Danh khẳng định: “Tôi tin chắc là để thực hiện đề án”!


Phan Thành Mai (Nguyên Tổng giám đốc VNCB) (được dẫn giải đi sau) tại tòa sáng 29-12 - Ảnh: T.L

Chi tiêu hàng trăm tỉ đồng, không nhớ cụ thể

Bản án sơ thẩm xác định để có tiền trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh (do Phạm Công Danh sáng lập) và trả lãi vay ngoài, Danh đã chỉ đạo việc lập khống hợp đồng thuê hai mặt bằng tại đường Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP. HCM).

Đây là hai mảnh đất do tập đoàn Thiên Thanh thuê của Quân khu 7- Bộ Quốc Phòng. Danh đã thành lập hai Công ty Trung Dung và Công ty Hương Việt để lấy pháp nhân.

Tiền thuê 2 mặt bằng với giá hơn 600 tỉ đồng, VNCB chuyển vào tài khoản hai công ty, sau đó hai công ty này chuyển ngược lại cho Danh sử dụng.

Danh đã dùng số tiền này để trã lãi cho 6 công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh, trả tiền chăm sóc cho 21 khách hàng và trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh.

Khai trước tòa, cả Phạm Công Danh lẫn Phan Than Mai - nguyên tổng giám đốc VNCB đều cho rằng không có việc nâng khống giá trị mặt bằng ở đường Sư Vạn Hạnh để chiếm đoạt tiền mà vì nhu cầu thay đổi mặt bằng của ngân hàng là có thật, vị trí thuê đã được sự thống nhất của HĐQT.

Trong khi đó, các bị cáo có liên quan đều khai nhận tiền thuê mặt bằng sau khi được chuyển qua nhiều tài khoản thì đã chuyển về cho Phạm Công Danh sử dụng.

Lý giải về số tiền này, ông Danh nói: “Vì thời gian quá lâu, trí nhớ bị cáo kém chứ không phải né tránh”.

Trước tình hình đó, đại diện viện kiểm sát đề nghị tòa tiếp tục cho xét hỏi về số tiền hơn 600 tỉ đồng hiện đã đi đâu về đâu.

Tác giả bài viết: Tâm Lụa

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP