Từ phản ánh này, cô giáo Phan Tuyết cũng kiến nghị chỉ những giáo viên thay đổi môn dạy, đối tượng học mới nên thay giáo án, còn lại nếu nội dung bài giảng vẫn như thế thì không cần thay mới nhằm giúp tiết kiệm tiền bạc, thời gian, công sức.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Đã từ lâu, giáo án lên lớp của giáo viên được thay bằng cụm từ “thiết kế bài dạy”. Lý giải cho điều này, một số cán bộ giải thích rằng giáo án và thiết kế bài dạy đều là kế hoạch giảng dạy của giáo viên dự định thực hiện cho một bài học, một tiết học.
Giáo án được soạn một cách chi tiết từ những nội dung giáo viên sẽ giảng, những điều sẽ hỏi, dự kiến những câu trả lời của học sinh và những lời kết luận của giáo viên.
Nhưng thiết kế bài dạy gọn nhẹ, đơn giản hơn nhiều giống như một tiến trình lên lớp của một bài học.
Giáo viên soạn giáo án (Ảnh: tuoitre.vn).
Bởi thế, một bài học cho 35 phút lên lớp, giáo viên chỉ cần thiết kế khoảng nửa trang giấy A4 là đạt yêu cầu.
Nhìn vào thiết kế sẽ biết được bài học có mấy hoạt động, từng hoạt động triển khai nội dung gì và sử dụng hình thức nào… Đây được xem như phần hình thức, còn phần nội dung chi tiết thường nằm trong đầu từng giáo viên.
Bởi thế chẳng giáo viên nào lên lớp lại đi nhìn thiết kế để giảng dạy, cho nên, thiết kế chỉ được soạn và in ra khi có đợt kiểm tra của tổ, của trường cho đủ hồ sơ sổ sách.
Cũng vì vậy, hàng xấp thiết kế cũ của năm học trước nhưng vẫn còn mới nguyên cũng không thể dùng lại vì đã “hết hạn sử dụng”, qua đợt kiểm tra.
Trước những tập giấy phế liệu, có người tiếc vì bao công sức mình đã bỏ ra đầu tư cho việc soạn thiết kế nay bỗng chốc vứt đi, mà để lại sang năm cũng không thể đem ra sử dụng vì trường buộc giáo viên phải có thiết kế mới hàng năm.
Thiết kế thuộc nằm lòng vì năm nào cũng dạy chừng ấy nên phần lớn giáo viên cũng chẳng phải bỏ nhiều công sức để soạn, ai ai cũng đã có sẵn thiết kế cũ trong máy tính chỉ cần sửa ngày tháng năm là in ra ngay một bộ mới.
Trường hợp ai đó chuyển khối, thầy cô chỉ cần xin đồng nghiệp bộ thiết kế cũ, cần vài thao tác chỉnh sửa tên, ngày tháng, lớp là lập tức có ngay bộ thiết kế cho riêng mình.
Có cần soạn thiết kế hay không?
Câu trả lời đương nhiên là có, bởi mỗi giáo viên khi lên lớp phải có thiết kế bài dạy.
Soạn bài, giáo viên mới nắm chắc nội dung kiến thức bài học để đề ra các phương pháp dạy học sao cho phù hợp với từng hoạt động, đưa ra được các hình thức, kĩ thuật dạy học phù hợp cho từng đối tượng học sinh, hay triển khai một số nội dung cần lồng ghép cho sinh động...
Giáo viên có xem bài trước, mới đề ra được phương án, các tình huống Sư phạm để giúp học sinh giải quyết vấn đề một cách nhanh nhất, góp phần làm cho mỗi giờ học đạt hiệu quả cao hơn.
Nhưng có giáo viên dạy lâu năm ở một khối, lớp nên từng bài, từng hoạt động dạy học đều thuộc như nằm lòng. Lên lớp dạy, giáo viên đâu cần phải nhìn chăm chăm vào thiết kế để dạy (trừ một số giáo viên tập sự, mới ra trường).
Chưa nói đến việc nếu cần nhìn thiết kế cũ cũng chẳng vấn đề gì, bởi nội dung bài học không có gì thay đổi.
Có nhiều giáo viên tâm tư: “Có bỏ sức đầu tư soạn giáo án công phu thế nào, từng bài dạy được đầu tư kĩ ra sao, thì sang năm cũng phải soạn lại”, vì điều này nhiều giáo viên không tập trung soạn nó một cách công phu nữa.
Có nên quy định giáo viên mỗi năm soạn một thiết kế?
Nội dung cần soạn bài không mới, giáo viên vẫn dạy khối lớp ấy, vậy tại sao không cho phép sử dụng lại bộ thiết kế cũ?
Trường hợp có thay đổi về phương pháp dạy học, nội dung lồng ghép hay hình thức tổ chức các hoạt động của tiết học, thiết nghĩa chỉ cần linh động cho giáo viên ghi vào sổ bổ sung.
Chỉ riêng trường hợp giáo viên sang năm đổi khối, mới buộc phải soạn thiết kế mới để kiểm tra.
Nhà trường cần quản lý và đánh giá giáo viên thông qua từng tiết dạy, kết quả học tập và sự tiến bộ của học sinh, đừng nên đặt nặng vấn đề sổ sách gây áp lực không đáng có, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của các giáo viên.
Tác giả bài viết: Phan Tuyết
Nguồn tin: