Trong tỉnh

Nghệ An: Xà xẻo hàng ngàn mét đất rừng dễ như bóc bánh?

Hàng ngàn mét đất rừng sản xuất tại xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã bị một nữ công chức địa chính biến thành đất ở của một số người...

Nhân dân trong xã nhiều lần gửi đơn kiến nghị xử lý sai phạm

Câu chuyện thay cho lá đơn thứ 11

Ngày 1-6, tại nhà ông Nguyễn Trọng Thống (62 tuổi, nguyên phó bí thư Đoàn xã) ở xóm Tuần A, xã Quỳnh Châu, chúng tôi gặp ông Cường (68 tuổi, nguyên xã đội trưởng), ông Sỹ (54 tuổi, bí thư chi bộ xóm 4) và ông Nam (52 tuổi, bí thư chi bộ xóm 5, xã Quỳnh Châu). Ông Thống cho hay, đã gửi 10 lá đơn đến các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương, phản ánh ba vụ việc xà xẻo đất rừng sản xuất thành đất ở của người khác.

Vụ thứ nhất: từ 500 m2 đất ở biến thành 3.500m2. Vụ này xảy ra năm 2017. Cụ thể: ông Thái Doãn Cường có 500 m2 đất ở xóm 5, nằm sát 1,5ha đất rừng sản xuất nhà nước giao cho ông Thái Doãn Nhã. Năm 2018, ông Cường làm đơn, trình báo UBND xã về việc mất bìa 500m2 đất này. Sau đó, bà Lê Thị Hương Giang (công chức địa chính xây dựng, phụ trách lĩnh vực đất đai xã Quỳnh Châu) và chủ tịch UBND xã là ông Nguyễn Bỉnh Khảng chấp nhận, làm thủ tục cấp bìa đất mới cho ông Cường.

Lúc này, hồ sơ cấp bìa đất mới cho ông Cường đã được tẩy xoá và thêm số 3 trước 500m2 thành 3.500m2. Như vậy, bìa đất mới của ông Cường có diện tích mới là 3.500m2. Riêng 3.000m2 đất tăng thêm được cắt từ 1,5ha đất rừng do ông Nhã quản lí. Từ 3.500m2 trong bìa đất mang tên ông Thái Doãn Cường lại được công chức địa chính và chủ tịch UBND xã chia thành 7 bìa đỏ (2.780m2) cho bốn người con của ông Thái Doãn Nhã (Thái Thị Lý 2 bìa; Thái Doãn Hường 1 bìa; Thái Thị Lài 2 bìa; Thái Thị Loan 2 bìa).

Chúng tôi chất vấn ông Thống, vì sao 3.500m3 mang tên ông Cường lại được ông Cường đồng ý phân chia cho bốn người con của ông Nhã. Ông Thống và ba người bạn giải thích: “Thế mới gọi là thao túng. Ông Cường là cháu ông Nhã nên họ cấu kết với địa chính xã để “đi đêm” như thế”.

Chứng từ trong hồ sơ địa chính ghi nhận ở mặt tiền đường 500 m2 của ông Thái Doãn Cường

Ông Thống kể tiếp: “Sau khi chia 2.780m2 đất thành 7 bìa đỏ cho con ông Nhã, diện tích còn lại là của ông Cường là 720m2. Tại đây, bà Giang tiếp tục làm giả một hồ sơ khác, “bổ sung” 212,7m2 vào bìa đất ông Cường. Hiện bìa đỏ của ông Cường có 932,7m2 đất ở”.

Ông Thống cho hay, UBND xã Quỳnh Châu có một Hội đồng cấp đất để xem xét, cấp đất ở cho người dân theo đúng quy định pháp luật. Nhưng khi “bổ sung” 212,7m2 đất cho ông Cường, hội đồng không có cuộc họp nào bàn về việc này. Bà Giang đi xin chữ kí từng thành viên để hợp thức hoá việc cấp đất, sau đó trình Văn phòng cấp đất của huyện để làm bìa đỏ cho ông Cường.

Vụ thứ hai cũng xảy ra năm 2017. Ông Thống cho biết, vụ này cũng xà xẻo đất rừng sản xuất nhưng cách làm gọn gàng hơn. Nghĩa là, việc xà xẻo không thông qua trung gian như vụ thứ nhất mà bà Giang làm hồ sơ, cắt hẳn 773,4m2 từ 1,9ha đất từng sản xuất của ông Đào Văn Toan ở xóm 6 rồi làm thủ tục cấp 2 bìa đất ở cho hai người con ông Toan là Đào Văn Khôi và Đào Văn Liệu.

Vụ thứ ba tương tự vụ hai nhưng xảy ra từ 2010 và diện tích đất bị xà xẻo lớn hơn. Cụ thể, từ 1ha đất rừng sản xuất của ông Đào Xuân Bích ở xóm Tuần A, bà Giang cắt 3.334m2 làm thủ tục cấp 5 bìa đất. Trong đó, 3 bìa đất ở cho ba người con ông Bích và 2 bìa đất bán cho người khác.

Khu đất 3.500 m2 được cấp cho bốn người con của ông Thái Doãn Nhã

Phía sau những lá đơn

Từ những thông tin đầy bức xúc này, chúng tôi tiếp cận khu đất 3.500m2 của con ông Nhã và của ông Cường giáp mặt tiền tuyến đường liên hương xã, nối với quốc lộ 48 A và tìm gặp những nhân chứng có trách nhiệm và liên quan để tìm hiểu rõ thêm vụ việc.

Tại trụ sở UBND xã Quỳnh Châu, chúng tôi đề cập sự việc-có hay không bà Lê Thị Hương Giang, công chức địa chính của xã bị người dân phản ánh là “tác giả” của ba vụ xà xẻo đất rừng sản xuất nêu trên. Ông Vũ Văn Thưởng, chủ tịch UBND xã nói: “Có việc bà Giang sửa chữa hồ sơ 500m2 đất của ông Thái Doãn Cường, làm thành 3.500m2. Số đất này phải thu hồi thôi. Riêng vụ thứ hai sai sót ở khâu nộp thuế đất. Còn vụ thứ ba, bà Giang sai khi tham mưu tăng diện tích đất cho gia đình ông Bích khi chưa có chủ trương của Đảng uỷ xã”.

Chúng tôi xin gặp bà Giang thì ông Thưởng cho biết: “Bà Giang đã bỏ việc từ tháng 6/2020. UBND xã gửi giấy mời lên làm việc nhưng bà Giang lên kí một số văn bản rồi không đi làm nữa. Tháng 12/2020, UBND huyện đã có quyết định buộc thôi việc đối với bà Giang”.

Biên bản cuộc họp của UBND xã Quỳnh Châu với bà Lê Thị Hương Giang.

Ông Đặng Ngọc Bình - Phó chủ tịch UBND huyện là người kí chứng nhận các bìa đỏ nêu trên. Ông cũng là người được UBND huyện giao kiểm tra, xử lí nội dung người dân phản ánh cho biết: “Vụ việc đã có kết luận thanh tra của huyện rồi. Tôi chỉ còn tuần nữa là nghỉ hưu”.

Chúng tôi xin tiếp cận kết luận thanh tra, ông Bình hướng dẫn gặp ông Đào Xuân Sơn, trưởng phòng TN-MT huyện. Tại đây, ông Sơn cho biết việc bà Giang sửa chữa hồ sơ để cấp đất cho ông Cường là sai. Còn hai vụ tiếp theo, ông Sơn cũng giải thích giống như Chủ tịch xã Quỳnh Châu. Chúng tôi nêu câu hỏi, vì sao Phòng TN-MT huyện tham mưu và Phó chủ tịch UBND huyện kí cấp những bìa đất ở trái pháp luật như dư luận phản ánh. Ông Sơn, lí giải: “Trách nhiệm xác định nguồn gốc đất để làm hồ sơ đề nghị huyện cấp bìa đỏ là do địa phương. Chỉ có cán bộ địa chính ở xã mới xác định chính xác nguồn gốc những lô đất này. Phòng TN-MT chỉ xem xét tính hợp lí của hồ sơ đề nghị cấp đất để trình lãnh đạo huyện kí”.

Tác giả: Vũ Toàn

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP