Trong tỉnh

Nghệ An: Đừng để máu đổ ở đất rừng vì lý do lãng nhách

Không chấp nhận cho Công ty CP Đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng Đông Bắc Nghệ An (gọi tắt là Công ty Đông Bắc) trồng keo trên đất tự nhận là của mình, ông Trần Nguyên Hòa ở xóm 10, xã Lăng Thành kéo theo những người thân gia đình đến hiện trường để ngăn cản. Ông Lê Quốc Thành- Phó Tổng Giám đốc Công ty Đông Bắc đã bị con trai ông Hòa… chém hụt.

Ông Trần Nguyên Hòa với những tài liệu được coi là chứng cứ về quyền sử dụng 49,8ha đất rừng nhưng bị tẩy xóa, sửa chữa rất nhiều chỗ

Lý của ông Hòa… rất khó thuận

Trình bày với phóng viên Tạp chí Người Xây dựng, ông Hòa đưa ra một tập giấy tờ đã ngã màu vàng, gồm: “Đơn xin nhận đất lâm nghiệp”, “Biên bản giao nhận đất lâm nghiệp trên thực địa” và “Sơ đồ giao đất khoán rừng”. Các giấy tờ này, được lập ngày 04/8/1997 có xác nhận của Chủ tịch UBND xã Lăng Thành, cán bộ địa chính xã Lăng Thành và Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thành.

Tuy nhiên, vỏn vẹn chỉ 7 trang nhưng các tài liệu này đều thể hiện sự thiếu nhất quán về nội dung, số liệu bị tẩy xóa, sửa chữa. Cụ thể là:

Số liệu nào là thật? Ai có thể tin được những con số bị sửa chữa tùy tiện như trong văn bản này?

Chữ ký trong văn bản này được ông Hòa xác nhận là không phải chữ ký của ông

Tờ “Đơn xin nhận đất lâm nghiệp” có 2 màu mực khác nhau, số liệu bị tẩy xóa, các mục trong đơn ghi rất cẩu thả, không đầy đủ. Tại “Biên bản giao nhận đất lâm nghiệp trên thực địa” cũng có 2 màu mực, số liệu cũng bị tẩy xóa, chữ ký bên nhận không phải chữ ký của ông Hòa (ông Hòa xác nhận như vậy). Đặc biệt, trong bản “Sơ đồ giao đất khoán rừng”, có tới 3 sơ đồ nhỏ nhưng 1 sơ đồ bị tẩy xóa, 1 sơ đồ được vẽ thêm bằng bằng mực bút bi màu nâu xanh, tên chủ hộ bị tẩy xóa với 2 kiểu chữ khác biệt nhau.

Ai đã vẽ thêm hình trong sơ đồ này? Tên chủ hộ là Trần Nguyên Hòa bị tẩy xóa, 2 kiểu chữ khác biệt nhau

Chỉ với những dấu hiệu bất thường và không thống nhất như vậy, người có kiến thức sơ đẳng nhất về pháp luật cũng khó chấp nhận được giá trị pháp lý của các tài liệu này.

Theo 1 tài liệu khác được ông Hòa trình bày với phóng viên, đó là bản “Thông báo trả đơn kiện” của Tòa án nhân dân huyện Yên Thành. Theo tài liệu này, ngày 20/01/2016, ông Trần Nguyên Hòa cùng ông Nguyễn Bá Nghĩa, ông Trần Văn Lại, ông Đào Chính Sơn và ông Nguyễn Đình Loan đã có đơn khởi kiện vụ án hành chính tới Tòa án nhân dân huyện Yên Thành. Người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện Yên Thành.

Sau khi nghiên cứu nội dung đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, Tòa án nhân dân huyện Yên Thành xác định: Những người khởi kiện không chứng minh được “hành vi hành chính” hoặc quyết định hành chính” mà Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã gây ra thiệt hại đối với 5 hộ dân nói trên. Căn cứ điểm c, điểm e, khoản 1 điều 109 Luật Tố tụng Hành chính, Tòa án nhân dân huyện Yên Thành đã trả đơn khởi kiện vụ án hành chính này.

Với những chứng cứ bị tẩy xóa như thế này, ông Hòa khó có thể thuyết phục được các cơ quan chức năng

Theo đơn ông Hòa và 4 người nói trên gửi tới Tòa án, phần diện tích đất rừng của họ được giao (khoảng năm 1997), nhưng năm 2003 đến 2010, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Tổng đội Thanh niên xung phong 6 (thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An) để xây dựng mô hình kinh tế. Ngần ấy thời gian, họ không hề biết đất rừng của mình ở đâu và đã chuyển giao cho chủ khác. Cho đến khi Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chuyển tiếp toàn bộ diện tích đất rừng đó sang cho Công ty Đông Bắc và thấy những đội viên nhận được tiền đền bù thì họ mới tá hỏa đi kiện.

Chính quyền chưa nghiêm?

Liên quan đến nội dung khiếu kiện đòi được nhận tiền đền bù đất rừng của một số hộ dân ở xã Lăng Thành và xã Kim Thành nhiều năm qua, năm 2017 và 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp để nghe báo cáo từ các sở, ngành liên quan. Là người trưởng thành từ ngành quản lý đất đai, ông Đinh Viết Hồng- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã rất cầu thị và cẩn trọng lắng nghe, cân nhắc trước khi đưa ra kết luận. Tuy nhiên, dù có “linh động” đến mấy đi chăng nữa, thì những chứng cứ mà những người dân cung cấp theo đơn, không thể coi họ là “chủ rừng” khi suốt thời gian dài chính họ không biết rừng của mình được giao ở đâu? Ai đang sản xuất? Những số liệu bị tẩy xóa tùy tiện đã không chứng minh được sự ngay thẳng của họ.

Thế nhưng lạ thay, ngày 30/8/2019, ông Nguyễn Sỹ Đa- Tổng giám đốc Công ty Đông Bắc lại làm tờ trình (số 164/TT-TH.ĐB) đề nghị Chủ tịch UBND huyện Yên Thành giải quyết cho ông Trần Nguyên Hòa tiền công phát thực bì, trồng cây, chăn nuôi trong phần đất mà chính Công ty này đã chi trả đền bù từ năm 2013 và 2014. Ông Đa là đại diện cao nhất của bên nhận đất, ông Hòa đòi quyền lợi, nếu đúng, thì ông Đa là người phải chi trả, tại sao lại làm tờ trình xin ý kiến Chủ tịch UBND huyện? Điều đó cho thấy, bản thân ông Đa cũng không biết mình đang ở vị trí nào trong vụ việc này. Chính cách suy nghĩ và kiểu làm việc hớ hênh của ông Đa, đã đẩy Chủ tịch UBND huyện Yên Thành vào thế khó.

Văn bản mới nhất của Chủ tịch UBND huyện Yên Thành thể hiện quan điểm rất rõ ràng về giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, tình trạng thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành vẫn tồn tại

Sau khi nghe lại lần cuối cùng các ý kiến tại buổi đối thoại ngày 14/2/2020 với sự có mặt của ông Trần Nguyên Hòa, ông Nguyễn Sỹ Đa, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành kết luận: “Giao UBND xã Lăng Thành hoàn chỉnh hồ sơ xử lý vi phạm đối với ông Trần Nguyên Hòa trên vùng đất ông Hòa tự ý dựng chuồng bò… Buộc ông Hòa phải tháo dỡ lán trại”; “Ông Hòa tự ý trồng cây trên đất đã giải phóng mặt bằng dự án TH năm 2013, 2014 … là vi phạm pháp luật”.

Với những tài liệu bị tẩy xóa, những chứng cứ thiếu sức thuyết phục, dù có “thiên vị” thì khó có cơ quan nào chấp nhận được những yêu cầu của ông Hòa được trình bày trong các đơn đã gửi đi nhiều nơi. Về tình, có thể đại diện Công ty Đông Bắc “chia sẻ khó khăn” với ông Hòa ít nhiều, tùy khả năng tài chính, nhưng phải lường trước được những yêu cầu tiếp theo của một số hộ khác sẽ rất dễ vượt quá giới hạn.

Liên tục thay đổi lãnh đạo, Công ty Đông Bắc vẫn rơi vào lúng túng trong quản lý, điều hành



Được biết, cũng chính khoảnh rừng này hiện đang xảy ra tranh chấp giữa Công ty Đông Bắc với Công ty Thành Nam (nay đổi tên thành Công ty Nam Mỹ). Từ bê bối trên cho thấy, việc quản lý đất rừng và rừng sản xuất trước đây của cán bộ địa chính xã Lăng Thành và xã Kim Thành rất lỏng lẻo, hậu quả chưa thể lường hết. Thế nhưng, những cán bộ này vẫn vô can.

Về hành vi con trai ông Hòa “chém trượt” đối với ông Lê Quốc Thành, hiện nay Công an huyện Yên Thành và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thành đang củng cố hồ sơ. Hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi dùng hung khí trong trường hợp này là rất khó chấp nhận.

Tác giả: Khánh Sơn - Nguyễn Công - Huy Hoàng

Nguồn tin: Tạp chí Người Xây Dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP