Thành phố Vinh đang được xây dựng để trở thành thành phố hiện đại, văn minh và giàu mạnh. |
Nghị quyết nêu rõ, việc đưa thành phố Vinh mở rộng là đô thị trung tâm của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ, động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh; nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội...
Sáng rõ những bước đi
Những ngày này đi trên đường Nguyễn Văn Cừ - một trong những trục đường chính, tấp nập nhất của thành phố Vinh sẽ thấy cảnh công nhân đang làm việc, bởi tuyến đường này đang được đầu tư nâng cấp, lát lại vỉa hè, thay thế hệ thống cây xanh. Dù đang ngổn ngang thi công, bất tiện cho các hộ dân và người đi đường, nhưng chắc chắn, sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ được “lột xác”, có bộ mặt mới, khang trang, sạch đẹp hơn so với trước.
Không chỉ đường Nguyễn Văn Cừ, những năm gần đây, thành phố Vinh đã có nhiều thay đổi, tạo được những điểm nhấn mới. Nếu như những năm trước, vào mùa mưa, trên một số trục đường chính, vấn đề ngập úng là nỗi khiếp sợ của người dân, nay đang dần được khắc phục. Thành phố quan tâm công tác chỉnh trang đô thị, hoàn thiện đề cương đề án xây dựng thành phố Vinh thành “Thành phố ánh sáng”; khai trương phố đi bộ sau thời gian vận hành thử và phố ẩm thực đêm Thành cổ Vinh.
Ông Trần Ngọc Tú, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết, thành phố đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư các công trình kế hoạch năm 2023, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh, thành phố và các công trình chào mừng 60 năm thành lập thành phố (1963 - 2023), 235 năm Phượng Hoàng - Trung Đô (1788 - 2023), 15 năm Vinh đô thị loại I (2008 - 2023).
Không chỉ quan tâm đến cải tạo bộ mặt đô thị, thành phố có những bước tiến mới trên các lĩnh vực khác, trong đó có việc tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế phục hồi, phát triển; thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; phong trào “ngày Chủ nhật xanh” được duy trì tại nhiều địa phương.
Thành phố đang tiếp tục phối hợp các sở, ngành và đơn vị liên quan trong tỉnh triển khai xây dựng đô thị thông minh; hướng dẫn, chỉ đạo các phường, xã xây dựng tổ công nghệ số cộng đồng; lắp đặt các điểm phát sóng internet không dây công cộng ở các nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng ở khối, xóm bằng hình thức xã hội hóa.
Theo Chánh Văn phòng Thành ủy Vinh Nguyễn Trung Nghĩa, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và đôn đốc xây dựng, triển khai các đề án, chỉ thị, nghị quyết về kinh tế - xã hội; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIV và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đồng thời, chỉ đạo UBND thành phố triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ; tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIV và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố Vinh đưa nhịp độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7,84%, cao hơn mức bình quân của tỉnh (7,45%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng từ 27,62% năm 2020 lên dự kiến 28,25% năm 2023; dịch vụ giảm từ 71,33% xuống 70,85%; nông - lâm - ngư giảm từ 1,22% xuống 0,9%. Giá trị gia tăng bình quân người/năm tăng từ 101,2 triệu đồng năm 2020 lên 120,2 triệu đồng/năm 2022, tăng bình quân 8,98%/năm giai đoạn 2020 - 2022.
Thành phố hoàn thành điều chỉnh quy hoạch phân khu 25 phường, xã và đang tích cực huy động các nguồn lực để từng bước phủ kín quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai quy hoạch các dự án mũi nhọn đối với các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thương mại và dịch vụ; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cả về đại trà và mũi nhọn, giữ vững vị thế lá cờ đầu của tỉnh. Thành phố Vinh là một trong hai thành phố của Việt Nam được UNESCO công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu”.
Trên địa bàn thành phố, công tác xây dựng Đảng được chăm lo, vai trò lãnh đạo của Đảng được khẳng định; hoạt động của hệ thống chính trị, công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên.
Có thể nói, từ quá khứ cũng như hiện tại đã minh chứng về tầm vóc, vị trí chiến lược quan trọng của thành phố Vinh. Trong tiến trình phát triển, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng thành phố đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng.
Để phát triển xứng tầm
Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, trong đó có xác định: Xây dựng và phát triển thành phố Vinh “thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh”.
Cụ thể hóa Nghị quyết 26, ngày 29/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung Bộ.
Triển khai các nghị quyết, quyết định trên và với kỳ vọng đưa thành phố phát triển xứng tầm, Trung ương, tỉnh và thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm đánh giá, trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan, trong đó có việc tìm giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù từ Trung ương, từ tỉnh để phát huy nội lực của địa phương và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển thành phố; xây dựng quy hoạch đô thị thành phố với tầm nhìn chiến lược, gắn với phát triển đại lộ Vinh - Cửa Lò, kết nối không gian Vinh với các địa phương khác trong tỉnh. Cùng với đó, tập trung thu hút, mời gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư có tính chất đột phá để tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ làm thay đổi bộ mặt của thành phố...
Theo ông Trần Ngọc Tú, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Vinh, bên cạnh thuận lợi, thành phố gặp không ít khó khăn, thách thức. Nổi lên đó là nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đạt mục tiêu đề ra; tiến độ thực hiện Đề án xây dựng đô thị thông minh còn chậm. Mặt khác, việc thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ tiến độ còn chậm, cơ chế chính sách và nguồn lực bố trí chưa tương xứng. Một số lĩnh vực đang từng bước hình thành yếu tố trung tâm vùng Bắc Trung Bộ nhưng chưa thực sự rõ nét, phạm vi, mức độ, tầm ảnh hưởng, tác động lan tỏa của Vinh đối với vùng còn hạn chế...
Nghị quyết 39-NQ/TW ra đời trong bối cảnh thành phố sẽ mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Cửa Lò và một số xã của huyện Nghi Lộc. Đây được coi là cơ hội để thành phố Vinh thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng; mở ra cơ hội thay đổi tầm nhìn, vai trò, vị thế của thành phố, tạo ra động lực phát triển mới cho thành phố. Nghị quyết là cơ sở để thành phố xây dựng các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cơ hội để thành phố phát huy trí tuệ, bản lĩnh, phấn đấu xây dựng xứng tầm với các giá trị lịch sử và văn hóa, bứt phá vươn lên.
Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 39, Tỉnh ủy Nghệ An nêu rõ, việc quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết; nâng cao nhận thức, quyết tâm chính trị, phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Tỉnh tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, hoàn thành lập, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển thành phố Vinh mở rộng.
Việc phát triển thành phố Vinh mở rộng được xác định với định hướng mới, đó là tập trung hoàn thành mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố theo lộ trình đề ra. Đồng thời, phát triển thành phố Vinh hiện đại, xứng tầm đô thị loại I; trở thành đô thị thông minh, trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp công nghệ cao với dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, có giá trị gia tăng cao. Thành phố phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, hình thành các tổ hợp khu công nghiệp và đô thị dịch vụ; phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, du lịch trên biển, trên sông, nghỉ dưỡng; giáo dục đại học, dạy nghề; khám, chữa bệnh chất lượng cao; quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại; là khu vực động lực tăng trưởng của tỉnh.
Bí thư Thành ủy Vinh Phan Đức Đồng khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXIV; tập trung huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là chủ động phối hợp tham mưu mở rộng địa giới hành chính thành phố... Đặc biệt, thành phố tham mưu trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án và Nghị quyết về phát triển thành phố Vinh để cụ thể hóa các chủ trương của cấp trên về định hướng phát triển thành phố thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ.
Tác giả: Nguyễn Văn Nhật
Nguồn tin: baotintuc.vn