Giáo dục

Nghệ An: Sở GD-ĐT hướng dẫn các trường học về các khoản thu

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vừa có công văn hướng dẫn công tác quản lý thu, chi năm học 2022 - 2023 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, về học phí sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 14, ngày 14/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An.

Cụ thể, đối với vùng thành thị, mức học phí 3 cấp học mầm non, trung học cơ sở và trung học phổ thông là như nhau, đều 300.000 đồng/học sinh/tháng.

Trong khi đó, đối với vùng nông thôn, cấp mầm non và trung học cơ sở là 100.000 đồng/học sinh/tháng; cấp trung học phổ thông là 200.000 đồng/học sinh/tháng.

Còn với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cấp mầm non và trung học cơ sở chỉ là 50.000 đồng/học sinh/tháng; cấp trung học phổ thông là 100.000 đồng/học sinh/tháng.

Sở Giáo dục và Đào tạo quy định, mức thu học phí học trực tuyến (học online) đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập bằng 80% mức học phí học trực tiếp.

Học sinh có hộ khẩu thường trú ở vùng nào thì đóng học phí theo vùng đó…

Về tổ chức bán trú trong các cơ sở giáo dục công lập, mức thu tối đa là 200.000/học sinh/tháng để chi trả tiền thuê khoán người nấu ăn và chi phí tổ chức bán trú các cấp học.

Còn đối với các cơ sở giáo dục được hưởng chính sách theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, mức thu tối đa là 100.000/học sinh/tháng.

Đơn vị tính toán chi phí hợp lý để tổ chức nấu ăn bán trú; tương xứng với quy mô trường lớp, học sinh và mặt bằng thuê khoán người lao động trên địa bàn; đồng thời cân đối phần ngân sách được hỗ trợ để đề xuất mức thu phù hợp với khả năng đóng góp của người học.

Không áp dụng thu để thuê khoán người nấu ăn đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục đã được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 10/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 quy định chế độ hỗ trợ nhân viên các trường phổ thông dân tộc bán trú và phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Về khoản thu để tổ chức thi thử cho học sinh cuối cấp, không quá 50.000/học sinh/môn học.

Về việc tài trợ cho các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, nhà trường không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, tuyệt đối không được giao chỉ tiêu vận động tài trợ cho từng lớp (hoặc từng giáo viên chủ nhiệm), không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo (hoặc là điều kiện để đánh giá xếp loại thi đua).

Sở yêu cầu, các cơ sở giáo dục thống kê, rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất hiện có của đơn vị thành các nhóm tài sản theo Thông tư số 13/2020TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trên cơ sở số liệu thống kê và đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất kết hợp dự báo quy mô phát triển của đơn vị để xác định nhu cầu cơ sở vật chất cần bổ sung.

Căn cứ vào danh mục cần đầu tư đã xây dựng cho từng năm, kế hoạch hoạt động năm học, chương trình giáo dục nhà trường, cân đối các nguồn lực của đơn vị (nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu học phí; nguồn thu dịch vụ giáo dục, nguồn thu thực hiện thí điểm trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế ....), điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương và thu nhập, đời sống của dân cư trên địa bàn, đơn vị lựa chọn danh mục nào có thể dùng nguồn lực sẵn có của đơn vị, danh mục nào cần huy động từ nguồn tài trợ để xây dựng kế hoạch vận động tài trợ phù hợp theo từng năm học (tránh trùng lặp các nội dung đã được xây dựng ở nguồn thu).

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu và thu sai quy định, xử lý hoặc đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm trái quy định. Thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân, cha mẹ học sinh kịp thời phản ánh các khoản thu chi không đúng quy định.

Sở cũng đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan xem xét các khoản thu theo đề nghị của các nhà trường, cho phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, từng đơn vị theo phân cấp quản lý (không cào bằng các mức thu), để trình UBND cấp huyện thống nhất bằng văn bản trước khi tổ chức thực hiện đối với các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường.

Đối với các khoản thu hộ - chi hộ, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo và các phòng ban liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn các trường tổ chức lấy ý kiến thống nhất của phụ huynh học sinh để tổ chức thực hiện. Ban hành văn bản hướng dẫn công tác quản lý các khoản thu chi đầu năm học cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn; Xây dựng cơ chế giám sát việc vận động tài trợ tại các cơ sở giáo dục, chỉ đạo các bộ phận liên quan phê duyệt kế hoạch và quyết toán các khoản vận động tài trợ.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi tại các cơ sở giáo dục; kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu và thu chi sai quy định, xử lý các trường hợp sai phạm thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác quản lý các khoản thu chi của các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Công bố số điện thoại đường dây nóng để người học, cha mẹ người học và nhân dân kịp thời phản ánh các khoản thu chi không đúng quy định.

Ngoài ra, Sở cũng đề nghị các cơ sở giáo dục tổ chức niêm yết công khai, phổ biến, quán triệt trong giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục. Tất cả các khoản thu đơn vị phải thông báo đầy đủ đến từng phụ huynh học sinh bằng văn bản hoặc niêm yết công khai tại đơn vị hoặc bằng các hình thức khác (ghi rõ nội dung các khoản thu, mức thu, đối tượng và mục đích sử dụng, nội dung chi).

Thực hiện giãn thời gian thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản thu trong một thời điểm. Khuyến khích có chế độ miễn, giảm các khoản thu nêu trên (ngoài khoản thu học phí) cho học sinh thuộc diện gia đình chính sách hoặc có khó khăn về kinh tế. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa chính quyền cấp xã với nhà trường và hội phụ huynh trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý sử dụng nguồn thu chi.

Xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ giữa hội đồng trường, thanh tra nhân dân và giám sát cộng đồng (hội cha mẹ học sinh) đối với các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường và các khoản đóng góp tự nguyện…

Tác giả: Yên Hòa

Nguồn tin: moitruongvadothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP