Thế giới

Iran lần đầu đưa ra lời đe dọa hạt nhân nhằm vào Israel

Căng thẳng giữa Israel và Iran lại chạm cột mốc mới khi Tehran tiếp tục đe dọa rằng nếu Israel đáp trả cuộc tập kích tên lửa của họ thì điều đó có thể dẫn tới hậu quả chết người cho cả khu vực. Quan chức Iran cũng đề cập khả năng thay đổi học thuyết hạt nhân để đối phó Israel.

Chỉ huy cấp cao của Iran đã đưa ra lời đe dọa hạt nhân đầu tiên kể từ khi Tehran phóng 300 tên lửa và máy bay không người lái nhằm cảnh báo về một cuộc tấn công “trả đũa” Israel.

Tướng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, Ahmad Haghtalab, đưa ra cảnh báo hạt nhân đầu tiên của nước này kể từ sau đợt tập kích Israel. Ảnh: IRG.

Bất chấp lời kêu gọi từ các đối tác phương Tây về việc hãy hành động bằng sự tỉnh táo và lý trí, một số thành viên trong nội các chiến tranh Israel đã có động thái ám chỉ đến việc trả đũa quân sự. Trên thực tế, vào ngày 19/4 đã rộ lên thông tin Israel tấn công hạn chế vào Iran để trả đũa cuộc tập kích trước đó.

Hôm 18/4, chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran Ahmad Haghtalab đưa ra cảnh báo rằng những lời đe dọa đáp trả gần đây của Israel “khiến chúng tôi có thể xem xét lại học thuyết hạt nhân của mình và đi chệch khỏi những cân nhắc trước đây của chúng tôi”.

Ông cho biết thêm, nếu Israel tấn công các trung tâm hạt nhân của Iran, “chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tên lửa tiên tiến để đáp trả vào các cơ sở hạt nhân của chính họ”. Tổng thống Iran, Ebrahim Raisi, cũng cảnh báo rằng ngay cả cuộc xâm phạm “nhỏ nhất” vào lãnh thổ Iran cũng sẽ gây ra phản ứng “quy mô và khắc nghiệt”.

Đây là lần đầu tiên Iran đề cập rõ ràng đến chương trình vũ khí hạt nhân của mình kể từ khi phát động cuộc tấn công chống lại Israel.

Trước đó, các chuyên gia cảnh báo rằng kể từ khi Donald Trump từ bỏ hiệp ước hạt nhân giữa Iran và Mỹ, Tehran đã có khả năng chế tạo bom hạt nhân trong vòng 6 tháng đến một năm.

Chia sẻ với ABC News, Mỹ cho biết Israel có thể sẽ trì hoãn phản ứng trước cuộc tấn công của Iran cho đến sau Lễ Quá Hải (ngày lễ lớn của người Do Thái kéo dài đến ngày 30/4). Các quan chức hàng đầu của Israel vẫn kín tiếng về ý định tiếp theo.

Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh David Cameron hôm 17/4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết chỉ mình ông và đất nước của ông mới là người quyết định xem có nên phản ứng hay không và sẽ phản ứng như thế nào.

Trong khi đó, Chuẩn tướng Doron Gavish, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm phòng không Israel, cho biết quốc gia này đang nỗ lực hết sức để xây dựng lại kho dự trữ, nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công khác có thể xảy ra từ Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của nước này.

Diễn biến đó xảy ra khi Mỹ và Anh đưa các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Iran và lực lượng Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC), lưu ý đến lời kêu gọi từ các quan chức Israel thực hiện một “cuộc tấn công ngoại giao” để đáp trả cuộc tấn công của Tehran.

Mỹ công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Iran nhằm vào hoạt động sản xuất máy bay không vũ trang (UAV) của nước này. Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp này nhắm vào 16 cá nhân và 2 thực thể cho phép Iran sản xuất UAV, bao gồm các loại động cơ cung cấp lực đẩy cho các UAV biến thể Shahed của Iran, được sử dụng trong vụ tấn công ngày 13/4.

Tổng thống Joe Biden cho biết các lệnh trừng phạt đối với Iran đã cho thấy thái độ của Mỹ: “cam kết đảm bảo an ninh cho Israel” và “không ngần ngại thực hiện mọi hành động cần thiết” để buộc Iran phải chịu trách nhiệm.

Trong một diễn biến khác, Anh cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể quân sự của Iran, bao gồm Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang và Hải quân của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC).

Tuân theo thông báo từ Liên minh châu Âu (EU), Anh tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Quyết định này được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của EU với tất cả 27 nhà lãnh đạo quốc gia kể từ vụ tấn công của Iran hôm 13/4.

Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và chủ tọa hội nghị thượng đỉnh cho biết: “Chúng tôi cảm thấy tầm quan trọng của việc phải làm mọi cách để cô lập Iran”. Theo ông, các lệnh trừng phạt mới chống lại Tehran sẽ nhắm vào các công ty liên quan đến sản xuất máy bay không người lái và tên lửa.

Cuộc xung đột tại Gaza là tâm điểm của những căng thẳng đang ngày càng leo thang ở Trung Đông. Trước tình hình trên, các quan chức cấp cao của Mỹ sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp Israel để thảo luận về dự định của Israel đối với thành phố Rafah, phía nam Gaza khi Washington tìm kiếm giải pháp thay thế trước một cuộc tấn công của quốc gia này.

Tổng thống Biden đã kêu gọi Israel không tiến hành tấn công quy mô lớn ở Rafah để tránh gây thêm thương vong cho dân thường Palestine ở Gaza. Các cơ quan y tế Palestine cho biết tại đây đã có ít nhất 33.970 người Palestine thiệt mạng và 76.770 người bị thương kể từ ngày 7/10, khi Hamas phát động cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel.

Nhiều khu vực của dải Gaza đã bị phá hủy hoàn toàn. Hàng trăm ngàn người Palestine không có nơi nào để đi hiện đang phải cư trú tại Rafah.

Tác giả: CTV Phương Thanh

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP