Trong đó, có 346 lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động; số lao động là người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 10 người, chủ yếu là chủ sở hữu công ty TNHH, thành viên góp vốn của công ty cổ phần… Hình thức hợp đồng chủ yếu là hợp đồng có thời hạn từ 1 năm đến 2 năm; mức lương bình quân 800 USD/tháng.
Đáng chú ý, lao động có quốc tịch Hàn Quốc chiếm số lượng cao nhất với 71 người, tiếp đó là lao động Trung Quốc 57 người, Ấn Độ 46 người, Thái Lan 38 người, Philippines 33 người, Anh 20 người… Thống kê cho thấy lao động là chuyên gia chiếm đa số với 87 người, lao động kỹ thuật 20 người…
Chuyên gia Nhật Bản tìm hiểu sản xuất tại xưởng cơ khí của công ty Khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh tư liệu |
Nhìn chung, các doanh nghiệp có vốn đầu nước ngoài và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có sử dụng lao động nước ngoài cơ bản chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam. Sự có mặt của lao động người nước ngoài đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng hơn cả là góp phần đào tạo nhân lực trong nước, tại chỗ theo tương tác thẩm thấu; tạo môi trường cạnh tranh, học hỏi, chuyển giao khoa học kỹ thuật giữa lao động Việt Nam với lao động nước ngoài thì chưa được như mong muốn.
Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An phản ánh thực tế vẫn còn tình trạng chủ sử dụng lao động nước ngoài chưa thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng và đào tạo lao động Việt Nam để thay thế các vị trí công việc của người nước ngoài, nhằm mục đích tuyển thêm lao động nước ngoài và kéo dài thời gian làm việc của người nước ngoài./.
Tác giả: Phước Anh
Nguồn tin: Báo Nghệ An