Trong tỉnh

Hội thảo tổng kết mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam năm 2024

Sáng 7/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo tổng kết mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) của Việt Nam năm 2024. Tham dự hội thảo có ông Jonathan Baker - Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam; Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam; Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; Lãnh đạo UBND, các Sở, ban, ngành của các tỉnh, thành phố.

Về phía tỉnh Nghệ An, tham gia hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện, Vườn Quốc gia Pù Mát, Ban quản lý Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt.

Quang cảnh hội thảo

Được tổ chức thường niên từ năm 2013 với sự chủ trì của Ủy ban Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam), Hội thảo tổng kết mạng lưới các KDTSQTG của Việt Nam 2024 là dịp để nhìn lại một năm hoạt động. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng 11 KDTSQTG của Việt Nam đều đang nỗ lực từng ngày; qua đó ngày càng nhận được sự công nhận rộng rãi vì những đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội - môi trường một cách bền vững và đóng góp cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Quốc gia và toàn cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ phát biểu

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận vào năm 2007, nằm trên địa bàn 9 huyện Miền Tây Nghệ An, với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, chiếm hơn 84% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh; dân số khoảng trên 1,0 triệu người (gồm 6 dân tộc anh em), với những nét văn hóa độc đáo và đặc sắc; có trên 871.000 ha rừng, với 03 vùng lõi gồm Vườn Quốc gia Pù Mát và 02 Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt, gồm nhiều hệ sinh thái đặc sắc từ rừng nguyên sinh đến các loài động thực vật quý hiếm như voi, sao la và nhiều loài thực vật đặc hữu.

Trong năm 2024, tỉnh đã chỉ đạo, thực hiện nhiều hoạt động do Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, UNESCO Việt Nam, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT triển khai; các chương trình phục hồi rừng và bảo tồn động vật hoang dã với sự hợp tác từ các tổ chức quốc tế như UNESCO và UNDP, góp phần quản lý và phát triển bền vững Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An. Nhiều dự án đã được triển khai thành công, giúp cải thiện hiệu quả quản lý tài nguyên, giám sát môi trường và khôi phục các hệ sinh thái quan trọng.

Tuy nhiên, Nghệ An cũng như nhiều tỉnh khác phải đối mặt với tình trạng suy thoái tài nguyên rừng do khai thác trái phép, phát triển hạ tầng và tác động của biến đổi khí hậu. Điều này yêu cầu phải có cách tiếp cận quản lý tổng thể, kết hợp giữa bảo tồn và phát triển kinh tế.

Từ thực tiễn cho thấy cần có sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, sự đồng thuận của người dân và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế là yếu tố quyết định đến sự thành công trong quản lý và bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hội thảo là cơ hội để tỉnh Nghệ An được thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, phân tích những thách thức, khó khăn và lợi thế để triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần xây dựng, nâng cao hoạt động quản lý và phát triển Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của UNESCO, Ủy ban Chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam, các Bộ ngành Trung ương.

“Tỉnh Nghệ An cam kết tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho các hoạt động bảo tồn, đảm bảo rằng các chương trình và dự án phát triển luôn gắn liền với bảo vệ môi trường. Rất mong các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực để xây dựng mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển của chúng ta ngày càng vững mạnh, bền vững hơn trong tương lai” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ khẳng định.

Đại diện Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ đề nghị tiếp tục duy trì các hoạt động trong chuỗi Hội thảo trực tuyến của mạng lưới sinh quyển Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức, trao đổi, học tập kinh nghiệm cho các thành viên mạng lưới KDTSQTG tại Việt Nam

Phó Cục trưởng Cục bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học Hoàng Thị Thanh Nhàn phát biểu

Đại diện Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An đề nghị Uỷ ban Chương trình Con người và Sinh quyển hướng dẫn hoàn thiện Quy chế quản lý KDTSQ thống nhất trong mạng lưới 11 KDTSQ ở Việt Nam

Tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý và bảo tồn KDTSQTG của Việt Nam đã chia sẻ về các định hướng phát triển bền vững cho các KDTSQTG, chia sẻ bài học kinh nghiệm thế giới cho Việt Nam, cập nhật các chính sách pháp luật của Việt Nam về quản lý KDTSQTG của Việt Nam và kế hoạch phát triển mạng lưới trong tương lai. Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế và tôn vinh những thành tựu của các KDTSQTG của Việt Nam; kết nối chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường và quản lý KDTSQTG.

Hội thảo cũng được lắng nghe các kết quả và khuyến nghị cho việc phát triển, quản lý và nhân rộng các KDTSQ…

Chủ tịch MAB Việt Nam Nguyễn Hoàng Trí phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch MAB Việt Nam chia sẻ: Ngay từ những ngày đầu tiên với mục đích xây dựng cơ sở khoa học cho sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên, hoạt động của các KDTSQTG của Việt Nam chính là phép thử chứng minh sự hài hoà đó. Cho đến nay, mạng lưới các KDTSQTG của Việt Nam đã phát triển cùng với xu hướng chung của thế giới đó là mỗi KDTSQTG đều là một mô hình địa phương cho phát triển bền vững, ở cả quy mô Quốc gia và Quốc tế.

Chủ tịch MAB Việt Nam Nguyễn Hoàng Trí đề nghị tiếp tục thực hiện các chương trình điều tra, đánh giá tổng thể về chất lượng môi trường và tài nguyên KDTSQTG từ đó đề xuất giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng bền vững KDTSQTG. Tích cực tham gia các sự kiện của Mạng lưới KDTSQ cấp khu vực, tích cực tham gia và thể hiện vai trò thành viên của các mạng lưới chuyên đề; thúc đẩy nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của các cộng đồng địa phương sinh sống trong và xung quanh các KDTSQTG; ưu tiên nâng cao năng lực cho cán bộ Ban quản lý, cán bộ Văn phòng Ban quản lý KDTSQTG và cán bộ các vùng lõi, cán bộ thuộc Sở, ban, ngành, địa phương, các chủ rừng, các đơn vị liên quan…

Dịp này, Ban tổ chức hội thảo trao hoa tri ân các cá nhân có đóng góp cho mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam 2024


Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP