Trong tỉnh

Hội thảo đánh giá chỉ số PCI tỉnh Nghệ An năm 2023 và giải pháp cải thiện chỉ số PCI trong những năm tiếp theo

Sáng 9/8, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo đánh giá chỉ số PCI tỉnh Nghệ An năm 2023 và giải pháp cải thiện chỉ số PCI trong những năm tiếp theo. Các đồng chí: Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành; các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối đến các huyện, thành, thị.

Quang cảnh hội thảo

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI là một công cụ theo dõi, đánh giá hữu ích chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố, qua đó thúc đẩy sự phát triển của tất cả các thành phần kinh tế.

Các đại biểu dự hội thảo

Nhận thức được tầm quan trọng của chỉ số PCI đối với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế, từ năm 2012, Nghệ An đã sớm ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số PCI với nhiều giải pháp đồng bộ. Từ năm 2019- 2022, tỉnh Nghệ An đã luôn giữ các thứ hạng cao, đứng top đầu khu vực Bắc Trung Bộ và luôn nằm trong top 30 tỉnh dẫn đầu trong xếp hạng chỉ số PCI toàn quốc (năm 2022 đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố, với tổng điểm 66,6). Tuy nhiên, năm 2023, chỉ số PCI của Nghệ An đã bị tụt hạng đáng kể, từ vị trí thứ 23 (năm 2022) xuống vị trí thứ 44 trên bảng xếp hạng toàn quốc, với tổng điểm là 65,71. Kết quả đó phần nào cho thấy các các nỗ lực cải cách của tỉnh chưa đạt hiệu quả như mong muốn; vẫn còn những rào cản, những điểm nghẽn, bất cập trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ khiến cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng định hướng các nội dung hội thảo

Hội thảo này là cơ hội để tỉnh lắng nghe những đánh giá, góp ý thẳng thắn, trực diện, khách quan từ các chuyên gia đầu ngành và các doanh nghiệp; chỉ ra những mặt hạn chế, những điểm mạnh cần phát huy để chính quyền tỉnh Nghệ An tiếp thu làm căn cứ xây dựng kế hoạch, chương trình hành động; triển khai các giải pháp cụ thể, sát thực, hiệu quả, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chỉ có như vậy mới có thể xây dựng được một chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, hoạt động để Nghệ An thực sự là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư.

Đại diện Ban Pháp chế VCCI Việt Nam khuyến nghị cho tỉnh Nghệ An về cải thiện chỉ số PCI trong năm 2024 và các năm tiếp theo

Đề xuất các giải pháp nâng cao chỉ số PCI

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian vừa qua. Một số lĩnh vực như dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã đạt thứ hạng cao (xếp hạng 3/63); Tỷ lệ lao động tại địa phương đáp ứng hoàn toàn/phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp đạt 57%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành. Những kết quả đó, đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An trong năm 2023, trong đó có điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã thẳng thắn, nhìn nhận những tồn tại hạn chế trong việc cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh như: Chỉ số cạnh tranh bình đẳng đã tụt xuống vị trí thứ 44/63; Chỉ số chi phí không chính thức đứng cuối bảng xếp hạng (63/63); Chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất giảm năm thứ 03 liên tiếp, đứng thứ 55/63; Chỉ số chi phí thời gian khi thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh của tỉnh đánh giá xếp hạng 52/63, phản ánh thời gian thực hiện các thủ tục hành chính vẫn còn kéo dài, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho biết thủ tục giấy tờ vẫn còn phức tạp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính không được rút ngắn như kỳ vọng; đặc biệt ở một số địa phương trong việc xác định nguồn gốc, hiện trạng đất đai,…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang đề nghị cần xây dựng kế hoạch để thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đã được Quốc hội thông qua. Thực hiện quản lý công khai, minh bạch các quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng đề nghị cần thống nhất nhận thức, hành động trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xem đây là việc làm thường xuyên, liên tục, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã, đề cao vai trò, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh Trần Quang Lâm để tập trung thực hiện cải thiện chỉ số Tiếp cận đất đai cần phối hợp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các huyện, thị xã, thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch

Chủ tịch Hội doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An Trần Anh Sơn đề nghị đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng cán bộ công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên tiếp cận với người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách hành chính

Đại diện Công ty TNHH công nghệ Everwin Precision (Việt Nam) đề nghị cần xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở liền kề kết hợp với khu công nghiệp để tạo điều kiện cho người lao động; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp

Phát huy tốt nhất vai trò và mối quan hệ tương tác, đồng hành giữa Chính quyền - VCCI, các Hội doanh nghiệp - Cộng đồng doanh nghiệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An phát biểu bế mạc hội thảo

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An thay mặt lãnh đạo tỉnh đã trân trọng cảm ơn và đánh giá cao Báo cáo về chỉ số PCI mà VCCI đã thực hiện; cùng với đó là những phân tích khách quan, chất lượng và những khuyến nghị thiết thực cho tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An nhấn mạnh, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện chỉ số PCI không đơn giản là cải thiện thứ bậc để so sánh với các địa phương, mà chúng ta cần nhìn vào thực tế, xem cải thiện chỉ số PCI là mục tiêu và động cơ để tỉnh Nghệ An thay đổi, tiến bộ hơn vì sự phát triển chung của tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải phát huy tốt nhất vai trò và mối quan hệ tương tác, đồng hành giữa Chính quyền - VCCI, các Hội doanh nghiệp - Cộng đồng doanh nghiệp.

Về phía chính quyền các cấp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn mỗi cơ quan, mỗi địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính quyền phải tự ý thức nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực thi công vụ. Người đứng đầu mỗi Sở, ban, ngành, địa phương phải gắn trách nhiệm của sở mình, ngành mình, địa phương mình trong nỗ lực cải thiện chỉ số PCI. Lãnh đạo tỉnh sẽ dùng kết quả đạt được từng chỉ số thành phần của chỉ số PCI làm một trong những căn cứ đánh giá xếp loại thi đua của từng cơ quan, đơn vị; đồng thời là căn cứ để xử lý công tác cán bộ quản lý, công chức, viên chức.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành và địa phương nghiêm túc, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung hoàn thành chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi công khai, minh bạch; rà soát để tăng số lượng các TTHC có thể thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, hạn chế để người dân, doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với cơ quan chính quyền; sử dụng các công cụ quản lý điện tử để theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, giảm thiểu giấy tờ và tăng cường hiệu quả công việc. Nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ công tác liên ngành thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hợp tác đầu tư nước ngoài.

Cải thiện khả năng tiếp cận đất đai để đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp cận đất đai một cách minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả; triển khai Luật Đất đai 2024, kịp thời đưa các quy định mới của luật đất đai vào cuộc sống; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai minh bạch và công khai; đơn giản hóa quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập kế hoạch quy hoạch và phát triển quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; tăng cường giám sát và xử lý nhanh chóng các khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát của người dân và doanh nghiệp và phòng chống tham nhũng, giảm thiểu chi phí không chính thức, tăng cường lòng tin của doanh nghiệp vào chính quyền. Thiết lập đường dây nóng và hệ thống phản ánh trực tuyến để doanh nghiệp có thể nhanh chóng phản ánh để xử lý nhanh chóng và minh bạch. Định kỳ và đột xuất tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị có liên quan đến quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng; đồng thời xây dựng văn hóa phòng chống tham nhũng, tuyên truyền, giáo dục, khen thưởng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức…

Nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ chính quyền trong quá trình hoạt động. Tăng cường đối thoại và kết nối với doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Tiếp tục cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tích cực phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức các hội nghị/hội thảo chuyên đề để tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật, phương pháp quản trị doanh nghiệp hiện đại. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các Hội doanh nghiệp/doanh nhân sớm tổ chức đại hội để kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, đề xuất cơ cấu tổ chức thống nhất của Hiệp hội và các Hội doanh nghiệp chuyên ngành cũng như Hội doanh nghiệp địa phương để từng bước nâng cao vai trò đại diện cho doanh nghiệp, đoàn kết thống nhất để mang tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào sự phát triển của tỉnh; phối hợp tốt với các Sở, ngành, địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tổng hợp kịp thời các kiến nghị, các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp để cùng chính quyền các cấp kịp thời giải quyết.

Về phía các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về pháp luật và trình độ quản trị để thích ứng với sự biến động nhanh và tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro của môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay. Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tham gia góp ý, phản ánh những vướng mắc liên quan đến dự thảo, văn bản quy phạm pháp luật ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh để phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh kịp thời đề xuất các cơ quan Trung ương xem xét điều chỉnh; đồng thời phải thực sự nâng cao trách nhiệm trong việc điền phiếu khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) kịp thời, chính xác…

Tác giả: Thúy – Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP