Học sinh trường mầm non A (xã Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) trải nghiệm gói bánh chưng, vui Tết cổ truyền. Ảnh: Bình Nguyên. |
Khoảng cách giữa đào tạo và kỹ năng thực tế
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp đối với giáo viên (GV) là cần thiết vì thực tế cho thấy luôn tồn tại khoảng cách tiềm ẩn giữa năng lực đầu ra của người tốt nghiệp về mặt học thuật và kỹ năng giảng dạy thực tế. Đây cũng là thực tế bởi không phải cứ cử nhân tốt nghiệp trường đại học sư phạm loại giỏi đều trở thành GV dạy giỏi. Một nhà giáo đòi hỏi nhiều kỹ năng thực hành sư phạm, ứng dụng công nghệ trong thiết kế bài giảng, giảng dạy, quản lý lớp học, ứng xử với học sinh và đồng nghiệp ra trường... Tất cả những yêu cầu này học ở trong trường đại học, cao đẳng chỉ là một phần, còn phải tích lũy qua quá trình thực tế bởi trong khi tiếp xúc với đa dạng đối tượng học sinh, ở các vùng miền cụ thể khác nhau thì những kỹ năng đòi hỏi cũng phải khác nhau.
Chia sẻ quan điểm này, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, GV dạy đối tượng học sinh miền núi khác với GV dạy học ở thành thị, với đối tượng đại trà khác với học sinh năng khiếu… GV cần có những kỹ năng khác nhau, yêu cầu đặt ra khác nhau cho các em nên giấy chứng nhận không phải là phủ nhận việc đào tạo trong trường sư phạm mà nó có ý nghĩa tương tự với chứng chỉ hành nghề y. Tuy nhiên, việc có thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp cần cân nhắc kỹ về mặt tiêu chí, đơn vị nào cấp? Bởi nếu làm không chặt chẽ sẽ dẫn đến tiêu cực hoặc việc cấp giấy thực chất chỉ là hình thức, không giúp ích gì về năng lực thực chất của GV.
Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là những GV tự do đang mở lớp dạy độc lập không thuộc cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập, GV do các trung tâm mời dạy thì có cần phải có giấy chứng nhận này hay không? Nếu có thì yêu cầu đặt ra với những người này ra sao vì nhiều người trong số họ tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng khác nhau, không phải là trường sư phạm? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc này và chế tài xử lý ra sao nếu những lớp học này được giảng dạy bởi những GV không có chứng chỉ nghề nghiệp? Thực tế, hiện nay vô số các lớp học được mở và giảng dạy bởi những ngưỡi không có bằng cấp sư phạm trong khi việc kiểm tra, giám sát vẫn còn lỏng lẻo. Nếu có quy định mới thì cũng khó kiểm soát được đối tượng này.
Lo lãng phí, hình thức
Trước đề xuất cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp, một số ý kiến cho rằng GV để được đứng lớp đã phải có bằng cấp sư phạm, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Bây giờ cấp thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp là thêm một thủ tục hành chính không cần thiết trong khi chúng ta đang hướng tới dạy học thực chất, bằng cấp thực chất.
TS Vũ Thu Hương cho rằng, mỗi nhân sự khi tham gia giảng dạy đều đã phải tuân theo những quy định nghiêm túc về bằng cấp. Cụ thể, theo Luật Giáo dục, mỗi GV muốn tham gia giảng dạy phải có bằng cấp liên quan. Với các nhân sự tốt nghiệp ngành nghề khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mới có thể tham gia giảng dạy. Như vậy, để trở thành GV giảng dạy ở cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập đều phải đáp ứng những yêu cầu rất chặt chẽ theo quy định. Nếu xuất hiện thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp, vấn đề đặt ra là có giúp nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của GV, từ đó có góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy hay không? Hay sẽ khiến GV mất nhiều thời gian và công sức hơn để đáp ứng các yêu cầu đặt ra để đạt được giấy chứng nhận, ảnh hưởng đến việc dành thời gian dạy học, soạn bài, quan tâm đến học sinh…
Thậm chí, bà Hương lo ngại tình trạng GV bỏ lớp đi học luyện để lấy giấy chứng nhận có thể xảy ra sẽ khiến người thiệt thòi chính là học sinh, các em có thể sẽ bị “bỏ rơi” trong thời điểm GV phải tập trung đạt yêu cầu của giấy chứng nhận. Chia sẻ những áp lực người GV ngày nay đang phải chịu, bà Hương cho rằng giấy chứng nhận nghề nghiệp có thể không phát huy được bất kể giá trị gì, thậm chí góp thêm một gánh nặng nữa khiến GV khó dành tâm huyết, sức lực vào việc dạy học,
Trước đó, trao đổi với báo chí, TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ đang lấy ý kiến tham vấn từ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… để xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Trong nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến có quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.
Ông Đức cho rằng, giấy chứng nhận nghề nghiệp thể hiện năng lực của đội ngũ nhà giáo. Đồng thời sẽ thay thế cho hai giấy tờ quan trọng: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của GV và Giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Tác giả: Thu Hương
Nguồn tin: daidoanket.vn