Giáo dục

“Giấy chứng nhận nghề giáo không phải là giấy phép con”

“Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo không phải là một giấy phép con. Việc cấp giấy chứng nhận này đảm bảo nguyên tắc đơn giản, miễn phí và sử dụng suốt đời”, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh.

TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ đang lấy ý kiến tham vấn từ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục…để xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Trong nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến có quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.

TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT)

Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh, giấy chứng nhận nghề nghiệp thể hiện năng lực của đội ngũ nhà giáo. Đồng thời sẽ thay thế cho hai giấy tờ quan trọng: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

“Nếu giáo viên được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp thì không cần phải có hai loại giấy này nữa và như vậy thủ tục giấy tờ sẽ bớt đi”, ông Minh nói.

Bên cạnh đó, theo Cục trưởng cục Nhà giáo, hiện nay chỉ nhà giáo công tác khu vực công lập được tham gia bồi dưỡng và cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong khi giáo viên ở khu vực ngoài công lập lại không có.

Do vậy, quy định giấy chứng nhận nghề nghiệp nhằm tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo làm việc ở cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Với giấy chứng nhận này, nhà giáo có thể chuyển từ đơn vị này sang đơn vị kia một cách dễ dàng.

Ông Đức nêu thực tế hiện nay nhiều giáo viên khi được tuyển dụng nhưng vẫn phải trải qua thời gian thử việc hay tập sự. Nhưng nếu có giấy chứng nhận nghề nghiệp coi như giáo viên đã đáp ứng được yêu cầu.

Điều này theo đại diện Bộ GD-ĐT sẽ rất ý nghĩa đối với giảng viên đại học khi tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, giảng dạy ở nước ngoài, nếu nước sở tại có thỏa thuận với Việt Nam về việc công nhận trình độ, nghề nghiệp thì hoạt động liên kết, hợp tác sẽ rất thuận lợi. Hiện nay nhiều nước đã sử dụng chứng nhận nghề nghiệp như một minh chứng và Việt Nam cần triển khai để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ở chiều ngược lại, ông Vũ Minh Đức cũng cho biết, dự kiến trong Luật Nhà giáo cũng có những điều khoản quy định người nước ngoài nếu hành nghề giảng dạy ở Việt Nam buộc phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp được cấp bởi quốc gia của họ, tương thích và được Việt Nam công nhận.

Trường hợp các nhà giáo nghỉ hưu nhưng nếu có nguyện vọng cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận này như một sự ghi nhận cống hiến đối với sự nghiệp giáo dục.

Ngoài ra, khi hành nghề giảng dạy tại Việt Nam, người nước ngoài phải được bồi dưỡng về văn hóa, pháp luật cũng như các nội dung khác theo quy định của Bộ GD-ĐT thì mới được hành nghề giảng dạy.

Dự kiến, khi xây dựng Luật nhà giáo sẽ có những quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn giáo viên nước ngoài khi giảng dạy ở Việt Nam.

Liên quan đến thủ tục để cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, TS. Vũ Minh Đức cho biết, đối với giáo viên đã có quyết định tuyển dụng và đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đương nhiên sẽ được cấp, không cần phải trải qua bất kỳ một đợt sát hạch nào cả;

Đối với những người đã tốt nghiệp tại các trường ĐHSP hoặc tốt nghiệp những ngành nghề khác muốn trở thành giáo viên thì sau khi hoàn thành thời gian tập sự, được công nhận đạt kết quả tập sự và đáp ứng các tiêu chuẩn khác thì được cấp giấy chứng nhận;

Trường hợp các nhà giáo nghỉ hưu nhưng nếu có nguyện vọng cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận này như một sự ghi nhận cống hiến đối với sự nghiệp giáo dục.

Về nguyên tắc ông Vũ Minh Đức khẳng định, giấy chứng nhận nghề nghiệp không phải là một giấy phép con mà là minh chứng cho năng lực nghiệp vụ và thay thế cho một số giấy tờ khác, đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ.

“Cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp đảm bảo thủ thục đơn giản nhất, cấp miễn phí và giáo viên được sử dụng suốt đời. Chỉ trong trường hợp nhà giáo vi phạm kỷ luật, vi phạm quy định pháp luật mới bị xem xét tước giấy chứng nhận”.

Về quyền hạn cấp giấy chứng nghề nghiệp, TS. Vũ Minh Đức cho biết, theo thông lệ, giấy chứng nhận này được cấp bởi các hội nghề nghiệp nhà giáo.

Tuy nhiên ngoại trừ Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, hiện nay chưa có hội nghề nghiệp nào ở các bậc học từ mầm non đến THPT. Do vậy trước mắt cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải thực hiện nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận này.

“Sau này khi có những hội nghề nghiệp Nhà giáo, có thể Luật giao quyền cho các hiệp hội này cấp giống như thông lệ quốc tế”, ông Đức nhấn mạnh.

Tác giả: Bá Duy

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP