Trong nước

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Hơn 2.000 trẻ em Việt Nam bị bạo lực, xâm hại mỗi năm

Ở Việt Nam bình quân mỗi năm có 2.000 trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ em. "Đây là con số thống kê nhưng cá nhân tôi cho rằng thực tế có thể cao hơn bởi nhiều trường hợp không báo cáo", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận.

Cuối phiên làm việc sáng 5-6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung xung quanh các vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm.

Lo lắng trước tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng tăng, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) chất vấn: "Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có giải pháp như thế nào?".

Thống kê mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại

Dẫn số liệu thống kê về tình hình bạo lực trên thế giới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết bình quân mỗi năm khoảng 150 triệu em bị bạo lực, trong đó 73 triệu là trẻ trai. Khu vực châu Á Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ bạo lực lớn nhất.

Ở Việt Nam bình quân mỗi năm có 2.000 trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ em. "Đây là con số thống kê, nhưng cá nhân tôi cho rằng thực tế có thể cao hơn bởi nhiều trường hợp không báo cáo", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận.

Về giải pháp, người đứng đầu Bộ LĐ-TB-XH khẳng định Việt Nam có đủ khung pháp lý để xử lý tình trạng trên, quy định trong Luật Trẻ em và các Nghị định liên quan đã phân công rõ trách nhiệm từng ngành, địa phương.

"Chúng ta có nhiều giải pháp, như tuyên truyền vận động, lập đường dây nóng, xử nghiêm một số vụ nổi cộm, trực tiếp lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ đã trực tiếp theo dõi, đôn đốc xử lý", ông Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 5-6

Tuy nhiên lãnh đạo ngành lao động thừa nhận, gần đây xảy ra một số vụ việc xâm hại trẻ em phức tạp, gây bức xúc xã hội và dư luận lên án hành vi này.

Giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ rà soát hệ thống pháp luật, cụ thể hóa trách nhiệm của ngành, đề cao trách nhiệm gia đình, nhà trường trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Nhiều đại biểu chưa yên tâm với câu trả lời của Bộ trưởng Lao động. Giơ biển tranh luận, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) nói, trong số 2.000 vụ xâm hại, bạo hành trẻ em mỗi năm có 1.500 vụ xâm hại tình dục trẻ em. "Bộ có giải pháp mạnh mẽ nào để chặn đứng tình trạng này?", bà Nga đặt câu hỏi với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đồng thời mong muốn đại diện ngành Công an, cơ quan Tư pháp cho biết thêm những khó khăn trong chứng minh vấn đề xâm hại trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) dẫn số liệu thống kê 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình là 21.3%.

“Đâu là giải pháp căn cơ, quyết liệt để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này?” - chất vấn của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cùng câu hỏi của một số đại biểu cuối phiên họp sáng nay sẽ được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời vào đầu phiên làm việc chiều nay.

"Trẻ em miền núi thiệt thòi là có thật!"

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) day dứt trước thực trạng trẻ em miền núi thiệt thòi, đồng thời đặt câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp với người đầu ngành LĐ-TB-XH.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận: "Thực trạng đại biểu nêu là có thật. Trẻ em miền núi do điều kiện kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo miền núi là cao. Gần đây chúng ta có nhiều chính sách nhưng tỷ lệ và mức độ thụ hưởng của trẻ em miền núi còn thấp”.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết thời gian tới sẽ chú ý nhiều hơn về lĩnh vực này: “Chúng tôi xin tiếp thu 3 vấn đề góp ý của đại biểu Quyết Tâm là quyền đi học, dinh dưỡng sữa học đường, quần áo ấm cho đối tượng trẻ miền núi, vùng khó khăn. Tháng 7 tới Bộ sẽ xây dựng đề án chính sách, trình Chính phủ xem xét”.

Tác giả: Thuần Thư

Nguồn tin: Báo An Ninh Thủ Đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP