Đẹp

Xà phòng hữu cơ của cô giáo trẻ

Xà phòng hữu cơ được làm từ nguyên liệu có sẵn như bồ hòn, chanh, xả, dứa, lá trầu, vỏ bưởi, hoa khô… là sản phẩm nghiên cứu của cô giáo Lê Thị Thúy, Trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3, TPHCM.

Những sản phẩm xà phòng hữu cơ của cô giáo Lê Thị Thúy.

An toàn, thân thiện môi trường

ThS Lê Thị Thúy chia sẻ, lý do chọn nghiên cứu xà phòng hữu cơ xuất phát từ nhu cầu từ chính gia đình mình. Sau đó là mong muốn tạo ra sản phẩm vừa an toàn, thân thiện với môi trường xung quanh.

Tại Việt Nam, nhiều sản phẩm xà phòng hữu cơ đang bán trên thị trường với giá khá cao so với sản phẩm thông thường. ThS Thúy mong muốn làm ra sản phẩm hữu cơ giá rẻ từ tận dụng các nguyên liệu để tối ưu hóa quá trình sản xuất.

Những ngày đầu, cô Thúy nghiên cứu và làm xà phòng nước gồm nguyên liệu: Dầu ăn, dầu dừa, cám gạo, đậu phộng kết hợp với dung dịch NaOH (thường được sử dụng để làm xà phòng, chất tẩy rửa, tơ nhân tạo…). Bên cạnh đó, cô tận dụng một số hương liệu từ tự nhiên để tạo mùi hương cho xà phòng.

Sản phẩm đầu tay có độ PH quá cao, có thể gây hại cho da. Sản phẩm thứ hai thì độ PH quá thấp không đảm bảo tác dụng khi dùng. Sau nhiều lần thất bại, ThS Lê Thị Thúy cho ra đời xà phòng đúng tiêu chuẩn và sử dụng được vì độ PH=7. Đây là môi trường trung tính và ức chế được vi khuẩn mà không gây hại cho da tay.

Để tìm ra công thức tối ưu nhất, kết hợp các thành phần chuẩn xác, ThS Thúy tìm hiểu để biết nguyên liệu nào có thể làm được xà phòng, nguyên liệu nào tạo bọt, tạo mùi, khử khuẩn, tạo đặc… rồi hòa trộn theo công thức tối ưu nhất sau nhiều lần thử nghiệm.

Sản phẩm làm ra, ThS Thúy sử dụng ngay trong gia đình và người thân. Phản hồi của người dùng rất tích cực là động lực để cô tiếp tục nghiên cứu, gia tăng tính năng cho sản phẩm.

“Điểm khác biệt trong nghiên cứu của mình là không theo nghiên cứu của ai. Tôi chỉ suy nghĩ chất nào có thể liên kết với nhau để tạo ra xà phòng và vẫn đảm bảo an toàn. Nguyên liệu chủ yếu được chọn là bồ kết hoặc bồ hòn kết hợp với lá trầu, sả, chanh, vỏ bưởi, hoa khô, dầu dừa, glycerin, tinh dầu...”, cô Thúy chia sẻ.

Quy trình điều chế ra xà phòng cũng khá đơn giản, ThS Lê Thị Thúy tự mình có thể làm được. Cô nấu hỗn hợp nguyên liệu lại sau đó hòa thêm để tạo ra dung dịch có độ đặc, nhiều bọt và lưu giữ lâu hơn, không dùng chất bảo quản.

Làm xà phòng giấy

Không chỉ làm ra xà phòng hữu cơ thông thường, ThS Lê Thị Thúy còn nghiên cứu làm ra xà phòng giấy tiện dụng, có thể đem theo mọi lúc mọi nơi để rửa tay, khử khuẩn.

ThS Lê Thị Thúy cho biết, loại xà phòng giấy hữu cơ là sự kết hợp của dung dịch xà phòng hữu cơ và giấy thường dùng trong sinh hoạt của mọi gia đình. Xà phòng hữu cơ được cô đọng trên giấy sau đó được cắt thành những mảnh nhỏ đủ dùng cho một lần rửa tay.

“Nghe thì dễ nhưng kỹ thuật làm rất khó vì giấy phải chọn lọc. Phải lấy giấy mỏng, phẳng, hấp thụ tốt lượng dung dịch xà phòng hữu cơ, dễ phân tán trong nước. Sau khi rửa tay xong kết hợp với vi sinh trong nước giúp thải ra môi trường có lợi hơn. Tiện ích của sản phẩm này là không dùng chất bảo quản, giữ được lâu, không làm giảm chất lượng, tiện lợi để mang đi khắp mọi nơi, tiết kiệm được lượng xà phòng hữu cơ hơn”, ThS Lê Thị Thúy chia sẻ.

Nghiên cứu này được ThS Lê Thị Thúy thực hiện từ tháng 2/2021. Đến tháng 4/2021 thì có kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật chất lượng đo lường chất lượng 3.

Điều chị trăn trở là xà phòng có tính năng rất tốt, hiệu quả, an toàn, nhưng mùi hương không lưu lại lâu như xà phòng hóa học. Muốn tìm cách để lưu lại mùi thơm cho dầu gội, tắm, rửa tay và lau sàn mà không phải dùng mùi thơm công nghiệp thì phải có nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, thực nghiệm.

“Mình thì thích chính mùi của bồ kết, chanh sả, vỏ bưởi, dầu dừa hòa trộn ít mùi hoa, muốn ngửi đúng mùi của những nguyên liệu gội đầu từ bé hay dùng. Và đó là cái mình chưa làm được”, ThS Lê Thị Thúy chia sẻ.

Một bài toán nữa cô Thúy phải giải quyết là làm sao xà phòng hữu cơ có giá thành thấp. Cô tìm hiểu và thử nghiệm tận dụng hỗn hợp lần 2 và giảm một số chất tùy theo tính năng mình cần dùng để không tốn kém các nguyên liệu đắt tiền khác.

Quá trình nghiên cứu, tối ưu hóa hoạt chất, ThS Lê Thị Thúy đã cho ra đời một loạt sản phẩm khác như xà phòng tắm, xà phòng tắm gội, rửa tay, nước rửa chén, nước lau sàn, …

Mỗi sản phẩm có một ưu điểm. Nước rửa chén an toàn cho người sử dụng, khử mùi tốt, thân thiện với môi trường, không hại đến da tay, rất thích hợp cho mọi đối tượng. Sản phẩm dùng để lau sàn nhanh khô, không trơn trượt giảm nguy hiểm cho trẻ con vô tình đi vào khu vực khi đang lau sàn nhà, khử mùi tốt... Có thể sử dựng để lau chùi vật dụng kim loại, giảm khả năng bị oxi hóa so với khi dùng xà phòng hóa học…

ThS Lê Thị Thúy cho biết, các sản phẩm này đang được dùng thử nghiệm cho gia đình, người thân và bạn bè. Hy vọng sản phẩm sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và luôn thân thiện với môi trường xung quanh.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại

  Từ khóa: cô giáo ,xà phòng ,hữu cơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP