Giáo dục

Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội bị “tố” cho thuê mặt bằng sai quy định

Mặc dù được giao cơ sở hạ tầng để phục vụ mục đích giáo dục, nhưng lãnh đạo trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã cho đơn vị khác thuê một số giảng đường sai quy định.

PV nhận được phản ánh của bạn đọc về việc lãnh đạo trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội ngang nhiên cho thuê giảng đường sai quy định. Bên thuê giảng đường cũng là đơn vị hoạt động liên quan đến giáo dục đào tạo, do đó sau khi thuê được mặt bằng từ trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, đơn vị này đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo rầm rộ.

Nội dung đơn nêu rõ: “Việc nhà trường cho đơn vị bên ngoài vào thuê để tuyển sinh và đào tạo diễn ra nhiều năm nay khiến nhiều người trong đó có các sinh viên bức xúc. Sau khi tuyển sinh đơn vị này còn tổ chức đào tạo ngay tại trường khiến kế hoạch học tập của sinh viên các khóa của Trường CĐ Du lịch bị xáo trộn”.

Trụ sở Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội có địa chỉ tại 236 Hoàng Quốc Việt phường Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội).

Để hiểu rõ hơn về chức năng đào tạo của đơn vị thuê mặt bằng tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, phóng viên đã đến gặp các nhân viên tuyển sinh của đơn vị này để nhờ “tư vấn” việc học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng.

Tại đây, nhân viên tuyển sinh của đơn vị này cho biết, để liên thông từ trung cấp lên cao đẳng thời gian học sẽ là 2 năm rưỡi, về hồ sơ bao gồm bằng trung cấp phôtô, sơ yếu lý lịch và điền thông tin vào bộ hồ sơ mua tại đây với giá 20.000 đồng.

“Hiện nay, nhà trường chưa có lớp, bạn cứ về hoàn thiện hồ sơ và mang lên nộp khi nào tổ chức được lớp học chúng tôi sẽ đưa hồ sơ của bạn vào và sẽ thông tin cho bạn đến để theo học. Kinh phí học sẽ được áp dụng theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT…”, nhân viên tuyển sinh cho biết.

Nhân viên đơn vị thuê địa điểm đang tư vấn tuyển sinh bên trong khuôn viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã đến trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đặt lịch làm việc với nhà trường. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Lê Minh, Trưởng phòng Quản trị thiết bị cho biết: “Nhà trường có một số phòng học không sử dụng đến nên đã cho thuê lại, nếu đơn vị thuê làm ảnh hưởng đến trường thì chúng tôi sẽ cắt hợp đồng ngay”.

Tuy nhiên, khi PV đề nghị được cung cấp tài liệu liên quan đến việc cho thuê giảng đường thì vị này từ chối và nói sẽ sắp xếp buổi làm việc sau vì còn phải tìm hồ sơ, giấy tờ.

Trước việc làm trên, dư luận đang đặt câu hỏi về tính pháp lý của việc cho thuê mặt bằng của trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Liệu việc nhà trường cho đơn vị khác thuê lại mặt bằng để hoạt động có được sự cho phép của cơ quan chủ quản hay không? Nguồn kinh phí thu được từ hoạt động này được sử dụng như thế nào và có hay không “lợi ích nhóm” trong vụ việc này? Báo Công lý sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ cao đẳng và trình độ thấp hơn trong lĩnh vực du lịch, khách sạn;

Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ quản lý, người lao động trong ngành; Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Cử tri hỏi về trách nhiệm vụ gian lận thi cử, Bộ GD&ĐT 'né' trả lời

Tác giả: Trang Việt

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP