Giáo dục

Hàng loạt vụ học sinh đuối nước thương tâm: Tại sao trường học chưa có môn bơi?

Hàng loạt những vụ học sinh đuối nước thương tâm xảy ra đã liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em. Việc tính toán đưa môn bơi vào chương trình giáo dục thể chất trong trường phổ thông là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em trong nhiều năm nay.

Áp lực lớn về cơ sở vật chất

Đuối nước ở Việt Nam vẫn đang là vấn nạn khi cướp đi hàng ngàn sinh mạng mỗi năm. Trong đó, đa số vụ đuối nước thương tâm xảy ra đối với trẻ em. Vụ đuối nước thương tâm cướp đi 8 học sinh tại Hòa Bình, hay mới đây nhất là vụ 4 học sinh tử vong vì đuối nước ở Thanh Hóa, khiến cả nước bàng hoàng, đau xót, lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Chia sẻ về việc đưa môn bơi vào chương trình học, Hiệu trưởng trường THCS Xuân Đỉnh (Hà Nội) Lê Thị Thu Hà bày tỏ: “Việc dạy bơi cho học sinh trong trường là rất thiết thực và nên được triển khai sớm. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế như hiện nay, trường chưa có bể bơi riêng, nếu bắt học sinh phải di chuyển quá xa để học bơi thì không khả thi.

Đưa môn bơi vào chương trình học được ủng hộ nhưng còn nhiều trở ngại.

Hiện tại, mỗi ngày, học sinh đã kín lịch học, nếu xếp mỗi tuần hai tiết học bơi, mà phải di chuyển quá xa, có thể mất khoảng 30 phút di chuyển chẳng hạn, thì quá bất tiện và khó thực hiện được.

Các cấp lãnh đạo địa phương cũng có sự quan tâm nhất định đến công tác phổ cập bơi cho học sinh các trường trên địa bàn, tuy nhiên, vẫn đang gặp nhiều khó khăn”.

Ông Lương Thanh Tâm, Trưởng phòng GD&ĐT TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Đối với môn bơi, tôi cho rằng là một nội dung rất tích cực, tuy nhiên để đưa vào môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo thì điều kiện của chúng ta chưa thể đáp ứng được, tương tự như yêu cầu học tin học nhưng không có phòng máy thì không học được. Cái khó nhất là khi đưa vào môn học bắt buộc thì học sinh sẽ học bơi ở đâu?

Hiện nay, tại địa phương, trung tâm văn hóa của thành phố cũng mở các lớp dạy bơi vào mùa hè, phòng GD&ĐT cũng đã phối hợp tuyên truyền, khuyến khích học sinh đi học bơi. Hay như một số nơi đầu tư bể bơi di động nhưng cũng không mang lại hiệu quả cao”.

TS. Ngũ Duy Anh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục thể chất, bộ GD&ĐT khẳng định: “Việc đưa môn bơi vào chương trình giáo dục phổ thông là rất cần thiết và ai cũng nhận thấy lợi ích, tuy nhiên việc triển khai còn căn cứ và phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất tổ chức dạy môn học tại từng trường còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Một số trường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, có thể phối hợp với phụ huynh tạo điều kiện trang bị cho học sinh kỹ năng này một cách dễ dàng hơn, còn ở các tỉnh khó khăn hơn như nông thôn, vùng sâu, vùng cao, biên giới, hải đảo…, không có điều kiện bể bơi thì biết học bơi ở đâu?”.

Áp lực lớn nhất mà ông nêu ra chính là cơ sở vật chất phục vụ môn học: “Mặc dù Bộ đã và đang tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích các sở giáo dục và các trường tích cực chủ động đưa bơi vào dạy trong trường học bằng hình thức phù hợp với địa phương, tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có đủ hồ bơi để học. Rồi lực lượng giáo viên dạy bơi cũng khó khăn.

Để mỗi trường đều có đầy đủ bể bơi cho môn học không phải là một bài toán đơn giản và gấp rút, mà cần cả một tiến trình thực hiện từng bước một, năm nay tạo điều kiện trang bị cho một số trường nhất định rồi năm sau sẽ trang bị dần dần đến các trường khác”.

Giải pháp trước mắt phòng đuối nước

Trao đổi về những giải pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em, TS. Ngũ Duy Anh cho rằng: “Hiện tại, điều quan trọng nhất chính là tăng cường giáo dục các kỹ năng cơ bản cho học sinh, cảnh báo để học sinh nhận ra vùng nguy hiểm, tránh chơi đùa tại những nơi có thể xảy ra hậu quả đáng tiếc, thậm chí phải có những kỹ năng ứng biến, không phải là cứ biết bơi mà thấy các bạn đuối nước là nhảy xuống cứu được”.

Theo ông, ở mô hình đào tạo tại các nước trên thế giới, học sinh được học bơi từ lớp 1, vì thế, nếu có điều kiện trang bị đầy đủ cơ sở vật chất thì các trường cũng nên tổ chức cho học sinh học bơi sớm từ độ tuổi đó. Việc cho học sinh học bơi không chỉ góp phần phòng chống đuối nước ở trẻ mà còn là một bộ môn rèn luyện tăng cường thể lực tốt.

TS. Ngũ Duy Anh khẳng định điều quan trọng nhất chính là tăng cường giáo dục các kỹ năng cơ bản cho học sinh.

Trưởng phòng GD&ĐT TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Học sinh khoảng lớp 3 có thể cho học bơi nếu có đủ điều kiện vì đó là lứa tuổi an toàn để tiếp xúc và học rất nhanh. Hiện tại, theo nội dung chương trình mới, cũng đã tổ chức nhiều buổi giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại các trường, nâng cao nhận thức và đảm bảo an toàn cho bản thân. Còn về việc các trường tự lực dạy bơi thực hành thì vẫn chưa đủ điều kiện đáp ứng”.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng trường THCS Lê Ngọc Hân (Hà Nội) khẳng định: “Bơi là một kỹ năng tốt cho học sinh, trước mắt, vì trường chưa đủ điều kiện tổ chức môn học nên trong giai đoạn tới, trường sẽ tích cực tuyên truyền, vận động cho phụ huynh học sinh chủ động đưa con đi học bơi trước. Còn việc đưa môn học vào chương trình trong trường thì vẫn cần một tiến trình khá dài để thực hiện”.

Theo một báo cáo của bộ LĐTBXH, mỗi năm tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu, có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Tác giả: Cẩm Mịch

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP