Thể thao

Tại sao bàn thắng phút cuối nở rộ ở Euro 2016?

Hungary là đội bóng mới nhất gia nhập nối tiếp xu hướng “bàn thắng muộn” ở Euro 2016. Câu hỏi đặt ra là, lý do gì khiến giải đấu này lạm phát bàn thắng phút cuối?

Iceland suýt chút nữa tạo dựng lịch sử với chiến thắng đầu tay ở Euro. Thật không may, nó đã không xảy ra. Pha phản lưới của Saevarsson đã phá hỏng tất cả. Đó là pha lập công thứ 15 diễn ra sau phút 80, thật đáng kinh ngạc.


Hungary ăn mừng bàn thắng vào lưới Iceland.

Tính đến nay, đã có tổng cộng 47 bàn thắng được ghi ở Euro 2016 và 31,9% diễn ra trong khoảng thời gian 10 phút cuối cùng. Đáng lưu ý, có tới 8/15 bàn thắng kiểu đó (53%) có ý nghĩa quyết định tới kết quả trận đấu. Với một vài đội, ghi bàn muộn đưa họ trở về từ cõi chết. Một vài đội khác, đó là sự tàn nhẫn của bóng đá.

Mỏi mệt là một lý do

Theo cách lý giải phổ biến, Euro 2016 diễn ra ngay sau khi các giải VĐQG kết thúc chưa lâu. Vì vậy, các cầu thủ trở nên mỏi mệt và không thể duy trì thể lực cũng như trí lực ở thời điểm cuối trận. Việc đổ vỡ là khó tránh.

Tuy nhiên, các giải thích này không thực sự thuyết phục. 5 đội bóng đến từ các quốc gia chủ trì 5 giải đấu hàng đầu châu lục, gồm Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha đều ít nhất một lần nổ súng muộn (trong khi chỉ có Anh bị thủng lưới ở khoảng thời gian này). Nếu mệt mỏi, họ không thể làm được điều đó.

Một kiến giải tốt hơn, cũng là sự mệt mỏi, nhưng ở trong phạm vi trận đấu. Đó là khi các đội bóng lớn kiểm soát bóng và thống trị trận đấu, họ đặt lên đối phương khối sức ép ghê gớm.


Với 2 bàn, Dimitri Payet là chuyên gia ghi bàn thắng muộn.

Dù kiên cường nhưng những kẻ yếu hơn khó có khả năng duy trì sự tập trung một cách liên tục. Hơn nữa, việc chạy theo quả bóng quá lâu là một công việc đầy mệt mỏi. Cuối cùng, sự mệt mỏi phải trả giá. Anh, Pháp, Italia và Tây Ban Nha đã chiến thắng theo cách này.

Nhưng ngược lại, một số kẻ yếu cũng có cơ hội của mình. 3 trong số 7 bàn thắng sau phút 90 thực hiện theo cùng một phương pháp: phản công. Sau khi đã hấp thụ các áp lực, họ tung mình về phía trước như một mũi tên rời khỏi cung, kết liễu đối thủ chớp nhoáng.

Cuộc chơi mở

Tuy nhiên, nguyên nhân chính xuất phát từ việc tất cả các đội đều muốn thắng. Một thay đổi lớn ở kỳ Euro lần này là có tới 24 đội tham gia, chia làm 6 bảng. Như vậy có nghĩa là, ngoài 2 đội đứng đầu mỗi bảng, sẽ có thêm 4 đội xếp thứ 3 tốt nhất được đi tiếp. Nói cách khác, chỉ có 8 đội bị loại.


Eder giúp Italia vượt qua Thụy Điển vào phút chót.

Trước đây, các đội thường có xu hướng thận trọng ở trận ra quân và một kết quả hòa cũng đạt yêu cầu thì bây giờ, 3 điểm sẽ được ưu tiên bởi có rất nhiều cơ hội để đi tiếp nếu có trong tay 3, hay 4 điểm. Điều này dẫn đến hiện tượng, các trận đấu thường hấp dẫn đến phút chót. Không đội bóng nào từ bỏ và sẵn sàng chơi mạo hiểm để đạt mục đích.

Nó cũng dẫn đến chuyện, ngay cả những đội bóng nhược tiểu như Iceland, Bắc Ireland hoặc Hungary cũng dám chơi và tìm kiếm cơ hội. Lại thêm việc họ được khuyến khích bởi câu chuyện thần tiên của Leicester ở Premier League. Cứ nỗ lực hết mình, biết đâu vận may sẽ đến.

Người hâm mộ đương nhiên là đối tượng được hưởng lợi. Không có trận đấu nào nhàm chán. Tất cả đều chứa đựng cảm xúc và tiềm ẩn những giây phút bùng nổ. Đó là gì nếu không phải sự hấp dẫn mà bóng đá mang lại?

Cho đến nay, 33/47 bàn thắng của Euro 2016 diễn ra trong hiệp hai, chiếm 70%. 15 trong số này thực hiện sau phút 80, tương ứng 31,9% (nhiều hơn cả tổng bàn thắng hiệp 1). Lưu ý, có tới 13 bàn diễn ra từ phút 87 (27,6%) và 7 xuất hiện sau phút 90 (14,8%).

Tác giả bài viết: Thanh Đình - Ảnh: Getty Images

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP