Du lịch

Quán cháo lòng 80 năm ở Sài Gòn, ngon nức tiếng nhờ nấu trong một dụng cụ đặc biệt

Hơn 80 năm qua, quán cháo lòng này vẫn gây thương nhớ cho biết bao thực khách, trở thành một trong những địa chỉ bán cháo lòng lâu đời bậc nhất Sài Gòn.

Nằm trên đường Cô Giang (Quận 1, TP.HCM), quán cháo lòng Bà Út đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người đam mê món cháo lòng. Dù chỉ là quán vỉa hè nhưng bởi tuổi đời và hương vị của món cháo rất đặc biệt nên đã thu hút rất nhiều khách quen.

Trải qua hơn 80 năm, quán cháo đã truyền lại đến 3 thế hệ, trong đó riêng bà Út đã bán hơn 60 năm. Lúc trước bà gánh hàng cháo đi vòng quanh chợ, sau năm 1975 mới ngồi bán cố định. Dù nhiều lần đổi vị trí bán nhưng vẫn chỉ quanh khu vực đường Cô Giang. Vì vậy nên quán cháo lòng của bà dần dà có "thương hiệu" riêng và mọi người quen miệng gọi đây là cháo lòng Bà Út.

Dù vậy, hiện nay có nhiều quán ăn mọc nên khiến quán cháo lòng bà Út giảm đi một lượng khách đáng kể. Nhưng hương vị đặc biệt của cháo lòng bà Út vẫn luôn khiến khách quen quay lại dù có qua bao nhiêu năm.

Cháo của bà Út vẫn giữ được cách nấu truyền thống mà người Sài Gòn xưa hay nấu món này đó là dùng hai chiếc thau nhôm úp ngược và hàn chúng lại để thành chiếc nồi. Cách đó giúp cháo giữ nhiệt và hương vị tốt hơn nấu bằng nồi thông thường. Dù vậy, hiện nay chẳng còn mấy nơi nấu cháo trong dụng cụ độc đáo này nữa.

Cháo lòng bà Út được nấu với xương ống và lòng khá ngon, đặc biệt có dồi và nước mắm chấm do quán tự làm rất đặc trưng. Ngoài gan, huyết, lòng non, dồi, dạ dày… mỗi phần cháo còn có một miếng xương sườn.

Chủ quán phải dậy từ 2 giờ sáng để luộc lòng, nấu cháo, làm dồi,... Sở dĩ phải dậy sớm như vậy là vì quán mở từ lúc sáng sớm để phục vụ bữa sáng cho người dân đi làm.

Vấn đề quan trọng nhất mà thực khách đòi hỏi ở một quán cháo lòng đó là vệ sinh an toàn thực phẩm. Riêng lòng, dồi của quán này thì vẫn có tiếng là ngon, sạch, ăn là nhớ mãi. Cháo có màu xỉn hơi ngả đen do được nấu cùng huyết tươi được pha chế và luộc theo công thức gia truyền. Nước ngọt của cháo lòng cũng do huyết tươi tạo ra. Bà Út không dùng huyết bán sẵn mà sử dụng huyết được pha và luộc tại nhà nên đạt được độ mềm, dai vừa đủ, lại rất đảm bảo. Cháo sánh vừa phải ăn kèm quẩy cũng rất ngon.

Dù chỉ là quán lề đường nhưng cháo lòng của bà Út có lượng khách đáng nể, thậm chí có nhiều khách quen đã ăn hàng chục năm. Nhiều người nghiện cháo lòng bà Út đến nỗi dù đã ra nước ngoài sinh sống nhiều năm nhưng cứ về Sài Gòn là phải đến ăn. Đồng thời không ít khách còn nhờ bà làm dồi để mang về Mỹ, Úc… Nhiều nghệ sĩ tên tuổi như ca sĩ Lý Hải, nhạc sĩ Đình Văn, nghệ sĩ hài Nguyên Hạnh, Kim Ngọc, nghệ sĩ cải lương Bạch Mai… cũng là khách “ruột” của quán.

Mỗi ngày, quán bán đến 4 nồi cháo lớn, từ 6 giờ sáng đến khoảng 12 giờ trưa là đã hết. Quán luôn có đến 5 người mới kịp phục vụ khách đến ăn. Giá cho mỗi phần cháo đầy đủ chỉ có 34.000 đồng. Thực khách có thể ăn thêm bánh quẩy với giá 6.000 đồng/cái, hoặc gọi thêm bất kì loại đồ lòng nào nếu muốn. Thậm chí, nếu sức ăn ít, thực khách có thể “ăn nhiêu gọi nhiêu”, tức 20 hay 30.000 đồng, bà chủ dễ tính vẫn vui vẻ bán hết.

Nhờ hương vị độc đáo và làm bằng cái tâm, gánh cháo lòng ngày nào chỉ là kế sinh nhai tạm thời đã trở thành “nghề gia truyền” mà gia đình bà Út truyền lại cho các thế hệ. Hiện tại, do tuổi đã cao nên bà Út không bán nhiều nữa mà giao lại cho cháu gái bán chính. Tuy vậy, không ngày nào bà Út không ra để ngồi với con cháu và tự tay nêm nếm gia vị cho món cháo lòng.

Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP