Pháp luật

Nổi máu "yêng hùng", người chết, kẻ đi tù

Xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, một số thanh thiếu niên đã không kiềm chế, nổi máu "yêng hùng" bất chấp hậu quả

Mâu thuẫn về tình cảm, va chạm trên đường hay đối đáp trên mạng xã hội… dẫn đến dùng bạo lực giải quyết, gây rối trật tự xã hội khiến cho nhiều thanh thiếu niên phạm pháp.

Dùng bạo lực để giải quyết

Ngày 25-5, Công an TP HCM đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Tuấn Anh, Trương Hồng Phước, Ngô Phan Tùng, Quách Văn Tú (tuổi từ 16 - 21, cùng ngụ quận 4, TP HCM) về tội "Giết người".

Trước đó, Trương Hồng Phước trong lúc đi mua đồ ăn thì xích mích với người quen tên Lê Văn Dũng nên về kể lại vụ việc cho Tùng, Tú, Tuấn Anh nghe rồi gọi video call cho Dũng. Đối đáp qua lại hồi lâu, cả hai hẹn đánh nhau.

Nhóm Phước đem theo dao đến đường Đoàn Văn Bơ, quận 4 gặp Dũng. Trong lúc hỗn chiến, Dũng bị đâm trọng thương và tử vong sau đó.

Một nhóm thanh thiếu niên bị công an bắt sau cuộc hỗn chiến ở quận Bình Tân, TP HCM

Mới đây, ngày 16-5, Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ 22 thanh thiếu niên từ 16 - 19 tuổi liên quan vụ xô xát bằng bom xăng và súng. Do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, Đinh Văn Đức (19 tuổi) hẹn Trần Hoàng Lâm (18 tuổi) giải quyết dứt điểm. Rạng sáng 15-5, Đức và Lâm rủ thêm nhiều người đến điểm hẹn. Sau cuộc hỗn chiến, Đức bị thương phải nhập viện. Tại hiện trường, công an phát hiện nhiều mảnh vỡ thủy tinh, thu giữ một số vỏ đạn, vỏ pháo, nhiều chai thủy tinh cùng nhiều hung khí khác.

Đầu tháng 4-2022, Công an quận Bình Tân, TP HCM tạm giữ hình sự 9 người tuổi từ 17 - 19 có hành vi cố ý gây thương tích mà nạn nhân lại là người bị "trút giận oan". Cán bộ điều tra cho biết T.C.C (18 tuổi, quê Trà Vinh) quen biết với T.V do làm chung công ty tại quận Bình Tân. Sau đó, cả hai phát sinh mâu thuẫn vì những bình luận ác ý trên mạng xã hội. Đôi bên quyết định địa điểm giải quyết mâu thuẫn tại công viên đường nội bộ Khu Y tế kỹ thuật cao (quận Bình Tân).

Nhóm V. đem hung khí đụng độ nhóm C. Cùng thời điểm, anh T.V.T (quê Trà Vinh) chở bạn gái đi qua thì nhóm V. tưởng là đồng bọn của C. nên dùng rựa chém, anh T.V.T bị thương tích 20%.

Tăng cường giáo dục pháp luật, kỹ năng sống

Nhiều năm tham gia bảo vệ các bị cáo là trẻ vị thành niên trong các phiên tòa hình sự, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM) bày tỏ trăn trở vì tội phạm chưa thành niên ngày càng trẻ hóa với tính chất, mức độ phạm tội nghiêm trọng hơn.

"Nhiều em ra bục khai báo trả lời rất ngô nghê về lý do phạm tội. Có em chỉ vì muốn chứng tỏ yêu bạn gái thật lòng mà hành động không suy nghĩ. Cũng có em không được học hành nhiều, kiến thức pháp luật còn hạn chế, sống trong môi trường thường xuyên xảy ra những vụ đâm chém nên ít nhiều bị ảnh hưởng và… muốn đi tù một lần để lấy số má" - luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết.

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, nhiều năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM đã phối hợp với công an, tòa án, viện kiểm sát, trường học… tổ chức những phiên tòa giả định về các tình huống pháp luật. Bên cạnh việc chuyển tải thông tin về pháp luật bằng hình ảnh sinh động, trực quan còn định hướng các em cách giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống, tình huống xung đột giữa bạn bè, người thân và các mối quan hệ xung quanh một cách bình tĩnh, hợp tình, hợp lý.

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM, cũng cho rằng giáo dục kỹ năng sống là điều cần thiết và quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

"Nhà trường và gia đình cần có kế hoạch, có chương trình giáo dục kỹ năng sống cho các em bởi vì độ tuổi thanh thiếu niên đang hoàn thiện nhân cách nên cần được chỉ dẫn, trau dồi. Ngoài ra, để con cái phát triển như kỳ vọng, cha mẹ cũng phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống vì cha mẹ là tấm gương tốt nhất để con cái noi theo" - bà Vũ Thị Xuân Nhuệ nói thêm.

Trong khi đó, bà Lê Thị Thu - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em - nhận định các game bạo lực, phim ảnh mang tính chất xã hội đen được phát tán nhiều trên nền tảng mạng xã hội đã ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của trẻ. Nhiều phụ huynh cho con lên mạng nhưng không kiểm soát nên bên cạnh việc tiếp thu những mặt tích cực, trẻ sẽ bị ảnh hưởng những thói xấu.

"Việc kiểm soát trẻ truy cập những trang mạng nào là điều cần thiết. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần quản lý những ứng dụng, trang mạng lan truyền video bạo lực, thiếu lành mạnh, vi phạm pháp luật" - bà Lê Thị Thu khuyến cáo.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2018 đến quý I/2021, cả nước ghi nhận hơn 10.000 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.000 đối tượng có liên quan.

Án mạng lúc giải quyết chuyện tình cảm tay ba

Ngày 25-5, Công an TP HCM cho biết đang lấy lời khai của Lê Tấn Lộc (SN 1999, ngụ quận 7, TP HCM) để điều tra hành vi giết người.

Theo thông tin ban đầu, tối 24-5, chị L.N.T.V (SN 1999, ngụ quận 7) hẹn anh Nguyễn Văn Hiền (SN 1999) đến khu vực trước Trường ĐH Luật TP HCM (đường Bến Vân Đồn, quận 4) để nói chuyện. Một lúc sau, Lộc đến gặp cả hai để giải quyết mâu thuẫn trong chuyện tình tay ba. Trong lúc đánh nhau, Lộc rút dao đâm vào ngực Hiền khiến anh này tử vong.

Tác giả: PHẠM DŨNG

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP