Trong tỉnh

Nghệ An: Vì sao sau 9 ngày bị tạm giữ Nguyễn Văn Vương bất ngờ được thả?

Mới đây, sau 9 ngày bị tạm giữ liên quan tới hành vi gây rối trật tự công cộng, nhóm đối tượng chuyên cho vay nặng lãi, thường xuyên sử dụng chất bẩn uy hiếp các gia đình nạn nhân do Nguyễn Văn Vương cầm đầu đã được thả.

Như PL&DS đã thông tin, trước đó, vào rạng sáng ngày 25/12, Cơ quan Công an Tp Vinh, Nghệ An đã đột kích nhà nghỉ tại phường Quán Bàu (TP Vinh), bắt giữ quả tang nhiều đối tượng có dấu hiệu sử dụng chất ma túy. Đáng chú ý có các đối tượng: Nguyễn Văn Vương (31 tuổi), Hoàng Tuấn Dũng (24 tuổi), Nguyễn Văn Ngọc (21 tuổi, cùng trú xã Hưng Tây, Hưng Nguyên), và Nguyễn Văn Thắng (26 tuổi, trú Nam Giang, Nam Đàn).

Tại Cơ quan điều tra, nhóm đối tượng này khai có liên quan tới hành vi nhiều lần cố tình ném chất bẩn, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ vào nhà anh Nguyễn Văn L (Phường Hưng Bình, TP Vinh) để gây áp lực nhằm yêu cầu anh L phải trả nợ thay cho anh trai của anh L đối với khoản tiền vay nặng lãi hơn 1 tỷ đồng mà anh trai anh L đã “vay nóng” các đối tượng.

Theo thông tin từ CA TP Vinh, do Viện kiểm sát Nhân dân TP Vinh không phê chuẩn hồ sơ mà cơ quan công an đề nghị khởi tố hành vi đe dọa giết người nên sau khi hết thời hạn tạm giữ thì bắt buộc phải thả các đối tượng ra vào đêm 3/1. (Trước đó các đối tượng bị tạm giữ hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng)

Hiện tại thì nhóm đối tượng này chưa bị áp dụng bất cứ một quyết định xử lý nào từ cơ quan CA về hành vi đã gây ra.

Đánh giá về việc này một vị cán bộ lãnh đạo CA TP Vinh khẳng định: Viện kiểm sát không phê chuẩn đề nghị khởi tố hành vi đe dọa giết người của các đối tượng nêu trên là không đúng bản chất vụ việc. Bởi lẽ ngoài thực hiện một loạt hành vi ném chất bẩn vào nhà các bị hại, đối tượng này còn chỉ đạo ném thuốc trừ sâu.

Hành vi đó có thể được xem là dấu hiệu đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của các bị hại. Nói cách khác có thể xem đó như là “thông điệp” cho hành vi khác nghiêm trọng hơn như những việc nhóm đối tượng này từng làm trước đó.

Việc thay đổi, bổ sung tội danh để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm khắc hành vi đe dọa giết người đối với Vương và đàn em được xem là cần thiết, đúng bản chất vụ việc đã xảy ra. Thế nhưng do Viện kiểm sát Nhân dân TP Vinh không phê chuẩn nên CA TP Vinh cũng phải thực hiện theo đúng quy định.

Nguyễn Văn Vương

Không chỉ dừng lại ở việc uy hiếp trả nợ bằng ném chất bẩn vào nhà, các đối tượng còn sử dụng thuốc diệt cỏ, diệt chuột như một lời "cảnh báo" đối với các nạn nhân, và đồng thời còn sử dụng các công cụ hỗ trợ như súng điện dí cho nạn nhân tới cháy da thịt

Để tìm lời giải đáp về việc đối tượng Vương được tại ngoại, PV đã nhiều lần gọi, nhắn tin vào số điện thoại của ông Nguyễn Công Phú – Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân TP để mong có cuộc làm việc nhưng không nhận được phản hồi.

Hai ngày 3/12 và 4/12/2018 PV đã trực tiếp qua trụ sở Viện kiểm sát Nhân dân TP Vinh nhưng ông Phú vắng mặt. Nhân viên bảo vệ tại đây cũng không liên lạc được với ông Phú, hẹn sẽ gọi lại cho PV.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã nhiều ngày trôi qua, Viện kiểm sát Nhân dân TP Vinh vẫn “im lặng” một cách khó hiểu.

Trao đổi về nội dung vụ việc này, ông Tôn Thiện Phương – Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An cho rằng, án cấp huyện nên thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát Nhân dân TP Vinh, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh không nắm được nội dung vụ việc.

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Cty Luật TNHH HTC Việt Nam, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: Có hai vấn đề mà cơ quan chức năng cần phải làm rõ, thứ nhất đó là những đối tượng đó có phạm tội, hay vi phạm gì không, đã có đủ chứng cứ để xử lý về mặt hành chính hay hình sự thì cũng cần những quyết định cụ thể.

Vấn đề thứ hai, nếu bắt oan thì phải xin lỗi, vấn đề có thể là sau khi hết thời hạn tạm giữ thì cơ quan điều tra không chứng minh được rằng người ta phạm tội nên bắt buộc phải thả người theo quy định.

Chiều 7/1, tại cuộc họp báo về kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch 2019 của Nghệ An, các nhà báo phản ánh có nhiều vụ việc rất cần được cơ quan chức năng phát ngôn song những người có thẩm quyền lại "né tránh".

Tiếp nhận các ý kiến, ông Thái Thanh Quý - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị liên quan phải có một tinh thần cầu thị, xử lý rõ ràng những vấn đề báo chí phản ánh. "Các nhà báo khi tới liên hệ công tác nếu không có kết quả cũng cần gửi phản hồi để Sở Thông tin nắm được danh sách những người thường xuyên né tránh, nếu người nào cố tình thì phải thay", Chủ tịch Nghệ An nhấn mạnh.

Trước đó, tháng 12/2013, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định số 62 về phát ngôn, cung cấp, đăng, phát và xử lý thông tin trên báo chí thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước hoặc là người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (gọi là Người phát ngôn).

Tác giả: Nhóm PV điều tra

Nguồn tin: Pháp luật & Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP