Trong tỉnh

Nghệ An: Bị chấm dứt hợp đồng chỉ vì thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Trong khi chưa có văn bản thay thế thì thỏa thuận được ký giữa UBND tỉnh và doanh nghiệp có tính chất pháp lý bị hủy bỏ khiến dư luận băn khoăn liệu doanh nghiệp được gì khi bỏ ra trên 700 tỷ đồng xây dựng công trình trong khi thời hạn khai thác chưa tròn 5 năm và người dân có bị thiếu nước sạch sinh hoạt?

Nhà máy cấp nước thô của Công ty TNHH MTV cấp nước Sông Lam

Bị chấm dứt hợp đồng vì trở thành công ty cổ phần

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 28/1/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã ký Thỏa thuận dịch vụ cấp nước thô với Cty TNHH MTV cấp nước Sông Lam. Tiếp đó, ngày 14/2/2015 Cty này ký hợp đồng bán nước thô cho Cty MTV cấp nước Nghệ An; Công trình cấp nước thô được đưa vào khai thác từ năm 2016. Cho đến nay, Cty TNHH MTV cấp nước Sông Lam cho biết đã bỏ ra hơn 700 tỷ đồng cho cả hai giai đoạn để xây dựng công trình xử lý nước thô.

Mọi chuyện diễn ra bình thường cho đến ngày 9/1/2019. Với lý do "để phù hợp với quy định và tình hình thực tế sau khi Công ty MTV cấp nước Nghệ An cổ phần hóa thành Cty cấp nước Nghệ An và trong thời gian chờ các sở ngành và các bên liên quan thống nhất thỏa thuận dịch vu cấp nước thô mới", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền đã ký văn bản 207/UBND-CN thông báo hủy bỏ Thỏa thuận ký ngày 28/1/2015 giữa UBND tỉnh Nghệ An và Công ty TNHH MTV cấp nước Sông Lam.

Công văn này nêu rõ toàn bộ nội dung Thỏa thuận không còn hiệu lực và thông báo cho các cơ quan ban ngành được biết. Các hoạt động liên quan đến việc cấp nước thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành và văn bản số 02 ngày 3/1/2019 của UBND tỉnh Nghệ An.

Mặc dù được hai bên thống nhất, nhưng thực tế cho thấy việc hủy bỏ thỏa thuận nêu trên có một số vấn đề liên quan đến yếu tố pháp lý. Cụ thể, Điều 31 Nghị định 117/ NĐ-CP ngày 11/ 7/2007 quy định: “Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước là văn bản pháp lý được ký kết giữa UBND hoặc cơ quan được ủy quyền với đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn" và "Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước bao gồm những nội dung cơ bản sau: Vùng phục vụ cấp nước; Định hướng kế hoạch phát triển cấp nước; Nguồn tài chính dự kiến để thực hiện kế hoạch phát triển cấp nước; Giá nước, lộ trình, các nguyên tắc điều chỉnh giá nước; Các điều kiện dịch vụ (chất lượng nước, áp lực, lưu lượng và tính liên tục), lộ trình cải thiện các điều kiện dịch vụ; Nghĩa vụ, quyền hạn các bên liên quan".

Bên cạnh đó, Thỏa thuận ngày 28/1/2015 cũng nêu, "Việc chấm dứt thỏa thuận dịch vụ khi một trong hai bên vi phạm nghiêm trọng (không thể hòa giải) các điều khoản của thỏa thuận. Trường hợp đơn vị cấp nước thô vi phạm nghiêm trọng các hành vi bị cấm trong hoạt động cấp nước thô và thỏa thuận này thì UBND tỉnh thu hồi dự án mà Bên B (Công ty cấp nước Sông Lam) không được bồi thường các chi phí đầu tư đã bỏ ra".

Đồng thời, Điều 7 của Hợp đồng được ký kết giữa Công ty Cấp nước Sông Lam và Công ty MTV cấp nước Nghệ An thể hiện: "Sự thay đổi mô hình doanh nghiệp, thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp, thay đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp của cả hai bên đều không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của hợp đồng này. Khi có sự thay đổi nội dung Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thô thì Bên A và Bên B ký kết phụ lục điều chỉnh, bổ sung hợp đồng mua bán nước thô theo các nội dung Thỏa thuận dịch vụ cấp nước thô mới sửa đổi."
Bởi vậy, việc UBND tỉnh Nghệ An lấy lý do Công ty MTV cấp nước Nghệ An chuyển đổi hình thức sang Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An để hủy bỏ Thỏa thuận nêu trên liệu có căn cứ và đúng pháp luật hay không, tự bản thân thỏa thuận đã nói rất rõ.

Nhiều vấn đề quanh chuyện kiểm toán

Liên quan đến vấn đề cấp nước trên địa bàn, có ý kiến cho rằng giá nước thô quá cao và có "chỉ định của UBND tỉnh Nghệ An bắt buộc giá nước thô phải là 1950 đồng/m3. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi giá nước này hai bên đã thống nhất tại biên bản làm việc ngày 25/11/2014 giữa đơn vị cấp nước là Công ty Tuấn Lộc (sau này là Công ty MTV cấp nước Sông Lam) với Công ty MTV cấp nước Nghệ An.

Cũng cần phải nói rõ thêm, theo Hợp đồng giữa Công ty Cấp nước Sông Lam và Công ty cấp nước Nghệ An thì mức giá 1950 đồng/m3 tương ứng tổng mức đầu tư ban đầu là 496 tỷ đồng, trong khi Công ty cấp nước Sông Lam cho rằng đã đầu tư trên 700 tỷ đồng cho cả hai giai đoạn. Theo tìm hiểu, giá nước thô của Công ty cấp nước Sông Lam từ đó đến nay vẫn giữ nguyên 1.950 đồng/m3 trong khi giá nước sinh hoạt đã hai lần tăng bằng các Quyết định 37/2016 và Quyết định 41/2018 của UBND tỉnh Nghệ An.

Một khía cạnh khác, để xác định tổng mức đầu tư, Công ty cấp nước Sông Lam đã thuê Cty A&C kiểm toán độc lập công trình cấp nước thô và ký hợp đồng với Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng) thẩm tra quyết toán dự toán. Kết quả thẩm tra cả hai giai đoạn của dự án là trên 718 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT).

Liên quan đến nội dung này, khi được giao nhiệm vụ, Sở Tài chính Nghệ An đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước khu vực II vào kiểm toán công trình dự án Hệ thống cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại Tp Vinh của Công ty cổ phần cấp nước Sông Lam. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước khu vực II cho rằng dự án nêu trên sử dụng 100% vốn ngoài ngân sách Nhà nước nên không thuộc phạm vi của mình và đề nghị Sở Tài chính kiến nghị Công ty cấp nước Sông Lam thuê kiểm toán độc lập để quyết toán công trình. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được thì đến nay Sở Tài chính vẫn chưa được UBND tỉnh duyệt cấp ngân sách thuê kiểm toán độc lập theo đề nghị của Sở này.

Sử dụng nước sạch là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân. Vậy nhưng, những vấn đề liên quan đến việc “chấm dứt Thỏa thuận” và “kiểm toán công trình” chưa được làm rõ và giải quyết sớm đã khiến người dân lo ngại nguồn nước sạch sẽ bị ảnh hưởng.

Tác giả: Quang Trung

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP