Trong tỉnh

Ngăn chặn tình trạng lao động hết hạn tại Hàn Quốc không về nước

Tại Nghệ An, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế, ngăn chặn tình trạng lao động hết hạn tại Hàn Quốc không về nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Để chấm dứt tình trạng này cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chủ yếu là siết chặt khâu quản lý từ nước sử dụng lao động.

Huyện Nghi Lộc (Nghệ An) phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền người lao động tại Hàn Quốc về nước đúng hạn (ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh tư liệu: Kiều Anh

Lao động bất hợp pháp giảm, nhưng chưa chấm dứt

Năm 2020, toàn huyện Nghi Lộc (Nghệ An) có 299 người lao động Hàn Quốc hết hạn theo hợp đồng nhưng không về nước, cư trú và lao động bất hợp pháp. Theo bà Trần Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch UBND huyện, con số nói trên đã giảm 60 người so với năm 2019.

“Huyện đã thực hiện nhiều giải pháp như tuyên truyền vận động, ký quỹ, số lao động bất hợp pháp đã giảm, nhưng vẫn còn vượt ngưỡng. Nguyên nhân là địa phương không có thẩm quyền, chế tài xử lý, trong khi lao động vẫn có cơ hội thì họ vẫn ở lại” - Phó Chủ tịch huyện Nghi Lộc nói.

Năm 2021, cùng với huyện Nghi Lộc, Nghệ An có 2 địa phương nữa là thị xã Cửa Lò và huyện Nam Đàn cũng bị phía Hàn Quốc việc tạm dừng tuyển chọn lao động tham gia chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS) do có tỉ lệ cư trú bất hợp pháp cao.

Cụ thể là các địa phương nêu trên có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 28% trở lên và có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp từ 53 người trở lên.

Nghệ An hiện có số lao động làm việc nhiều nhất tại Hàn Quốc trên cả nước với khoảng 6.000 lao động. Địa phương cũng có nhiều lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Năm 2020, Nghệ An có huyện Nghi Lộc, TX.Cửa Lò, huyện Nam Đàn cũng bị tạm dừng xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Cụ thể, số lao động hết hạn ở Hàn Quốc không về nước quê ở huyện Nghi Lộc là 299 người, ở Nam Đàn là 153 và TX Cửa Lò là 204 người.

Tổng số 3 huyện có 656 người; cùng với 85 người của các huyện thị khác, tổng cộng 741 người. Con số này đã giảm nhiều so với năm 2019 (tổng số 2.288 người cư trú bất hợp pháp). Trong năm 2019, có đến 9 huyện, thành, thị của Nghệ An bị tạm dừng tham gia chương trình EPS, gồm Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, thị xã Cửa Lò, thành phố Vinh.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu phấn đấu đến trước năm 2023 toàn tỉnh không còn địa phương nằm trong danh sách tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS; giảm tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống mức tối thiểu dưới 30% theo bản thỏa thuận đã ký giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nói trên là không hề dễ dàng.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp là do tiền công lao động ở Hàn Quốc cao hơn nhiều so với Việt Nam.

Đồng thời, một bộ phận doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn sử dụng lao động bất hợp pháp do đội ngũ này đã thạo tiếng và thạo việc; việc kiểm tra, xử lý đối với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động bất hợp pháp và người lao động vi phạm chưa nghiêm. Ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm đối với cộng đồng của một bộ phận người lao động chưa cao.

Nhằm tạo cơ hội cho người lao động được đi làm việc tại Hàn Quốc, từ năm 2019, tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 539 về việc tuyên truyền, vận động giải quyết đối với người lao động Nghệ An đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng quy định, giai đoạn 2019 - 2023 và những năm tiếp theo.

Sở LĐTBXH Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị tuyên truyền cho lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn; thông báo danh sách những lao động cư trú bất hợp pháp hoặc sắp hết hạn hợp đồng trên đài truyền thanh địa phương và niêm yết danh sách tại trụ sở UBND xã, thị trấn, nhà văn hóa thôn, khối.

Phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền vận động cư trú bất hợp pháp hoặc sắp hết hạn hợp đồng về nước. Kết quả trong năm 2020, Nghệ An đã giảm số lượng các huyện, thành, thị bị tạm dừng tham gia kỳ thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS xuống còn 3 đơn vị, giảm 6 đơn vị so với năm 2019. Năm 2020, Sở LĐTBXH cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh xử lý tiền ký quỹ do bỏ trốn khỏi nơi làm việc của 160 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc với số tiền 16 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà quản lý đều thống nhất giải pháp căn cơ phải từ khâu quản lý lao động của Hàn Quốc.

Ông Hoàng Văn Phúc, Phó Chủ tịch thị xã Cửa Lò (Nghệ An) cho biết, ở thị trường Nhật Bản, do khâu quản lý nghiêm nên số lao động bỏ trốn rất ít, tại Hàn Quốc số lao động bỏ trốn nhiều hơn nhưng đã giảm dần do sự thắt chặt của các chế tài xử lý.

“Chỉ khi nước sử dụng lao động làm nghiêm khâu quản lý và xử lý vi phạm thì mới chấm dứt được tình trạng lao động bất hợp pháp” - ông Hoàng Văn Phúc nói.

Tác giả: QUANG ĐẠI

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP