Cuộc sống

Hải sản khô và nỗi lo an toàn thực phẩm

Bên cạnh những mặt hàng tươi sống, tại các khu chợ mặt hàng khô cũng khá phong phú. Mặc dù được bày bán không nhãn mác, không hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn làm thức ăn dự trữ của gia đình. Tuy ngon miệng nhưng ít ai biết sản phẩm mình mua có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không?

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Long Biên (Hà Nội)…các loại thủy hải sản khô (tôm, mực, cá…) và các loại nông sản khô (măng, nấm, mộc nhĩ) được bày bán tràn lan, đa dạng cả về mẫu mã và giá cả. Mực khô tùy số lượng con có giá dao động từ 400.000 – 700.000 đồng/kg, mực tẩm từ 500.000 – 600.000 đồng/kg; tôm khô có giá 200.000 đồng/kg – 1 triệu đồng/kg, các loại cá khô có giá 90.000 – 120.000 đồng/kg; măng, nấm khô có giá dao động từ 250- 400 ngàn/kg.

Đặc điểm chung của hầu hết các mặt hàng khô này đều không được đóng gói trong túi nilon, không có nhãn mác nên các “thượng đế” không phân biệt nơi sản xuất, hạn sử dụng, cách bảo quản…Đặc biệt, những mặt hàng khô này tiếp xúc trực tiếp với gió, bụi, bày bán hết ngày này qua tháng khác, thậm chí có thể để vài năm mà không bị ôi thiu, hư hỏng.

Tuy các thực phẩm khô có giá khá đắt đỏ nhưng người tiêu dùng khá thờ ơ trong việc kiểm tra chất lượng cũng như phân biệt các loại cá khô mới và cá khô đã để lâu. Nguồn gốc các loại cá khô này từ vùng biển nào, có bị ảnh hưởng do ô nhiễm không, những gia vị tẩm ướp là những loại nào? Dường như người tiêu dùng đều thờ ơ và mờ mịt. Hầu hết người mua hàng khô đều không thẩm định được chất lượng mà đánh giá chất lượng sản phẩm chủ yếu dựa trên sự tin tưởng và sự cam kết của người bán là chính.

Theo các chuyên gia, các loại động vật sau khi chết khoảng 1 giờ đã bị phân hủy, đạm bị phân hủy sẽ tạo ra một số loại chất độc, nếu bảo quản không tốt thì lượng chất độc này càng nhiều, tạo độc tố cao, con người ăn vào sẽ bị dị ứng. Chưa kể, trong quá trình phơi sấy, vi sinh, nấm mốc phát triển làm cho cá khô bị phân hủy, tạo ra “gói độc chất” rất nguy hiểm. Chất này có thể không gây dị ứng ngay lập tức nhưng có tác hại lâu dài trong 5 -10 năm sau, ảnh hướng đến các bộ phận trong cơ thể con người.

Tác giả bài viết: Phan Mơ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP