Giáo dục

Đừng làm khó người thầy

Ngày 2/2, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT là căn cứ pháp lý để các đơn vị thực hiện việc tuyển dụng giáo viên. Kể từ ngày 20/3/2021, khi thông tư có hiệu lực việc tuyển dụng giáo viên phải căn cứ vào các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp quy định và sẽ không quy định người đăng ký dự tuyển phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Giáo viên trường Tiểu học Phù Đổng, huyện Gia Lâm hướng dẫn học sinh ôn bài. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên các Thông tư này vẫn yêu cầu giáo viên các hạng có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Đối với Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập thì yêu cầu giáo viên hạng III như sau: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (đối với giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng)”. Đối với giáo viên hạng II thì yêu cầu: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II”. Giáo viên hạng I thì yêu cầu: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I”.

Như vậy giáo viên hạng nào muốn thăng hạng đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và khi chuyển lên hạng cao hơn lại phải đi học một chứng chỉ mới. Mà muốn có chứng chỉ này thì giáo viên phải đi học 10 chuyên đề gồm 240 tiết với đa số nội dung các thầy cô đều đã được học thời đại học, cao đẳng sư phạm. Bất cứ thầy cô giáo nào khi ra trường đều thuộc lòng 10 chuyên đề, trong đó Chuyên đề 1: Lí luận về nhà nước và hành chính nhà nước; Chuyên đề 2: Chiến lược và chính sách phát triển GD&ĐT; Chuyên đề 3: Quản lí giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

Chuyên đề 4: Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường; Chuyên đề 5: Tổ chức hoạt động dạy học xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường; Chuyên đề 6: Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên; Chuyên đề 7: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ; Chuyên đề 8: Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường; Chuyên đề 9: Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên; Chuyên đề 10: Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển.

Điều đáng bàn là nội dung học tập để có chứng chỉ này không khác so với những kiến thức mà giáo viên đã được đào tạo, được tập huấn hè hàng năm. Đó là chưa kể số tiền học phí từ 2 - 2,5 triệu đồng, cộng thêm 200.000 đồng tiền mua tài liệu chỉ để có được kiến thức đã nằm lòng.

Còn nhớ năm 2015, liên Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã ban hành các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23, 24/2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Những quy định này đã bộc lộ rất nhiều bất cập, khiến cho đội ngũ giáo viên, đối tượng điều chỉnh của văn bản gặp rất nhiều khó khăn. Trên diễn đàn Quốc hội, bất hợp lý trên đã được các đại biểu kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT cũng như các bộ, ngành liên quan.

Mới đây, trước những ý kiến của dư luận, Bộ GD&ĐT đã lắng nghe phản ánh từ cơ sở, của giáo viên trên toàn quốc để bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học thì Bộ cũng nên cân nhắc bỏ luôn quy định phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để không làm khó những người thầy, giúp họ yên tâm làm việc.

Tác giả: AN THANH

Nguồn tin: Kinh tế Đô thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP