Pháp luật

Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh tố cáo bà Phương Hằng: Luật sư phân tích những tình huống có thể xảy ra tiếp theo

Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh cùng một số người khác gửi đơn ra cơ quan công an là cách hành xử rất văn minh, phù hợp với quy định của pháp luật.

Đàm Vĩnh Hưng tố cáo bị miệt thị, nhục mạ, vu khống

Chiều 21/9, Công an TP. HCM đã tiếp nhận đơn của nhiều người tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam) về các hành vi "vu khống, làm nhục người khác và đưa hoặc sử dụng trái phép". Những người gửi đơn tố cáo gồm: ông Huỳnh Minh Hưng (tức ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh) cùng 3 người khác đều là nghệ sĩ.

Theo CAND đưa tin, trong đơn tố cáo của mình, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho rằng, trong thời gian qua, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng mạng xã hội phát sóng trực tiếp và sử dụng ngôn ngữ phản cảm, tục tĩu để xuyên tạc, chửi rủa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân, ca sĩ, diễn viên...

Bà Hằng cũng công khai chỉ trích và cáo buộc nhiều người lừa đảo, ăn chặn tiền từ thiện khi chưa có bất kỳ kết luận nào từ cơ quan có thẩm quyền về những cáo buộc trên.

"Ngoài ra, nội dung đơn tố cáo còn cho rằng bà Hằng đã công khai các thông tin bí mật đời tư, chuyện tình cảm, cuộc sống riêng và cả số tiền trong tài khoản ngân hàng của các cá nhân, ca sĩ, diễn viên mà bà Hằng có được từ những "giấc mơ" nhằm mục đích miệt thị, nhục mạ và dẫn dắt dư luận theo sự vu khống của mình.

Từ ngày 8/8 đến 28/8, bà Hằng đã nhiều lần livestream và nêu đích danh tên ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng...

Bà Hằng cũng ngang nhiên công khai hóa thông tin cá nhân của ông về giới tính, dùng những lời lẽ miệt thị để chà đạp và xúc phạm ca sĩ", tờ CAND cho biết.

Theo dõi vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp đánh giá, Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh cùng một số người khác gửi đơn ra cơ quan công an là cách hành xử rất văn minh, phù hợp với quy định của pháp luật.

"Tôi quan sát những thông tin trên mạng xã hội giữa nam ca sĩ, nghệ sĩ và nữ doanh nhân đang mâu thuẫn với nhau. Khi mâu thuẫn như vậy, hai bên lời qua tiếng lại và vu khống, bôi nhọ nhau thật không hay.... Việc này chỉ cơ quan điều tra vào cuộc mới xác định được rõ", luật sư nói và nhận định kết quả sẽ có bên đúng, bên sai hoặc cả hai bên đều có những dấu hiệu sai - đúng.

Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: F B.

Có nhiều trường hợp chủ động đi tố cáo nhưng lại bị xử lý hình sự!

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường cho biết, nhóm nghệ sĩ tố cáo nữ doanh nhân về các tội được quy định tại Bộ luật hình sự, trong đó có tội "vu khống; làm nhục người khác và đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông......". Chế tài xử phạt cao nhất với người phạm các tội danh này đến 7 năm tù.

Về quá trình giải quyết vụ án, ông Cường giải thích bắt đầu từ ca sĩ, nghệ sĩ gửi đơn tố cáo, quá trình gửi phải kèm theo căn cước công dân, chứng cứ như "bài viết, hình ảnh, thông tin" cho thấy có hành vi vi phạm..

Sau khi tiếp nhận, cơ quan công an sẽ thông báo đến Viện kiểm sát về quyết định thụ lý tin báo, đồng thời phân công điều tra viên. Từ đó, điều tra viên mới có thẩm quyền mời, triệu tập những người liên quan đến làm việc.

Trường hợp nào không đến, điều tra viên đến tận nơi gặp xác minh. Nếu cố tình né tránh có thể áp dụng các biện pháp hành chính hoặc tự xác minh. Khi có dấu hiệu vi phạm mà người bị tố cáo vẫn bỏ trốn thì cơ quan điều tra hoàn toàn có thể khởi tố theo quy định pháp luật để bảo vệ danh dự, úy tín cho công dân.

Mặt khác, luật sư cho rằng, trong trường hợp cơ quan điều tra thụ lý tin báo, tiến hành xác minh nhưng không khởi tố vụ án hình sự, vì xác định dấu hiệu chỉ vi phạm hành chính hoặc quan hệ dân sự, nhóm nghệ sĩ có quyền được khiếu nại. Thời hạn giải quyết vụ án được kéo dài tối đa 4 tháng.

Bàn về vấn đề Đàm Vĩnh Hưng khẳng định không "ăn chặn" từ thiện, luật sư Cường cho rằng, nếu nghi vấn hoặc có đơn thư tố giác của bất kỳ công dân nào liên quan đến khoản tiền gửi nghệ sĩ nhưng họ nghi ngờ không có sự "minh bạch", cơ quan điều tra có thể vào cuộc.

"Thời gian qua mạng xã hội đã quá rối ren với khái niệm 'ăn chặn từ thiện'. Tôi thấy, cơ quan điều tra nên chủ động vào cuộc thì tốt hơn. Nếu có bằng chứng nghệ sĩ nào kêu gọi từ thiện mà không phát hết số tiền đó, biển thủ từ 4 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự tội 'lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản'. Còn nếu xác định được việc đưa thông tin gian dối từ trước và chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu trở lên có thể bị xử lý hành vi 'chiếm đoạt tài sản'", luật sư phân tích.

Ông Cường cho hay, lịch sử tố tụng từng có nhiều trường hợp người chủ động đi gửi đơn tố cáo, sau khi cơ quan chức năng xác minh lại chính người chủ động này bị xử lý hình sự, vì họ tố cáo không đúng hoặc bản thân họ vi phạm pháp luật. Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý.

Tác giả: Hoàng An

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP