Thể thao

Cựu HLV xứ Nghệ: "Ở lò SLNA, không HLV nào dạy cầu thủ đá bậy, đá láo để đối thủ sợ"

Ngô Hoàng Thịnh vừa có pha vào bóng rất đáng quên, khiến Đỗ Hùng Dũng chấn thương. Vì sự việc này, lại có nhiều ý kiến chỉ trích hướng về lò đào tạo của SLNA.

Tại Việt Nam, nhiều cầu thủ của lò SLNA vẫn được biết đến với tinh thần chiến đấu rực lửa, kĩ thuật cao... nhưng đi kèm theo đó là không ít pha bóng quyết liệt quá mức cần thiết. Như mới đây, Ngô Hoàng Thịnh trong màu áo CLB TP.HCM đã có pha vào bóng xấu xí, khiến Đỗ Hùng Dũng của Hà Nội FC gãy chân.

Vì sự cố xảy ra giữa Hoàng Thịnh với Hùng Dũng, không ít người lại ta thán về lò đào tạo của SLNA. Nhiều người chỉ trích rằng lò bóng đá xứ Nghệ đã tạo ra không ít cầu thủ quá quyết liệt, thô bạo, để rồi làm các đồng nghiệp khác chấn thương nặng, thậm chí mất nghiệp.

Trước luồng dư luận này, chúng tôi đã đặt vấn đề với một cựu HLV xứ Nghệ, để xem quan điểm của ông về vụ Hoàng Thịnh - Hùng Dũng nói riêng, cũng như vấn đề va chạm, chấn thương liên quan tới các cầu thủ trưởng thành từ lò SLNA nói chung ra sao.

PV: Thưa ông, hiện có không ít luồng dư luận chỉ trích, thậm chí cáo buộc rằng ở lò SLNA, người ta dạy cầu thủ đá rắn trước cả yêu cầu chơi bóng đồng đội, cống hiến cho NHM và đá đẹp, điều này liệu có đúng?

Cựu HLV SLNA: Đây là một truyền thống của bóng đá SLNA. Vì tại đó họ đặt quyền lợi của CLB lên trên hết, và để cống hiến cho NHM một cách trung thực nhất. Đã thi đấu là hết mình. Để thi đấu hết mình thì có hai trường hợp.

Một là mình bị chấn thương. Có những trường hợp cầu thủ SLNA vào bóng không đúng, bị đối phương gài thì mình sẽ chấn thương. Đó là một việc bình thường.

Trường hợp hôm trước của Hoàng Thịnh với Hùng Dũng, Thịnh vào bóng rất căng. Nhưng không riêng Thịnh mà trước đó nhiều cầu thủ hai đội đều có động tác nguy hiểm.

Ngô Hoàng Thịnh giúp Đỗ Hùng Dũng cố định chân, nhưng tất cả đã muộn (Ảnh: Tú Anh).

Về SLNA, đã không đá thì thôi, đá thì hết mình, dưới màu cờ sắc áo của CLB. Nên các cháu đá hết sức. Tất nhiên trong bóng đá, có những trường hợp phạm lỗi. Nhưng đội bên kia cũng phạm lỗi nhiều chứ, đâu phải chỉ SLNA phạm lỗi. Đâu phải bên kia chỉ chơi bóng thôi.

Nếu xem lại băng ghi hình thì Hùng Dũng khi vào bóng cũng có phần quá đà, nên khi Hoàng Thịnh vào bóng thì Dũng chấn thương nặng.

Văn Sỹ Hùng thời thi đấu ở SLNA, có trận mới đá mấy phút thôi thì gãy chân và phải nghỉ mấy tháng. Cũng là do Hải Phòng bấy giờ, vào "Chảo lửa" SLNA thì họ cũng rắn. Nên có thể nói việc chấn thương xảy ra từ phía hai đội, chứ không phải chỉ vì SLNA hoặc các cầu thủ Nghệ An.

Vậy sau mỗi khi có cầu thủ xứ Nghệ chấn thương, hoặc làm người khác bị thương, thì những HLV ở lò SLNA thường nhắc nhở học trò ra sao, thưa ông?

Cầu thủ SLNA khi thi đấu, đã được đào tạo về tinh thần máu lửa. Nhưng trình độ về kĩ thuật tranh cướp, đôi khi còn vướng mắc. Nhưng cũng phải xem cả đối phương. Ví dụ trường hợp Hùng Dũng cũng vào quá đà, chúng ta nhìn thì thấy vậy, cậu ấy lao ào vào, cùng lúc Hoàng Thịnh vào bóng, nên va chạm với nhau.

Trên thế giới cũng có những trường hợp như thế và dẫn tới chấn thương nặng. Không phải nói như vậy để trốn tránh trách nhiệm với Hùng Dũng. Nhưng thực tế chấn thương cũng từ hai phía.

Đỗ Hùng Dũng trong bệnh viện (Ảnh: Tú Anh).

Những năm gần đây, nhiều cầu thủ xứ Nghệ liên quan tới các pha chấn thương nặng, vậy theo ông bóng đá xứ Nghệ có cần thay đổi gì không?

Khi có cầu thủ chấn thương, thường số đông sẽ ngả về người bị chấn thương nhiều hơn người gây ra chấn thương. Trong bóng đá, chấn thương là từ hai phía chứ không phải một phía. Nếu Hùng Dũng vào bóng nhẹ nhàng hơn, có lẽ cậu ấy đã không bị gãy chân như vậy. Nói vậy để thấy đây là trường hợp hiếm.

Như Văn Sỹ Hùng ngày xưa, chỉ vài phút, mà đá khai mạc V.League tại sân Vinh, cũng đã bị gãy chân như thế. Văn Sỹ Hùng sau đó cũng phải nghỉ vài tháng. Văn Sỹ Hùng cả đời có bao giờ đá láo đâu. Mà cậu ấy cũng mang tiếng đá ở SLNA, thế này thế kia, nhưng cậu ấy có gì đâu?

Cần phải nói là, bên Hùng Dũng cũng cần xem xét lại cách chơi nữa. Tranh cướp như thế, bản thân anh cũng từng chấn thương nhiều lần, phải nghỉ nhiều lần… Anh cũng là người đá hết mình, hết sức để tranh cướp, lấy bóng… nhưng động tác kĩ thuật vào bóng, đừng để góp phần gây ra chấn thương cho mình.

Hoàng Thịnh vào bóng như thế, nếu Hùng Dũng biết cách ứng phó thì có lẽ không tạo thành chấn thương nặng thế đâu.

Hoàng Thịnh lên xe cứu thương xin lỗi Hùng Dũng (Ảnh: Contras Hà Nội).

Vậy thưa ông, sau mỗi trận đấu mà có chấn thương nặng cho cầu thủ xứ Nghệ, hay đội bạn thì các HLV xứ Nghệ thường phản ứng thế nào?

Trong công tác đào tạo của SLNA, người ta không đào tạo cầu thủ vào là đá bậy, đá láo, đá rắn để đối phương sợ đâu. Cũng không phải nói ở Chảo lửa của SLNA thì phải đá dũng mãnh, quyết liệt. Không phải như thế.

Ở đấy có thể có nhiều trường hợp chấn thương, nhưng nhiều khi là do tự cầu thủ chứ không phải do đối phương. Do bản thân vào bóng không hợp lý nên chấn thương.

Các thầy giáo ở lò SLNA đã phân tích rồi dạy các cháu. Trong các trường hợp lấy bóng thì phải có tính kĩ thuật, không được để gây ra chấn thương cho đối phương cũng như bản thân mình. Các HLV ở lò SLNA đã đề xuất và dạy điều đó.

Còn về tinh thần, đây là môi trường bóng đá rất quyết liệt. Bản thân cầu thủ yêu bóng đá, yêu nghề nghiệp và đá vì màu cờ sắc áo trước khán giả ở Vinh chẳng hạn, hoặc nơi khác. Vì thế khi các cầu thủ xứ Nghệ đá, thì đôi khi vô tình khiến đối phương hoặc bản thân chấn thương, đó là điều rất đáng tiếc. Chứ không HLV nào lại bắt các cháu phải đá bậy bạ đâu.

Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Tác giả: Đoàn Dự

Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP