Kinh tế

Các tỉnh rục rịch khởi động du lịch

Đà Nẵng đăng cai Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022 trong khi TP.HCM, Hà Giang hay Tây Ninh... cũng đẩy nhanh xúc tiến các chương trình du lịch.

2021 là một năm đặc biệt với ngành du lịch TP.HCM. Đây sẽ là năm đầu tiên Ngày hội du lịch TP được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Mặc dù vậy, với thời gian diễn ra kéo dài một tháng từ 27/11-27/12, TP.HCM vẫn kỳ vọng hoạt động này sẽ góp phần hỗ trợ phục hồi ngành du lịch.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng, thành phố đã chuẩn bị những yếu tố, điều kiện an toàn cho quá trình phục hồi này.

"Hiện tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 2 cho người dân, doanh nghiệp du lịch đạt khoảng 72%, hạ tầng y tế và các bộ tiêu chí an toàn, các phương án, quy trình xử lý những tình huống phát sinh cho kịch bản phục hồi đều đã được kích hoạt", bà nhấn mạnh.

Do đó, từ cuối tháng 9, hàng loạt tour tri ân lực lượng y tế đã được triển khai tại các "vùng xanh" Cần Giờ và Củ Chi, vừa để bày tỏ tấm lòng của thành phố, vừa là bước khởi đầu để tái hoạt động du lịch.

Là một trong những doanh nghiệp lữ hành hưởng ứng chiến dịch khởi động này, TST Tourist cho biết sau tour du lịch cho 108 y, bác sĩ tuyến đầu hôm 13/10, hàng loạt tour vùng xanh dành cho doanh nghiệp, đoàn thể khác cũng đang sẵn sàng lên đường.

"Nhiều khách hàng gia đình, đoàn thể và doanh nghiệp đã liên hệ đặt tour từ hôm qua, trong đó Cần Giờ (TP.HCM), Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh vùng xanh khu vực Tây Bắc đang có dấu hiệu hút khách", ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Truyền thông TST Tourist - cho biết.

108 y, bác sĩ tuyến đầu vừa tham gia tour du lịch Củ Chi sáng 13/10. Ảnh: TST Tourist.

Thực tế, không chỉ TP.HCM mà các tỉnh, thành khác cũng đang tích cực chuẩn bị để khởi động du lịch sau đợt dịch thứ 4. Theo ông Võ Đức Trong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực đối với quá trình phục hồi của ngành du lịch. Do đó, ông kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác, khai thác thị trường du lịch Tây Ninh theo nguyên tắc "an toàn tới đâu, mở cửa đến đó".

Ông Võ Đức Trong mới đây đã có buổi làm việc với bà Phan Thị Thắng về liên kết phục hồi du lịch giữa 2 địa phương. Theo đó, hai bên thống nhất tái khởi động các chương trình du lịch an toàn, khép kín, có tính liên kết vùng đến Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen từ ngày 16/10.

Đầu tháng 11, tùy tình hình dịch bệnh, hoạt động du lịch sẽ tiếp tục mở rộng đến các tuyến, điểm khác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đặc biệt là chương trình du lịch ẩm thực chay đặc trưng dự kiến khai trương vào ngày 15/10 âm lịch.

Trong khi đó, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã sớm có buổi làm việc trực tuyến với Vietravel về xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch trở lại trong giai đoạn bình thường mới.

Theo đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hãng lữ hành triển khai các hoạt động xúc tiến và tổ chức tour an toàn, dự kiến có đường tour 5 ngày 4 đêm khắp TP.HCM - Hà Nội - Hà Giang - Vị Xuyên - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Lũng Cú - Đèo Mã Pì Lèng.

Còn với Đà Nẵng, việc phục hồi du lịch phải gắn với hàng không. Do đây là hai ngành đóng góp lớn cho sự phát triển của Đà Nẵng, nên việc quy hoạch và phát triển các tuyến đường bay là một trong những công việc quan trọng nhất trong việc tái khởi động và phục hồi nền kinh tế thành phố này sau đại dịch.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết thành phố sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022 (Routes Asia 2022) với sự đồng hành của IPP Travel Retail (thành viên của IPPG) và Informa Routes (Anh) từ ngày 6-8/6/2022.

"Đây là cơ hội quý giá để quảng bá hình ảnh năng động, thân thiện, mến khách của thành phố, đồng thời cũng là sự kiện xúc tiến các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, góp phần phục hồi kinh tế, đặc biệt là du lịch", ông nhìn nhận.

Theo các địa phương và doanh nghiệp, việc nối lại các đường bay nội địa trong thời gian tới sẽ góp phần lớn vào quá trình phục hồi ngành du lịch.

Tác giả: Lan Anh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP