Du lịch

Lễ hội Đền Vua Mai - Nét văn hóa tâm linh của người Nam Đàn

Với ý nghĩa là lễ hội mở màn cho mùa hoạt động lễ hội hàng năm ở Nghệ An, vào dịp rằm tháng giêng, người dân khắp nơi lại nô nức về Nam Đàn tham dự lễ hội Đền vua Mai, với nhiều hoạt động đặc sắc, sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa vùng quê xứ Nghệ.

>>Nam Đàn sẵn sàng cho Lễ hội Đền Vua Mai 2017
1canh+den+vua+mai
( Khu lăng mộ Vua Mai )

Lễ hội Đền Vua Mai là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được tổ chức hàng năm nhằm ôn lại khí thế hào hùng của cuộc Khởi nghĩa Hoan Châu, đánh bại quân xâm lược phương Bắc, xây dựng nước Vạn An độc lập vào đầu thế kỷ thứ VIII. Để tưởng nhớ công đức Vua Mai và các tướng lĩnh của Ngài, nhân dân Nam Đàn đã lập đền thờ, chăm sóc phần mộ của Thân mẫu Vua Mai cùng các tướng lĩnh tại các di tích thuộc xã Nam Thái, Vân Diên và thị trấn Nam Đàn. Hằng năm, bắt đầu từ ngày 13 - 15 tháng Giêng, lễ hội Đền vua Mai lại được long trọng tổ chức, thu hút hàng vạn người về trẩy hội.
2ANH+1
( Khu lăng mộ Vua Mai )
3LE+IET+CAO+3
( Đền thờ Vua Mai ở thị trấn Nam Đàn )

Bà Nguyễn Thị Quế, xóm Vạn An, xã Vân Diên, Nam Đàn tâm sự: “Lễ hội Đền Vua Mai luôn thu luôn thu hút đông đảo già trẻ, trai gái tham gia. Người ở xa thì thu xếp công việc để kịp về, người ở đây thì chuẩn bị tham gia các hoạt động của lễ hội như hội trại, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên... Riêng gia đình chúng tôi, tôi luôn thúc dục con đưa các cháu đi xem các nghi lễ truyền thống, cảm giác thật sự rất linh thiêng, đó nét đẹp truyền thống của Lễ hội Đền Vua Mai cần gìn giữ”.

Thời điểm trước và sau tết, UBND huyện Nam Đàn đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, các địa phương có di tích gấp rút chuẩn bị cho Lễ hội. Đặc biệt từ ngày mùng 10 âm lịch các tổ chức đoàn thể thuộc 4 xã có di tích cùng các trường học trên địa bàn đã ra quân giải tỏa hành lang các tuyến đường dẫn vào các di tích, tổ chức tổng dọn vệ sinh, trang trí cờ hoa, pa nô, áp phích, tạo không khí rộn ràng vui tươi trước thềm lễ hội. Đến ngày 13 âm lịch, các quầy hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng Nam Đàn, Hội trại thanh niên đã hoàn tất. Các chương trình văn hóa văn nghệ, hoạt động TDTT, trò chơi dân gian đã được triển khai theo kế hoạch.

4ANH+5
( Thi đấu vật tại lễ hội Vua Mai )
5le+ruoc+nuoc+1
( Lễ rước nước )
6le+ruoc+nuoc+2
( Lễ rước nước )
7HOI+THI+NGUOI+DEP+SA+NAM
( Hội thi người đẹp tại lễ hội đền Vua Mai )

Vấn đề này bà Lê Thị Hoa, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa thông tin huyện Nam Đàn cho biết: “Ngay từ trước tết Trung tâm văn hóa đã hướng dẫn và chỉ đạo cơ sở nơi diễn ra lễ hội Vua Mai thực hiện tốt các lễ hội truyền thống cũng như là triển khai các màn múa rồng, múa lân, chương trình văn nghệ để chào mừng Lễ hội Đền Vua Mai”.

Lễ hội đền vua Mai năm 2017, ngoài các nghi thức mang đậm nét văn hóa tâm linh như: lễ rước nước, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước kiệu, lễ đại tế, lễ dâng hương tưởng niệm, lễ thả đèn hoa đăng và lễ tạ thì phần hội cũng sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức ở 3 địa điểm chính là sân đền thờ Vua Mai, Khu lăng mộ Vua Mai và sân mộ mẹ Vua Mai như: Cắm trại, Đấu vật, đu tiên, cờ thẻ, chọi gà, đẩy gậy, thi đấu bóng chuyền, liên hoan Dân ca Ví, Giặm, Ông đồ cho chữ đầu xuân v.v… Với những hoạt động đầy ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, Lễ hội sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương xứ sở cho thế hệ trẻ, đồng thời khôi phục lại các tục lễ cổ truyền mang màu sắc dân gian truyền thống của dân tộc.

8THI+CHOI+GA
( Hội thi chọi Gà )
9THA+DEN+HOA+DANG+2
( Thả đèn Hoa Đăng tại lễ hội Đền Vua Mai )
10DUA+THUYEN+LAI
( Hội thi đua thuyền )
11ANH+MUA+RONG+LAN
( Màn múa Rồng, Lân tại lễ hội đền Vua Mai )
12CAM+TRAI+1
( Hội thi cắm trại )

Ông Nguyễn Thiện Dũng-Trưởng phòng văn hóa huyện Nam Đàn cho biết: “Có thể khẳng định, Lễ hội Đền vua Mai đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân. Bởi vậy, những năm qua Ban tổ chức Lễ hội đã rất nỗ lực trong việc khôi phục những hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống để mỗi người và du khách biết trân trọn, gìn giữ những giá trị văn hoá của cha ông ta để lại. Về với Lễ hội Vua Mai trong lòng của mỗi du khách không chỉ nhớ Vua Mai Hắc Đế mà còn thể hiện truyền thống trọng nghĩa, hiếu khách của người dân quê Bác.”

Việc tổ chức thành công Lễ hội Vua Mai năm 2017 không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, giáo dục truyền thống yêu nước, sự tri ân của nhân dân trong vùng đối với công đức của Vua Mai và các tướng lĩnh, nghĩa quân đã anh dũng hy sinh bảo vệ nền độc lập dân tộc mà còn là hoạt động mở màn cho mùa lễ hội của Tỉnh Nghệ An, là dịp để Nam Đàn nói riêng, Nghệ An nói chung quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của xứ Nghệ với muôn khách thập phương./.

Đài TT-TH Nam Đàn thực hiện

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP