Du lịch

10 ngôi đền cổ lớn nhất thế giới

Những ngôi đền cổ cùng lối kiến trúc độc đáo và giá trị lịch sử lâu đời luôn là điểm đến hấp dẫn du khách.

Đền Baalbek ở Lebanon còn được gọi là Heliopolis (thành phố Mặt trời). Đây là khu bảo tồn La Mã cổ đại lớn nhất. Trong suốt hơn 200 năm kể từ thế kỷ 1 TCN, người La Mã đã xây dựng 3 ngôi đền Jupiter, Bacchus, Venus làm nơi thờ cúng các vị thần La Mã. Những ngôi đền này tạo thành quần thể đền lớn nhất trong đế chế La Mã. Đặc biệt, đền Jupiter được bao quanh bởi 54 cột đá hoa cương khổng lồ cao 20 m, đường kính khoảng 2 m. Hiện ngôi đền này chỉ còn lại 6 cột. Đền Bacchus là ngôi đền được bảo tồn tốt nhất với 19 trong số 42 cột đá Corinth còn tồn tại. Ảnh: Agriculture Foundation of Santa Barbara.

Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Độ tọa lạc bên bờ sông Moskva gần điện Kremlin (Nga), là một trong những nhà thờ Chính thống giáo cao nhất thế giới thế giới, lên tới 130 m. Nhà thờ được vua Tsar Alexander I cho xây dựng nhằm tưởng nhớ những người lính đã chiến đấu và hy sinh trong Chiến tranh Ái Quốc năm 1812. Tuy nhiên, phải đến năm 1839 việc khởi công mới được chính thức tiến hành. Năm 1990, Giáo hội Chính Thống Nga xây dựng lại nhà thờ chính tòa. Quá trình tái thiết hoàn thành vào năm 2000, nhà thờ mới được xây dựng dựa trên thiết kế ban đầu nhưng sử dụng vật liệu xây dựng hiện đại. Ảnh: Russia Beyond.

Đền thờ Thánh Sava tọa lạc trên cao nguyên Vračar (Serbia) là nhà thờ Chính thống giáo lớn nhất thế giới. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1895 để thờ Thánh Sava, người sáng lập nhà thờ Serbia. Tuy nhiên phần lớn cấu trúc chính của ngôi đền được hoàn thiện vào năm 2004, mãi đến năm 2018 các phần trang trí nội thất mới được hoàn tất. Đền thờ có chiều cao xấp xỉ 82 m, với sức chứa lên tới 10.000 người. Trên đỉnh mỗi mái vòm còn được gắn những cây thánh giá dát vàng với chiều cao lên đến 12 m. Ảnh: Flickr.

Đền Tikal IV nằm giữa khu rừng nhiệt đới phía Bắc Guatemala, là tàn tích của thành phố Maya cổ với 100.000-200.000 người sinh sống vào những năm 200-900 SCN. Đền Tikal IV được xây dựng vào khoảng năm 720 SCN, là công trình cao nhất trong số 6 kim tự tháp ở khu di tích Tikal với độ cao 72 m. Công trình này còn là cột mốc đánh dấu sự trị vì của Yik'in Chan K'awiil, vị vua thứ 27 của triều đại Tikal. Ảnh: Odyssey Traveller.

Jetavanaramaya là bảo tháp lớn nhất thế giới thuộc di tích tu viện Jetavana, thành phố cổ đại Anuradhapura (Sri Lanka). Công trình được vua Mahasena cho xây dựng vào thế kỷ 3 SCN, là biểu tượng của hệ tư tưởng tôn giáo đối lập. Tháp Jetavanaramaya có chiều cao 122 m. Công trình được hoàn tất trong vòng 15 năm với hơn 93,3 triệu viên gạch nung được sử dụng. Ảnh: The Miracle Island.

Quần thể đền Sri Ranganathaswamy tại thành phố Srirangam (Ấn Độ) là nơi thờ phụng thần Ranganatha (hiện thân của thần Vishnu). Đền Sri Ranganathaswamy được hoàn tất xây dựng vào năm 1987, là một trong những ngôi đền lớn nhất thế giới với diện tích 631.000 m2 và cao 73 m. Bản thân công trình là biểu tượng của phong cách kiến trúc Dravidian độc đáo. Công trình đầu tiên trong quần thể có niên đại khoảng 700 năm. Ảnh: Ramyas Hotels Trichy.

Đền Akshardham tọa lạc bên bờ sông Yamuna (Ấn Độ) là tổ hợp đền - tháp Hindu bằng đá kỳ vĩ nhất của Ấn Độ. Công trình được tổ chức tôn giáo phi lợi nhuận BAPS đầu tư xây dựng vào cuối năm 2000, hoàn tất vào năm 2005. Ngôi đền được ngài Pramukh Swami Maharaj khởi xướng xây dựng, người đứng đầu hiện tại của đạo Hindu Swaminarayan. Ngôi đền được bao phủ từ trên xuống dưới với các chi tiết chạm khắc tinh xảo về động thực vật, vũ công, nhạc sĩ và các vị thần. Đặc biệt, công trình được xây hoàn toàn từ đá sa thạch hồng Rajasthani, đá cẩm thạch Carrara của Ý và không sử dụng thép hoặc bê tông trong quá trình xây dựng. Ảnh: Akshardham.

Đền Borobudur tọa lạc tại đảo Java (Indonesia) là đền thờ Phật giáo lớn nhất thế giới. Công trình được xây dựng trong vòng 75 năm vào thế kỷ 8-9 dưới triều đại Sailendra. Đặc biệt, cấu trúc ngôi đền được chia thành ba phần từ thấp đến cao, tượng trưng cho 3 cảnh giới của Ta Bà là Dục giới (kamadhatu), Sắc giới (rupadhatu) và Vô sắc giới (arupadhatu). Trên các vách đá tầng thấp nhất là những điêu khắc mô tả cảnh tượng tội lỗi và các loại chúng sinh, còn tầng cao nhất của đền khắc họa sự tích của Đức Phật. Theo ước tính, hơn 2 triệu tảng đá đã được sử dụng xuyên suốt quá trình xây dựng đền. Trên đỉnh đền là một bảo tháp với mái vòm đặt chính giữa có chiều cao hơn 35 m tính từ mặt đất. Ảnh: Best Indonesia Travel Destination.

Đền Karnak là quần thể đền cổ lớn nhất trên thế giới, tọa lạc tại thành phố cổ Thebes, kinh đô cũ của Ai Cập. Karnak được xây dựng liên tục bởi khoảng 30 vị Pharaoh nối tiếp nhau. Đây là nơi người Ai Cập thờ thần Amun-Re (thần Mặt Trời), Montu (thần chiến tranh), Mut (vợ thần Mặt trời) và các vị vua Pharaoh. Mỗi Pharaoh đều muốn đặt dấu ấn của mình vào đền Karnak bằng những nét kiến trúc khác nhau. Một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất của Karnak là hội trường Hypostyle với diện tích 5.000 m2, sở hữu 134 cột lớn cao 24 m xếp thành 16 hàng chống đỡ một mái đền hiện đã bị đổ. Ảnh: Home Skool Resources.

Quần thể đền Angkor Wat là di tích lịch sử còn sót lại từ cố đô Angkor (Campuchia) của đế chế Khmer (thế kỷ 9-15 SCN), được UNESCO công nhận là một trong 7 kỳ quan thế giới. Angkor Wat được xây dựng bởi vua Suryavarman II vào đầu thế kỷ 12 để thờ thần Vishnu với diện tích trải dài hơn 400 km2. Quần thể đền Angkor Wat là nơi thờ các vị thần trong truyền thuyết Ấn Độ giáo, mang nét đặc trưng của kiến trúc đền - núi với những dãy hành hang dài và hẹp. Nơi đây tượng trưng cho núi Meru, quê hương của các vị thần. Vào cuối thế kỷ 12, công trình dần chuyển thành đền thờ Phật giáo do sự du nhập và phát triển mạnh của đạo Phật. Ảnh: Big 7 Travel.

Tác giả: Hải Triều

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP