Trong tỉnh

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát tại huyện Quỳ Hợp

Ngày 18/2, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã làm việc với UBND huyện Quỳ Hợp về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018.

Đoàn do đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm trưởng đoàn.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phan Giang

Huyện Quỳ Hợp có 3 dân tộc, trong đó hơn 53% là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, thông qua các nguồn hỗ trợ từ Chương trình 135 của Chính phủ, huyện đã tích cực lồng ghép các chương trình, chính sách nhằm đạt mục tiêu mỗi năm giảm khoảng 2-4% tỷ lệ hộ nghèo.

Giai đoạn 2012-2018, toàn huyện đã huy động hơn 366 tỷ đồng nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn gần 14%.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp đã đề xuất với đoàn một số nội dung như: tăng thời gian, hỗ trợ nguồn lực đầu tư thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025; giảm dần việc hỗ trợ trực tiếp nhằm hạn chế tư tưởng chông chờ, ỷ lại vào chính sách giảm nghèo của Nhà nước, giúp người dân chủ động tìm hướng thoát nghèo…

Đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Phan Giang

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội biểu dương những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện miền núi Quỳ Hợp đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2018.

Đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện cần chỉ đạo thống nhất, quyết liệt hơn nữa đối với các chính sách giảm nghèo; tập trung phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu lao động phối hợp lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, tránh chồng chéo và huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Huyện cần có kế hoạch hỗ trợ người nghèo, cận nghèo về đất đai, giống, kỹ thuật đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản; thường xuyên đánh giá hiệu quả chương trình giảm nghèo để có những đề xuất điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Căn cứ nội dung giám sát lần này, đoàn sẽ đề xuất những kiến nghị của huyện với Quốc hội.

Tác giả: Phan Giang

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP