Thể thao

Trước trận chung kết U23 Việt Nam- Uzbekixtan: Luận bàn thời, thế và anh hùng

Lập kỳ tích cho bóng đá Việt Nam. Làm sáng đẹp thêm hình ảnh, vị thế đất nước, con người Việt Nam.

Họ xứng đáng Anh hùng với hai chữ viết hoa khi tạo nên kỳ tích lịch sử cho bóng đá Việt Nam trên đấu trường châu lục mà thế hệ cầu thủ cha anh chưa làm được; khi họ tự tin trình diễn thứ bóng đá đẹp và sạch, chinh phục những đội bóng anh tài thuộc hàng mạnh nhất châu Á.

Họ xứng đáng là Anh hùng vì lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, có một đội tuyển hoàn hảo về mọi phương diện: Bản lĩnh hơn người, kỹ thuật điêu luyện, chiến thuật biến hóa, thể lực sung mãn và phông văn hoá dầy dặn.

Họ xứng đáng là Anh hùng vì tạo nên cơn địa chấn trong làng bóng đá châu lục và kích hoạt niềm vui, niềm tự hào, gắn kết con người với con người...

Hơn thế, họ tạo ra thời và thế mới cho bóng đá Việt Nam.

Ủ quân chờ thời...

Họ là sản phẩm của thời và thế. Thời thế tạo nên anh hùng.

Anh hùng đâu phải ngày một ngày hai mà nên.

Thuở trước, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn phải mười năm “nếm mật nằm gai”, mộ binh hội tướng, chiêu hiền đãi sĩ, khi thời cơ đến mới “đánh một trận sạch không kình ngạc”, “đánh hai trận tan tác chim muông”, khiến “ngói tan”, “trúc chẻ”, tướng giặc Minh ôm đầu xin tha mạng.

Bóng đá chuyên nghiệp cũng thế.

Từ cả chục năm trước, ông Đoàn Nguyên Đức Hoàng Anh Gia Lai đã mời thầy mở trường đào tạo bóng đá trẻ mang tên Học viện JMG, chiêu mộ, tuyển lựa tài năng ở độ tuổi măng non từ mọi miền đất nước. Tiếp theo là các trung tâm đào tạo T&T, Viettel, VFF... Đây là bước khởi đầu “ủ quân”. Quân “ém” ngay các học viện, trung tâm huấn luyện, câu lạc bộ, rất giống kế sách “ngụ binh ư nông” của ông cha từ thời Đinh, Lê. Không chỉ dạy đá bóng theo cách của một cầu thủ chuyên nghiệp, còn dạy văn hoá, dạy đối nhân xử thế. Lại được thử sức trui rèn qua các giải đấu theo lứa tuổi, từ trong nước đến quốc tế. Phải kể đến công của Báo Thanh Niên khi duy trì Giải bóng đá U21 quốc tế thường niên, tạo “thao trường”, mượn “quân xanh” cho “chiến binh” trẻ trổ tài, thử sức. Các ông thầy Hoàng Anh Tuấn (U19), Miura, Nguyễn Hữu Thắng (U23) đã bỏ nhiều công sức rèn chiến thuật, thắp lửa đam mê, thổi bùng khát vọng chiến thắng trong trái tim các chàng trai-“chiến bình” của chúng ta.

Thiên thời, địa lợi, nhân hoà...

Tuyển U23 Việt Nam gặp thời như thế nào?

Thi đấu khá thành công ở vòng bảng, có được tấm vé vào vòng chung kết U23 châu Á, mở ra cơ hội cho U23 Việt Nam. Vòng chung kết là thời cơ lớn cho thầy trò tuyển Việt Nam.

Trước khi bước vào vòng đấu, lại có giải M150 quốc tế Thái Lan, dành cho lứa U23.

Đó là thiên thời.

Các tuyển thủ của chúng ta được nuôi dưỡng, đào tạo trong các trung tâm huấn luyện bóng đá trẻ một cách tử tế, bài bản, lớp lang, lại được thi đấu cọ xát thường xuyên, ngày một trưởng thành, đấy là địa lợi.

Thuận cơ trời không bằng gặp địa lợi, được địa lợi không bằng thuận lòng người. Binh pháp Tôn Tử dạy thế.

Vào thời điểm trước, trong vòng chung kết U23 châu Á, yếu tố nhân hoà, không thời nào hơn.

Lứa cầu thủ đầu tiên của các lò đào tạo vừa vào độ chín, tâm thế tự tin, chững chạc, biết mình biết người.

Ông Đoàn Nguyên Đức hào phóng, mát tay, cùng Liên đoàn bóng đá nước nhà vượt lên mọi ì xèo, lời ong tiếng ve, thỉnh được quân sư ngoại xứng đáng. Ông thầy Park Hang Seo xứ kim chi “kỳ hình dị tướng” mà cao mưu, thuật dùng binh, chế trận biến hoá khôn lường. Ông có “con mắt xanh” tuyển chọn được dàn “chiến binh” ưng ý nhất, lại nhìn rõ sở trường sở đoản từng cầu thủ, thổi vào họ niềm đam mê và nỗi khát khao chiến thắng.

Sau bao nhiêu năm nuôi khát vọng chinh phục đỉnh cao, có lúc thành công, nhiều khi thất bại, giờ là lúc người hâm mộ nước nhà đặt nhiều kỳ vọng lứa tuổi tráng niên làm nên sự nghiệp.

Lại gặp buổi đất nước khởi sắc, lửa diệt trừ tham nhũng rực hồng, dương khí tràn trề, lòng người phấn chấn, các “chiến binh” càng thêm hăng hái lập công.

Đấy là nhân hoà vậy.

Gặp thời, tạo thế...

Rực rỡ cờ hoa mừng chiến thắng của U23 Việt Nam trước Qatar. Ảnh: Trần Thường

Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam có được đội tuyển U23 hoàn hảo về nhiều phương diện như bây giờ. Nổi trội, phải kể đến phông văn hoá dầy dặn, nhìn vào là thấy rõ đó là những trí thức- người có học chơi bóng. Biết tự trọng và biết tôn trọng. Tự trọng để đá hay đá đẹp, loại bỏ thứ bóng đá xấu xí, tiểu xảo. Tôn trọng đối thủ, trọng tài, tôn trọng khán giả. Biết chấp nhận thực tế nghiệt ngã, may rủi để chủ động hoá giải.

Vào trận, U23 Việt Nam biết ủ quân, ủ mưu chờ thời và liên tiếp gặp thời.

Truyền thông đánh giá U23 Việt Nam thuộc “chiếu dưới”. Cầu thủ chúng ta phần đông nhỏ con, thấp, bé, nhẹ cân. Trận đầu tiên thua sát nút U23 Hàn Quốc...Những điều tưởng bất lợi đó, lại chuyển hoá thành có lợi, khi đối thủ cân đo, dễ bề khinh suất.

Ông thầy Park Hang Seo như vị phù thủy, đọc trận đấu và sử dụng cầu thủ như thần, biết ta biết người, tuỳ thời mà thay đổi chiến thuật, đấu pháp, thay người. Cũng có khi “dùng đoản binh chế trường trận”, sử dụng lối chơi bóng nhỏ, bật tường, chủ động cầm bóng, kéo giãn đội hình đối phương, tìm cơ hội. Cũng có những khoảnh khắc chuyền bóng dài, vượt tuyến, xẻ nách, đánh biên, đua tốc độ, thậm chí không ngại ngần đột phá khu trung lộ. Qua mỗi trận, lại tích lũy thêm thế và lực mới, mở ra cơ hội mới. “Không biết đội tuyển Việt Nam sẽ còn đi đến đâu nữa”...Sau trận thắng nghẹt thở Qatar, thầy Park đã nói thế.

Các cầu thủ- những nhân vật trung tâm làm thay đổi thời thế- một tập thể gắn kết, đầy tính kỷ luật mà cũng đầy ngẫu hứng, sáng tạo. Đột biến, xoay chuyển tình thế là ở đấy. Ai cũng có cơ hội, ai cũng có thể lập công. Cầu thủ vào sân từ đầu trận hay từ băng ghế dự bị, đều hay mọi nhẽ, không chỉ tròn vai, mà đều đạt trên 100% phong độ, khi có thời cơ là gắng sức lập công hoặc hỗ trợ đồng đội lập công. Trận Hàn Quốc, Công Phượng (số 10), nhả bóng, Quang Hải (19) ra chân, thành bàn thắng. Trận Iraq, Xuân Trường (số6) đặt đường chuyền, Đức Chinh (số 13) đánh đầu, xé lưới đối phương! Hay nhất, khi bị trọng tài xử ép hay đối phương chơi xấu, không ai nổi nóng hay ăn thua, đòi ăn miếng trả miếng. Khi bị dẫn bàn trước, không nóng vội hay buông xuôi. Phút 88 Quang Hải(19) còn lập công, san bằng tỉ số, “dẫn” “ông lớn” Qatar vào màn sút luân lưu 11m nhói tim!

Biến thách thức thành cơ hội, biến cơ hội thành chiến công, là đây.

Không quên nhắc tới nhân vật “cập thời vũ”- “nhà tiên tri”- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tối 17/01, ngay sau khi đội nhà hòa Xyria 0-0, tiến vào vòng bán kết, Thủ tướng gửi ngay thư khen, chúc mừng động viên huấn luyện viên và toàn đội. Chiều 23/01, ngay khi U23 Việt Nam thắng Qatar bằng đá luân lưu trên chấm 11m, ông gọi điện trực tiếp cho Tổng Thư lý Liên đoàn bóng đá Lê Hoài Anh đang có mặt tại Trung Quốc, thể hiện tình cảm nồng ấm của người đứng đầu Chính phủ trước tài cầm quân của ông Park Hang Seo và tinh thần thi đấu đầy quả cảm, bản lĩnh hơn người của cầu thủ. Trước đó, tối 20/01, sau trận Việt Nam thắng Iraq, Thủ tướng gửi thư khen. Thư có câu: “Chúc toàn Đoàn ta mạnh khỏe, thành công và vững bước tiến vào vòng chung kết”.

Lời khen ngợi động viên đến kịp thời, như cơn mưa đến đúng lúc, tăng thêm khí thế cho đội bóng. Đó, vừa là thiên thời, vừa là nhân hoà vậy.

Nhân bảo như thần, hơn cả tiên tri, lời chúc “vững bước tiến vào vòng chung kết”, của Thủ tướng đã thành hiện thực.

Lần lượt hạ tới 4 anh hào của 4 nền bóng đá mạnh của châu Á, vào đến trận chung kết tranh ngôi vô địch, quá tuyệt đỉnh, không mong gì hơn.

Cứ đá như đã đá trong các trận bán kết, tứ kết, thắng không kiêu, bại không nản, gặp thời là tiến lên, thắng hay thua trong trận chung kết, đều được.

Lập kỳ tích cho bóng đá Việt Nam. Làm sáng đẹp thêm hình ảnh, vị thế đất nước, con người Việt Nam. Thổi bùng ngọn lửa tình yêu cuồng nhiệt với bóng đá trong trái tim người hâm mộ. Kích hoạt tinh thần dấn thân, sáng tạo trong mỗi người, nhất là lứa tuổi trẻ. Tạo bước ngoặt về thời và thế mới cho nền bóng đá Việt Nam tự tin đi tới chuyên nghiệp, đẳng cấp, hội nhập thế giới bền vững.

Đấy là được, là Anh hùng tạo thời thế.

Tác giả: Uông Ngọc Dậu

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP