Bạn cần biết

Thay khớp háng thành công cho nhiều người bệnh lớn tuổi

Vừa qua, khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Vinh đã phẫu thuật thay khớp háng thành công cho nhiều trường hợp bệnh, giúp người bệnh sớm vận động bình thường, nhanh chóng trở lại với cuộc sống sinh hoạt.

Trường hợp thứ nhất, người bệnh ngoài 70 tuổi bị thoái hóa khớp háng đã lâu, khớp bị biến dạng, khe khớp hẹp. Người bệnh có biểu hiện ngắn chi khoảng một centimet so với chân bên lành. Đây là 1 chỉ định thay khớp háng nhân tạo tuyệt đối do khớp biến dạng, điều trị nội khoa không hiệu quả và người bệnh phải chịu đau đớn, ảnh hưởng đến chức năng vận động cũng như chất lượng cuộc sống trong thời gian dài.

Cuộc mổ diễn ra trong khoảng 20 phút với đường mổ nhỏ, ít xâm lấn. Sau mổ, người bệnh có thể ngồi dậy tập vật lý trị liệu sớm, sau 2 – 3 ngày có thể tập đi lại với khung trợ đỡ.

Hai trường hợp còn lại là những tổn thương điển hình của hoại tử vô khuẩn hay còn gọi là tiêu chỏm xương đùi. Khớp tổn thương khá nặng. Toàn bộ chỏm xương đùi bị tiêu hết, không còn cấu trúc hình cầu vững chắc của chỏm xương đùi. Hai trường hợp này đều có biểu hiện ngắn chi. Đặc biệt, một trường hợp kiểm tra trong mổ cổ xương đùi và chỏm xương đùi tiêu gần hết, để lại nhiều tổ chức viêm, mục nát ở trong ổ khớp. Và người bệnh ngắn chi khoảng hai centimet so với chân bên lành. Đối với, các trường hợp này tiến hành thay khớp háng nhân tạo là phương pháp được lựa chọn để cải thiện chức năng vận động.

Hình ảnh Bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật

Tất cả những trường hợp phẫu thuật đều là vết mổ nhỏ, ít xâm lấn (đường mổ khoảng 5 cm). Người bệnh sử dụng khớp háng nhân tạo không xi măng giúp liền xương nhanh chóng, tránh nguy cơ lỏng khớp sau này. Với thế hệ khớp tốt như hiện nay, tuổi thọ trung bình của khớp có thể từ 30 – 40 năm, với người bệnh ngoài 60 tuổi thì có thể sử dụng loại khớp này đến khi người bệnh 100 tuổi mà không cần thay lại.

Bằng kinh nghiệm phẫu thuật hàng trăm ca bệnh của đội ngũ chuyên môn cao, kết quả sau phẫu thuật rất hiệu quả, người bệnh có thể quay trở lại với các sinh hoạt như: Vận động, đi bộ, leo cầu thang, leo núi, đạp xe đạp, v.v. một cách bình thường.

Tác giả: Kim Chung

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP