Giáo dục

Thanh Hóa cấm lợi dụng kêu gọi tài trợ để ép đóng góp đầu năm học

Thanh Hoá yêu cầu không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu; không lợi dụng việc tài trợ để ép buộc đóng góp...

Đón học sinh lớp 1 vào buổi khai giảng năm học mới ở Trường Tiểu học Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa).

Sở GD&ĐT Thanh Hóa có tờ trình xin ý kiến UBND tỉnh về mức tạm thu học phí năm học 2023 - 2024. Trong đó, các khoản thu còn lại phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục dự kiến được thu như năm học 2022 - 2023.

Có thể giữ nguyên mức học phí

Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, căn cứ quyết định ban hành kế hoạch thời gian năm học 2023 - 2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và các quy định liên quan, Sở đã có hướng dẫn các sơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học năm 2023 - 2024.

Theo đó, đối với mức thu và hướng dẫn sử dụng học phí trong các cơ sở giáo dục công lập, hiện nay Sở GD&ĐT Thanh Hóa đang có tờ trình xin ý kiến UBND tỉnh này về mức thu học phí năm học 2023 - 2024. Vì vậy, Sở sẽ có hướng dẫn sau khi có kết luận của UBND tỉnh Thanh Hóa. Các khoản thu còn lại phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục thực hiện theo hướng dẫn triển khai thu, chi năm 2022 - 2023.

Phí xét tuyển hồ sơ đầu cấp (đối với cấp học không tổ chức thi tuyển) tối đa là 25.000 đồng/học sinh/đợt xét. Đối với phí học thêm, tối đa 6.000 đồng/học sinh/tiết học (cấp THCS); tối đa 7.000 đồng/học sinh/tiết học (cấp THPT). Tổ chức bán trú, tối đa 140.000 đồng/học sinh/tháng (chi trả thù lao cho cán bộ quản lý, giáo viên trực trưa...).

Thuê khoán người nấu ăn bán trú (không bao gồm kinh phí đã được ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ, các nguồn kinh phí khác đã được bố trí trong dự toán của đơn vị) mức thu tối đa 75.000 đồng/học sinh/tháng. Đồ dùng bán trú thu tối đa 400.000 đồng/học sinh mới tuyển đầu cấp, những năm tiếp theo thu tối đa 200.000 đồng/học sinh...

Đối với giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá, dạy học làm quen với tiếng Anh là hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu người học, được tổ chức ngoài giờ học chính thức.

Không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khoá. Mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá.

Dạy học làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học, thì mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người Việt Nam; 30.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người nước ngoài.

Các khoản hỗ trợ hoạt động giáo dục khác, như: Trông học sinh tiểu học tiết cuối buổi chiều, có mức thu tối đa 92.000 đồng/học sinh/tháng (không quá 4.000 đồng/học sinh/tiết học). Chăm sóc trẻ trong các ngày nghỉ, ngày hè mức thu tối đa 45.000 đồng/học sinh/ngày.

Trông giữ phương tiện giao thông tối đa 20.000 đồng/tháng/xe đạp, tối đa 40.000 đồng/tháng/xe đạp điện, xe máy, xe máy điện. Nước uống, thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tháng...

Báo GD&TĐ đưa sách giáo khoa vượt sông Mã đi tặng học sinh nghèo ở Mường Lát (Thanh Hóa).

Không lợi dụng việc tài trợ để ép buộc đóng góp

Bên cạnh đó, với việc thực hiện xã hội hóa, thực hiện theo nguyên tắc việc tài trợ cho các cơ sở giáo dục đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch. Không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu. Không lợi dụng việc tài trợ để ép buộc đóng góp. Không coi việc huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp, thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản và kinh phí đã tài trợ cho cơ sở giáo dục...

Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu lãnh đạo các phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các đơn vị triển khai, thực hiện nghiêm túc các nội dung trên.

Chị Hoàng Thị Thanh Vân ở TP Thanh Hóa cho biết, gia đình chị có 1 con gái đang học lớp 10 và 1 cháu học lớp 3. Nếu năm học này UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý phương án giữ mức thu học phí như mọi năm, thì sẽ giảm “gánh nặng” cho những gia đình có nhiều con đi học.

“Nếu tăng học phí lên mức khoảng 300.000 đồng/tháng mỗi học sinh, thì gia đình tôi phải lo một khoản tiền khá lớn. Bởi lẽ, 2 con đi học, mỗi tháng là 600.000 đồng học phí, cả năm học phải nộp 5,4 triệu đồng. Ngoài ra, còn rất nhiều các khoản phải chi như: Mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập, quần áo, giày dép... và đặc biệt là các khoản đóng góp ở trường nữa. Trong khi đó, thu nhập hàng tháng của vợ chồng chúng tôi đang ở mức khoảng 4,5 triệu đồng mỗi người”, chị Vân chia sẻ.

Anh Nguyễn Trần Linh (cũng ở TP Thanh Hóa) là phụ huynh của 2 con đang theo học lớp 6 và lớp 12, nêu quan điểm: “Ngoài vấn đề không tăng học phí, chúng tôi cũng rất mong các cơ quan chức năng, báo chí, người dân giám sát việc lạm thu ở các trường học hiện nay.

Nhiều trường học đã lợi dụng vào danh nghĩa kêu gọi tài trợ để ép buộc phụ huynh đóng góp cho con. Thậm chí, có trường tự đẻ ra nhiều khoản thu gọi là “tự nguyện”, nhưng thực chất là cào bằng, là đặt ra mức thu tối thiểu. Việc làm này đã khiến cho nhiều gia đình có mức thu nhập thấp, nhưng đông con đi học gặp khó khăn vô cùng”.

Theo tìm hiểu, những năm học trước, ở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã từng xảy ra vấn đề lạm thu trong nhiều trường học. Có nhiều trường cứ lợi dụng danh nghĩa Hội Phụ huynh học sinh, rồi “giao phó” cho việc huy động các khoản đóng góp trên tinh thần tự nguyện. Thậm chí, có trường THPT đã lên danh sách các khoản cho cả năm học, với số tiền lên tới chục triệu đồng mỗi học sinh.

Do đó, việc quản lý, giám sát các khoản thu đầu năm học trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay đang rất được người dân quan tâm và mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn có giám sát chặt, xử lý nghiêm nếu phát hiện cơ sở giáo dục có lạm thu.

Theo quy định của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, đối với quỹ khuyến học, các đơn vị, trường học không được huy động quỹ khuyến học từ học sinh đang học tại trường. Quỹ này do Hội Khuyến học vận động từ các tổ chức, nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và các hội viên đóng góp theo quy định điều lệ Hội Khuyến học.

Tác giả: Thế Lượng

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP