Trong tỉnh

Phát triển du lịch ở miền tây Nghệ An

Bên cạnh những lợi thế do thiên nhiên ban tặng như là một trong hơn 10 Khu Dự trữ sinh quyển của Việt Nam; có hệ thống sông, suối dày đặc với nhiều thác ghềnh; có nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau tạo nên sự đa dạng về cảnh vật thiên nhiên, miền tây Nghệ An còn lưu giữ được nhiều phong tục, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Thái, H’Mông, Khơ Mú, Đan Lai... Đó là nguồn tài nguyên du lịch khá đa dạng. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả tiềm năng này, đòi hỏi địa phương cần có một chiến lược tổng thể với các giải pháp phù hợp, bài bản.

Miền tây Nghệ An là khu vực lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh ĐÌNH TUYÊN)

Được huyện Con Cuông chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng, đến nay, bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) đã trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách. Đây là bản có 100% là đồng bào dân tộc Thái. Đến với Khe Rạn, du khách được chiêm ngưỡng những mái nhà sàn đơn sơ, nguyên bản; được đắm mình trong các làn điệu dân ca, dân vũ và trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi đây, thưởng thức ẩm thực truyền thống hấp dẫn.

Khai thác bản sắc riêng

Ông Lô Huỳnh Lan, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Khe Rạn cho biết, năm 2015 gia đình ông và gia đình ông Lô Văn Tinh kết hợp thành lập tổ homestay đầu tiên của bản. Để bảo đảm phục vụ khách du lịch, gia đình ông đã đầu tư hệ thống vệ sinh khép kín, mua sắm giường chiếu, chăn màn đầy đủ. Từ những vị khách đầu tiên, đến nay, mỗi năm, gia đình ông đón hàng nghìn lượt khách. Hiện trên địa bàn bản Khe Rạn đã có năm mô hình homestay; đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua đón và phục vụ hơn 3.000 lượt du khách.

"Để đáp ứng nhu cầu phát triển, năm 2017, Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Khe Rạn đã được thành lập. Với 20 thành viên, hợp tác xã chia thành tổ tiếp khách, tổ quản trị, tổ ẩm thực, tổ văn nghệ. Từ khi có hợp tác xã, việc phối hợp nhịp nhàng hơn, dịch vụ cũng chuyên nghiệp hơn", ông Lan chia sẻ.

Con Cuông là huyện đi đầu trong phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh Nghệ An. Ngoài bản Khe Rạn, còn có bản Nưa, bản Pha (xã Yên Khê), bản Xiềng (xã Môn Sơn) tham gia mô hình. Chị Vi Thị Thỏa ở bản Xiềng cho hay, dịch vụ homestay của gia đình chị hoạt động từ năm 2018. Chị thường xuyên chia sẻ các thông tin và hình ảnh, hoạt động lên mạng xã hội như facebook, zalo..., nhờ đó mà ngày càng có nhiều du khách tìm đến.

Cạnh gia đình chị Thỏa là homestay của gia đình chị Đặng Thị Nguyệt, mỗi ngày có thể phục vụ nhu cầu ăn uống và ngủ, nghỉ cho 50 du khách. Ngoài ngôi nhà sàn ba gian sạch sẽ, thoáng mát, gần với Khu du lịch sinh thái Phà Lài, nơi có đập nước Phà Lài và dòng sông Giăng thơ mộng, gia đình chị cũng xây thêm các phòng nghỉ khép kín, trang bị đầy đủ tiện nghi cơ bản để phục vụ du khách.

Một trong những lý do khiến Con Cuông được nhiều du khách lựa chọn là sức hút từ những khu rừng nguyên sinh hoang sơ với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng; những ngọn thác kỳ vĩ tung bọt trắng xóa; những khe nước trong vắt, mát lạnh làm vơi đi cái nóng oi ả mùa hè.

Vào những ngày này, thác Khe Kèm nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát luôn thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Thác có độ cao khoảng 500m, nước đổ mạnh xuống qua ba thang bậc, tung bọt trắng xóa. Ðứng từ chân thác nhìn lên, dòng nước như một dải lụa trắng bồng bềnh giữa núi rừng.

Chị Lê Phương Bảo Trâm, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Phong cảnh nơi đây còn rất hoang sơ, ít bị can thiệp bởi bàn tay con người. Ban ngày, mọi người đi khám phá thiên nhiên, check-in, hòa mình vào dòng nước mát lạnh của thác nước, tối về được thưởng thức hương vị đậm đà của các món ăn dân dã và các điệu múa xòe, múa sạp độc đáo".

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Con Cuông Phạm Trọng Bình, mô hình du lịch cộng đồng nêu trên đã góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Với sự hỗ trợ của tỉnh, ngành du lịch Con Cuông đã đạt được những kết quả bước đầu. Năm 2022, Con Cuông đón hơn 22 nghìn lượt khách, đến năm 2023 đã tăng lên hơn 28 nghìn lượt. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm tăng từ 3.974 triệu đồng lên 6.289 triệu đồng.

"Con số này chưa lớn nhưng là kết quả đáng mừng đối với một địa phương mới làm du lịch cộng đồng và đang còn nhiều khó khăn như Con Cuông. Đây là động lực để địa phương tiếp tục phấn đấu xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất và các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Chúng tôi đang tập trung nâng cao các sản phẩm du lịch, hình thành các tua, tuyến tham quan các danh thắng tự nhiên với các di tích lịch sử, phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm"... Tinh thần là làm du lịch một cách thực chất, hiệu quả và bền vững, quyết tâm đưa Con Cuông trở thành đô thị du lịch sinh thái của miền tây nam Nghệ An", ông Bình nhấn mạnh.

Du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng đang từng bước làm nên thương hiệu du lịch miền tây Nghệ An. Những điểm đến như Khu du lịch sinh thái Phà Lài, Thác Khe Kèm, Vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông); rừng săng lẻ (huyện Tương Dương); quần thể thác bảy tầng (huyện Quế Phong); đồi chè (huyện Thanh Chương); Hang Bua (huyện Quỳ Châu) và các bản làng như Mường Lống (huyện Kỳ Sơn); Nưa, Khe Rạn (huyện Con Cuông) hay Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu)...

Xây dựng "Một cung đường, nhiều điểm đến"

Để thúc đẩy phát triển du lịch, ngày 22/7/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn năm 2021-2025.

Theo đó, có sáu chính sách hỗ trợ cho ba nhóm đối tượng, gồm hỗ trợ mô hình hộ gia đình mua sắm trang thiết bị ban đầu và trang thiết bị nhà vệ sinh; hỗ trợ các thôn, xóm, bản mua sắm bộ nhạc cụ, trang phục truyền thống phục vụ hoạt động văn nghệ và lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, biển quảng cáo, thuyết minh; hỗ trợ kinh phí để các huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho người dân và kinh phí tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng.

Theo đánh giá của Sở Du lịch Nghệ An, chính sách nêu trên đã góp phần nâng cao tư duy, nhận thức phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng trong lãnh đạo cũng như người dân ở các địa phương. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mô hình du lịch cộng đồng đã được phát triển tại 23 bản làng với 54 hộ phục vụ dịch vụ homestay. Các mô hình đi vào hoạt động đã tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần lưu giữ, phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa.

Nhiều chuyên gia cho rằng, những năm gần đây, du lịch miền tây Nghệ An đã đạt được những kết quả tích cực, song nhìn chung, sản phẩm du lịch của vùng còn khá đơn sơ. Đặc biệt, do các huyện cùng nằm trong khu vực có nhiều sự tương đồng dẫn đến văn hóa, ẩm thực và cảnh quan tương tự nhau, nên sản phẩm còn trùng lặp, dễ gây nhàm chán cho du khách. Bên cạnh đó, phần lớn các điểm du lịch còn manh mún, không được quy hoạch bài bản; khoảng cách địa lý giữa các điểm du lịch khá xa nhau, hạ tầng giao thông còn khó khăn... do đó, chưa phát huy được tiềm năng to lớn về du lịch.

Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Trung tâm Điều phối du lịch miền tây Nghệ An (TNT Tây Nghệ Tourist) Vi Thị Thắm cho rằng: "Việc quy hoạch điểm đến sẽ hình thành rõ cung đường, tour tuyến, từ đó sẽ định hình rõ sản phẩm chủ lực của từng điểm đến, địa phương. Thí dụ, huyện Con Cuông phát triển sản phẩm du lịch sinh thái và cộng đồng văn hóa đồng bào Thái; huyện Tương Dương phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng văn hóa đồng bào Khơ Mú và làng nghề; huyện Kỳ Sơn phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, dược liệu và trải nghiệm văn hóa đồng bào H’Mông; huyện Nghĩa Đàn đi theo hướng du lịch canh nông... Các huyện có cùng sản phẩm du lịch nên cùng nhau bàn thảo để có định hướng và giải pháp phát triển phù hợp và bền vững. Từ đó tạo ra các lộ trình, cung đường phù hợp cho du khách trải nghiệm".

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường cho biết, ngành du lịch Nghệ An đang triển khai một số giải pháp đa dạng sản phẩm như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, mạo hiểm, du lịch nông nghiệp nhằm khai thác tài nguyên của các huyện miền tây... Đặc biệt là huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông kết nối từ các tuyến quốc lộ vào các điểm khai thác du lịch; kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư để tạo điểm thu hút du khách, từ đó lan tỏa ra toàn vùng.

Tác giả: TRẦN TRUNG HIẾU

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP