Xe

Nóng: 5 nhà sản xuất ô tô, xe máy Nhật Bản bất ngờ thừa nhận gian lận kiểm tra an toàn

Các nhà sản xuất xe Nhật Bản gồm Mazda, Honda, Suzuki và Toyota, Yamaha đã thừa nhận gian lận trong các cuộc kiểm tra an toàn để có được giấy phép bán xe mới.

Vết trượt dài của ngành xe Nhật Bản

Đầu tháng 6 năm nay, ngành công nghiệp ô tô tiếp tục gặp biến động khi hàng loạt "ông lớn" sản xuất xe tại Nhật Bản bao gồm Toyota, Honda và Mazda, Suzuki dính bê bối trong việc gian lận kết quả kiểm tra an toàn trên các mẫu xe trước khi xuất xưởng hàng loạt.

Tuyên bố từ Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản cho thấy trong cuộc điều tra về kiểm nghiệm an toàn của các mẫu xe ở 68 thương hiệu, cơ quan này đã phát hiện Mazda, Honda, Suzuki và Toyota, Yamaha làm giả các chứng nhận liên quan đến bài kiểm tra va chạm, khí thải, tiếng ồn và phanh.

Cuộc kiểm tra toàn ngành được diễn ra ngay sau khi đại diện Toyota thừa nhận đã gian lận kết quả kiểm tra động cơ ở một số mẫu xe, bao gồm LandCruiser Prado, Toyota Hilux, Fortuner và HiAce vào đầu tháng 1 năm nay.

Kết quả cuộc điều tra cho thấy Mazda đã sửa đổi một số động cơ trái quy định trên các mẫu xe trước khi bài kiểm tra an toàn được hoàn thành, dẫn đến sai lệch về kết quả kiểm nghiệm. Trong khi đó, Honda đã đưa ra các tuyên bố sai sự thật về kết quả của 22 mẫu xe của hãng.

Toyota Motor, Mazda Motor và Yamaha Motor được bộ yêu cầu tạm đình chỉ xuất xưởng và phân phối 6 mẫu xe cho đến khi các mẫu này đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn. Hai công ty còn lại là Honda Motor và Suzuki Motor trước mắt bị cáo buộc đã có gian lận trong báo cáo quá trình kiểm tra an toàn xe.

Dự kiến bắt đầu từ ngày 6/6, Toyota sẽ ngừng sản xuất 3 mẫu xe, trong đó có mẫu Corolla Fielder, tại các nhà máy ở các tỉnh Miyagi và Iwate. Trong tài khóa kết thúc vào tháng 3, Toyota đã bán được khoảng 120.000 xe thuộc 3 mẫu này tại Nhật.

Trước đó ngày 4/6, Cơ quan An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) thu hồi hơn 100.000 xe SUV và xe bán tải ở Mỹ do các mảnh vụn trong động cơ có thể khiến động cơ bị chết máy.

NHTSA cho biết các mảnh vụn từ quá trình sản xuất có thể làm ô nhiễm động cơ và khiến các ổ trục chính bị hỏng, dẫn đến động cơ bị chết máy và mất công suất truyền động.

Toyota cho biết những sai phạm của họ xảy ra trong 6 bài kiểm tra khác nhau được thực hiện vào các năm 2014, 2015 và 2020. Các phương tiện bị ảnh hưởng bao gồm ba mẫu xe đang được sản xuất – là Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross - và các phiên bản đã ngừng sản xuất của bốn mẫu xe phổ biến, trong đó có một mẫu xe được bán ra dưới thương hiệu hạng sang Lexus.

Toyota cho biết vẫn đang điều tra các vấn đề liên quan đến mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải của xe và đặt mục tiêu hoàn thành cuộc điều tra này vào cuối tháng 6. Công ty cũng cho biết không có vấn đề gì về hoạt động của xe vi phạm những quy định và khách hàng không cần ngừng sử dụng xe của họ.

Tại cuộc họp báo diễn ra chiều 3/6, Chủ tịch Tập đoàn Toyota Motor Corp Akio Toyoda đã gửi lời xin lỗi đến toàn bộ khách hàng và những bên liên quan vì những hành vi gian lận liên quan đến quá trình cấp giấy chứng nhận đối với bảy mẫu xe bán tại thị trường trong và ngoài nước.

Chủ tịch Akio Toyoda thừa nhận những chiếc xe đã không trải qua đúng quy trình chứng nhận trước khi được bán ra. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính theo số lượng này đã tạm dừng xuất xưởng và bán ba mẫu xe được sản xuất tại Nhật Bản.

Chủ tịch Toyota, Akio Toyoda cúi đầu xin lỗi trong buổi họp báo ngày 3/6 (Ảnh: Nikkei Asia)

Mazda cũng dự kiến sẽ ngừng sản xuất mẫu xe Roadster RF và 1 mẫu xe khác tại các nhà máy ở 2 tỉnh Hiroshima và Yamaguchi. Trong tài khóa tính đến hết tháng 3, Mazda đã bán được khoảng 18.000 xe thuộc 2 mẫu này.

Trong khi đó, Yamaha bị phát hiện tiến hành thử nghiệm tiếng ồn đối với 3 mẫu xe máy với điều kiện không thích hợp. Công ty đã dừng xuất bán mẫu YZF-R1.

Suzuki cũng bị phát hiện đã gửi sai kết quả kiểm tra phanh của chiếc Alto hatchback của hãng đang được bán tại thị trường quốc tế.

Bê bối ngành xe kéo nền kinh tế Nhật Bản xuống dốc

Trước đó, hồi tháng 1/2024, cơ quan chức năng của Nhật Bản đã tuyên bố hủy bỏ Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn và chất lượng đối với 3 mẫu xe do Daihatsu - công ty con thuộc Toyota sản xuất sau những gian lận thử nghiệm ô tô bị phanh phui hồi tháng 12/2023.

Sai phạm của Daihatsu trước khi được phanh phui đã "âm thầm" diễn ra từ năm 1989 đến nay. Vụ bê bối của Daihatsu còn liên quan đến 58 nhà phân phối trực thuộc với 778 đại lý bán ô tô tại Nhật Bản, nếu cộng cả các đại lý nhỏ phân phối xe của Daihatsu thì nhà sản xuất này có khoảng 30.000 cửa hàng bán xe tại Nhật Bản bị ảnh hưởng.

Toyota cho biết, Daihatsu đã sản xuất 1,1 triệu xe trong 10 tháng đầu năm 2023, gần 40% trong số đó đến từ các nhà máy ở nước ngoài. Hãng cũng đã bán được khoảng 660.000 xe trên toàn thế giới trong cùng kỳ và chiếm 7% doanh số bán hàng của Toyota.

Dây chuyền sản xuất xe ở nhà máy Daihatsu (Ảnh: Daihatsu)

Các nhà phân tích cho biết sự cố gian lận thử nghiệm an toàn và chất lượng của Daihatsu đã tác động không nhỏ đến lợi nhuận của Toyota. Chỉ tính riêng việc đình chỉ sản xuất trong một tháng sẽ tương đương với sản lượng 120.000 xe, điều này khiến doanh thu của Toyota sẽ giảm 240 tỷ yên (1,68 tỷ USD).

Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến số liệu mới nhất về tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đã giảm, lần đầu tiên sau 2 quý. Theo các chuyên gia, kiềng 3 chân của nền kinh tế Nhật Bản bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu đều sụt giảm đáng kể so với quý trước đó.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của quốc gia này trong quý I/2024 giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023, đánh dấu lần đầu giảm đầu tiên trong hai quý liên tiếp. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới đang tiếp tục đánh mất đà tăng trưởng.

Tác giả: Linh Chi

Nguồn tin: congthuong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP