Những chiếc bánh mì và nước uống miễn phí đã đến tay người lao động nghèo từ ý tưởng của một sinh viên năm thứ 2 đại học.
Người phụ nữ khắc khổ dắt theo đứa con gầy gò, đen đúa chừng 10 tuổi đi qua. Thấy những chiếc bánh mì vàng ươm và bình nước mát, thằng bé nhìn một lát, nuốt nước bọt một cách thèm thuồng rồi cúi cổ bước đi. Người mẹ tần ngần nhìn đứa con, nhìn thùng bánh mì rồi quay lưng dợm bước theo con.
Một thanh niên trẻ tuổi bước theo, hỏi: “Chị có muốn lấy một chiếc bánh mỳ không?”. Người phụ nữ nhìn những chiếc bánh mỳ rồi gật đầu. Cậu thanh niên lấy 2 chiếc, đặt vào tay người mẹ. Kéo chị lại chỗ bình nước, cậu rót một cốc đầy. “Chị ăn bánh mì và uống cốc nước cho mát. Chị không phải trả tiền đâu ạ”. Như hiểu ra, khuôn mặt người phụ nữ giãn ra, nở một nụ cười.
Chị gọi con lại, chia cho thằng bé 1 cái bánh mì. Giữa cái nắng chói chang, nhìn hai mẹ con người phụ nữ ăn bánh mì một cách ngon lành, thấy thương lạ. Chị bảo, quê ở huyện Tương Dương, vừa xuống Vinh khám bệnh, giờ ra bến xe để về quê, đói nhưng còn mấy đồng đi xe, không dám mua bánh mì ăn. Cậu thanh niên hỏi, liệu chị có muốn lấy một cái nữa không? Người mẹ mỉm cười, lắc đầu: “No rồi, để cho người sau”.
Bên cạnh yếu tố đảm bảo vệ sinh, những chiếc bánh mì được đặt làm riêng, có thể đủ no đối với người lao động.
Nguyễn Minh Tuấn – tên cậu thanh niên, phụ trách thùng bánh mì từ thiện trên gần bến xe Vinh tâm sự: “Nhiều người không biết đây là bánh mì từ thiện dù bọn em đã dán chữ lên thùng. Dường như giữa lúc đói, những cái bánh mì thu hút sự chú ý của họ nhiều hơn”.
Thùng bánh mì từ thiện được dựng bên đường cách đây chừng 1 tuần nên nhiều người chưa quen lắm, có lẽ họ cũng chưa quen nhận những chiếc bánh mì miễn phí như thế này? Sau 1 tuần, Tuấn đã có những người bạn mới. Đó là bố con người ăn mày lưng còng rạp, là những người phụ nữ làm nghề cửu vạn, ông già đạp xích lô. Họ đến, tự mở tủ, lấy 1 chiếc bánh mì, đóng cánh cửa tủ lại, rót cho mình một cốc nước lọc rồi đứng ăn ngon lành.
“Em thấy người lao động nghèo chưa có nhiều sự hỗ trợ của cộng đồng. Có lần em thấy các dì cửu vạn buổi trưa nhịn đói vì không có ai thuê cả. Ý tưởng làm một cái gì đó để hỗ trợ những người lao động nghèo nảy sinh từ đó nhưng em đang là sinh viên (Tuấn hiện là sinh viên năm thứ 2 một trường ĐH ở TP Vinh), phụ thuộc bố mẹ, làm sao có khả năng mà giúp được mọi người.
Với sự chung tay của nhiều người, những chiếc bánh mì thơm thảo đã đến tay người lao động nghèo thành phố Vinh.
Khi đưa ý tưởng này tâm sự với các anh chị hay làm công tác thiện nguyện, mọi người đều đồng cảm và bắt tay vào thực hiện. Các anh chị bằng uy tín và kinh nghiệm của mình thì lên kế hoạch, lập chương trình, kêu gọi tài trợ. Em phụ trách phần “thi công” và chân chạy việc thôi”, Tuấn cười.
Với sự hỗ trợ của các anh chị có kinh nghiệm trong hoạt động thiện nguyện, sau gần 1 tháng triển khai, vừa qua chương trình “Bánh mì từ thiện” được triển khai gần khu vực bến xe Vinh. Kế hoạch đề ra là mỗi ngày 100 chiếc bánh mì sẽ đến tay người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở thành phố Vinh.
“Sau khi khảo sát chất lượng, giá cả bánh mì, ban quản lý chương trình đã hợp đồng với 1 cơ sở sản xuất bánh mì ở thành phố Vinh, phục vụ người lao động những chiếc bánh mì đảm bảo chất lượng, quan trọng mỗi cái bánh mì có thể giúp người lao động đủ no. Mỗi chiếc bánh mì có giá 2.000 nghìn đồng. Trước mắt, toàn bộ chi phí thực hiện chương trình do anh em trong nhóm góp lại và vận động người quen ủng hộ.
... và cả khách đi đường.
Dù mới đi vào hoạt động 1 thời gian ngắn nhưng chương trình đã có sự lan tỏa rất lớn. Nhiều tấm lòng hảo tâm đã tham gia ủng hộ, đóng góp kinh phí thực hiện. Có người ở nước ngoài gửi cho chương trình 1.000 USD. Chúng tôi cam đoan, toàn bộ số tiền mọi người đóng góp đều được sử dụng để thực hiện chương trình. Hiện giờ, một đại lý nước khoáng cũng ủng hộ mỗi ngày một bình nước. Mỗi người góp 1 tay, đời sống của người lao động nghèo sẽ bớt đi rất nhiều khó khăn”, anh Vũ Thái Quảng – thành viên đồng sáng lập chương trình “Bánh mì tử thiện” cho hay.
Thực ra, ban đầu, mỗi chiếc bánh mỳ có giá 2.000 nghìn đồng sẽ đến tay người lao động nghèo với giá ưu đãi 1.000 đồng để họ không phải chạnh lòng. Tuy nhiên, ngay hôm khai trương, nhìn tấm biển “Bánh mỳ từ thiện 1.000 đồng”, một số người dân tưởng rằng số tiền “bán” bánh mỳ sẽ được sử dụng cho một chương trình từ thiện nào đó nên đến hỏi mua… 50 chiếc để góp 50.000 đồng cho chương trình. Những hiểu lầm nho nhỏ này khiến ban quản lý chương trình quyết định người lao động nghèo sẽ ăn những chiếc bánh mỳ thơm thảo này với giá 0 đồng.
Không chỉ giúp những người lao động nghèo, những người khó khăn qua cơn đói mà quan trọng hơn là để tình yêu thương, tính cộng đồng thêm lan tỏa.
“Xúc động lắm chị ạ. Có cô cửu vạn, bác đạp xích lô lấy bánh mì xong, để lại vào tủ 1.000, 2.000, bảo góp cho quỹ. Một số người đi đường, khi hiểu được ý nghĩa của chương trình đã tự bỏ vào tủ 20, 50 nghìn đồng. Chương trình mới đi vào hoạt động nhưng đã có sức lan tỏa như thế này, thực sự là niềm vui và động lực để anh chị em tiếp tục.
Dự kiến sẽ có 3-4 thùng bánh mì từ thiện đặt ở các khu vực đông người lao động nghèo để nhiều người được thụ hưởng hơn. Sắp tới, ban quản lý chương trình sẽ cố gắng cung cấp cho người thụ hưởng những chiếc bánh mì đủ về lượng, đảm bảo về chất như bánh mì thịt, bánh mì chấm sữa...”, Tuấn hào hứng chia sẻ.
Tác giả bài viết: Hoàng Lam