Thảo luận tại hội trường sáng 8/11 về công tác thi hành án, phòng chống tội phạm, tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (đoàn Bắc Kạn) phản ánh 5 chiêu trò lách luật phổ biến trong hoạt động đấu thầu.
Bà Nguyễn Thị Thủy- Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng). |
Thứ nhất, theo bà Thủy, là tình trạng chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu diễn ra rất phức tạp và đã được thể hiện trong nhiều kết luận thanh tra, điều tra các vụ án, vụ việc.
"Có thể lấy ví dụ về một trường hợp được nêu nhiều trong thời gian vừa qua liên quan đến một bệnh viện đa khoa của tỉnh. Kết luận thanh tra của tỉnh đã chỉ rõ là tổng giá trị hàng hóa mua sắm chỉ hơn 95 tỷ đồng nhưng giám đốc bệnh viện đã ban hành tới 1.165 quyết định chỉ định thầu, với giá trị của mỗi gói thầu đều dưới 100 triệu", bà Thủy nêu.
Lợi dụng các quy định về chia tách hoặc gộp gói thầu, có những trường hợp chia nhỏ các gói thầu theo kiểu chia phần để mỗi nhà thầu thân hữu trúng một phần.
"Có trường hợp gom nhiều gói thầu nhỏ khác nhau lại để tạo thành một gói thầu hết sức phức tạp mà chỉ có một doanh nghiệp cụ thể mới có thể đáp ứng được, để từ đó tránh được những thủ tục đấu thầu thực sự cạnh tranh", bà Thủy phản ánh.
Thứ hai, chuyện cài cắm các điều khoản hướng thầu để "cài thầu quen, chèn thầu lạ". Không ít chủ đầu tư đã cố ý cài cắm các điều khoản hướng thầu để hướng tới các nhà thầu thân hữu và loại bỏ sự tham gia của các nhà thầu khác, biến đấu thầu rộng rãi thành đấu thầu hạn chế. Đại diện các cơ quan tố tụng cho biết ngay từ đầu các đối tượng đã có "bắt tay ngầm, đi đêm" để chuyển cho nhau những thiết bị cần bán, thông đồng với nhau về các tiêu chí kỹ thuật và thậm chí còn cùng nhau xây dựng hồ sơ mời thầu.
"Có những gói thầu còn đưa ra những tiêu chí như phải có Bằng khen của Bộ Tài chính về việc đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, gần như là đã viết sẵn cho một doanh nghiệp", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay.
Chiêu trò thứ ba, theo bà Thủy, thiết lập liên minh "quân xanh, quân đỏ" để thông thầu, vây thầu vẫn là mảng tối, tạo ra nhiều cuộc thầu nội bộ, thiếu tính cạnh tranh để kiếm lời bất chính. Có tình trạng một số nhà thầu chuyên đi dự thầu chỉ để trượt, nhằm lót đường cho một nhà thầu đã định sẵn trúng thầu.
Hệ lụy của tình trạng quân xanh, quân đỏ khiến cho dư luận nghi ngại, khiến cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính không được cạnh tranh một cách sòng phẳng và mất đi cơ hội đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt nghiêm trọng là mất đi tiền của Nhà nước và để lại những công trình, dự án kém chất lượng.
Thứ tư, tình trạng móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu. "Từ các vụ án vừa qua cho thấy, nếu chỉ nhìn vào hồ sơ thì tất cả đều đúng quy trình. Chỉ khi đi sâu vào phá án thì mới phát hiện được sự móc ngoặc một cách tinh vi giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm định giá và đơn vị trúng thầu đã thổi giá tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực thông qua các chứng thư thẩm định", bà Thủy nói.
Bà lấy ví dụ về vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, giá của mỗi một stent nhập khẩu từ Ấn Độ về chỉ từ 8-11 triệu nhưng giá thẩm định và giá trúng thầu đã vọt lên 36-42 triệu/1 stent, tức là tăng từ 28-31 triệu. "Đến nay cả tổng giám đốc và phó tổng giám đốc của đơn vị thẩm định giá đều đã bị khởi tố. Rất nhiều vụ án khác liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian vừa qua đã phải khởi tố, tuyên án phạt tù cả với các thẩm định giá, với vai trò là đồng phạm. Tuy nhiên, cũng có thể thấy pháp luật đã trao cho tổ chức thẩm định giá chức năng quá lớn, trong khi các quy định về hậu kiểm kết quả thẩm định còn rất hạn chế", bà Thủy nhận định.
Thứ năm, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu. Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại công nghiệp Việt Nam VCCI năm 2021 cho thấy trong tổng số các doanh nghiệp được khảo sát thì có tới 25% doanh nghiệp cho biết họ chủ động chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu; 10,3% doanh nghiệp cho biết họ chi trả do gợi ý của cán bộ phụ trách đấu thầu. Đáng lưu ý có tới 58,9% doanh nghiệp cho biết việc chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu là luật bất thành văn mà doanh nghiệp phải tự hiểu khi tham gia.
Từ đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị các cơ quan thanh tra điều tra, truy tố, xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là đối với những vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét dự án Luật Đấu thầu. Do đó, bà Thủy kiến nghị tiếp tục rà soát để hoàn thiện và bảo đảm thực hiện chặt chẽ việc công khai trong đấu thầu, bao gồm công khai về điều kiện được dự thầu; danh sách và năng lực của những nhà thầu; điều kiện được trúng thầu; quá trình chấm thầu; kết quả trúng thầu; kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhà thầu.
Hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp của đạo đức xã hội Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho rằng tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục có chiều hướng gia tăng, nổi lên là tội giết người. Đặc biệt xảy ra một số vụ giết người mà nạn nhân là người thân tăng 4,83%; nhiều vụ "con giết bố", "chồng giết vợ", "anh giết em". Gần đây nhất, vụ việc 3 cô con gái dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ không chỉ gây nhức nhối bức xúc, bàng hoàng trong dư luận mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam vốn coi trọng "công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy" hay tình cảm "anh em như thể tay chân". "Tội giết người là một trong những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, hơn nữa đây còn là các vụ án mà nạn nhân là người thân, mỗi vụ án xảy ra đều quá xót xa. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng và toàn xã hội cần phải có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này", đại biểu tỉnh Lạng Sơn đề nghị. |
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí