Xe

Lý do phức tạp phía sau việc các nhà sản xuất ôtô hay trì hoãn triệu hồi xe

Triệu hồi xe là việc làm thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất khi phát hiện xe có khiếm khuyết về an toàn. Tuy nhiên, thực tế là nhiều hãng lại để việc này bị trì hoãn, một cách vô tình hoặc cố ý.

Triệu hồi xe chắc chắn là sự cố không mong muốn của bất cứ nhà sản xuất ô tô nào, đơn giản vì nó cho thấy xe bị lỗi an toàn nghiêm trọng. Để tránh rơi vào tình huống này, các nhà sản xuất phải chạy thử xe trên hàng ngàn km trong nhiều điều kiện địa hình và thời tiết khác nhau để hoàn thiện sản phẩm. Dù vậy, vẫn không thể hoàn toàn loại bỏ các vấn đề về kỹ thuật.

Nhiều nhà sản xuất ô tô rất nghiêm túc, nhanh chóng triển khai các thủ tục triệu hồi và sửa lỗi cho xe. Tuy nhiên, phần lớn lại trì hoãn, không muốn là người đầu tiên "gây chú ý".

Một nghiên cứu gần đây của Trường Kinh doanh Kelley, thuộc Đại học Indiana, đối với việc triệu hồi xe trong suốt 48 năm tại Mỹ cho thấy các nhà sản xuất ô tô thường đợi cho tới khi có một đối thủ cạnh tranh thông báo triệu hồi xe, ngay cả khi đó là một lỗi không có gì liên quan, thì mới tiến hành triệu hồi xe của mình.

Việc này cho thấy việc thông báo triệu hồi xe có thể không chỉ xuất phát từ việc từng công ty phát hiện khiếm khuyết trên sản phẩm, hoặc lo lắng cho quyền lợi của người tiêu dùng, mà có thể còn bị tác động bởi việc triệu hồi xe của các đối thủ cạnh tranh, một hiện tượng chưa từng được nghiên cứu trước đây.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích 3.117 đợt triệu hồi xe trong suốt 49 năm, từ 1966 đến 2013, sử dụng một mô hình để phân tích việc triệu hồi xe theo nhóm và phân loại các đợt triệu hồi xe thành dạng đi đầu hay theo sau trong một nhóm. Họ phát hiện ra rằng có tới 73% đợt triệu hồi xe được thực hiện theo nhóm kéo dài 34 ngày, và trung bình có 7,6 đợt triệu hồi kiểu "theo đuôi".

Một chiếc Hyundai Kona đã bốc cháy dù đã được triệu hồi để sửa lỗi hệ thống pin.

"Động lực" lớn nhất trong vấn đề phức tạp này là thị trường chứng khoán. Nghiên cứu trên đã nghiên cứu 6 nhà sản xuất ô tô có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán ở Mỹ, gồm Chrysler, Ford, General Motors (GM), Honda, Nissan, và Toyota.

"Giả thuyết được đặt ra là các nhà sản xuất ô tô cố tình hoặc vô tình trì hoãn việc triệu hồi xe cho đến khi có 'đồng bọn'," ông George Ball, giảng viên Trường Kinh doanh Kelley, cho biết. "Làm như vậy, họ sẽ tránh được việc giá cổ phiếu sụt giảm mạnh vì thông tin triệu hồi xe."

Nhà sản xuất ô tô nào triệu hồi xe đầu tiên sau một thời gian yên ắng sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất; mức độ thì tùy thuộc vào sự nghiêm trọng của lỗi. Trong số 6 nhà sản xuất nói trên, chỉ có 9% các đợt triệu hồi xe họ đi đầu. Toyota là trường hợp ngoại lệ, với số đợt triệu hồi xe thực hiện một cách vô tư hơn - 31% đợt triệu hồi mang tính khởi xướng.

Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA) hiện yêu cầu các nhà sản xuất ô tô phải công khai thời điểm phát hiện lỗi để hạn chế tình trạng trì hoãn triệu hồi xe. Với những lỗi nghiêm trọng, sự trì hoãn thông báo triệu hồi xe có thể phải trả giá bằng sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.

Ảnh: Getty Images

Tác giả: Nhật Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP