Trong nước

Khánh Hòa thiệt hại gần 400 tỷ đồng do trận sạt lở kép

Trong vòng một tuần, Khánh Hòa hứng chịu hai trận sạt lở do mưa bão khiến nhiều căn nhà đổ sập, hoa màu tan hoang, đường sá hư hỏng.

Bốn ngày sau bão Usagi (bão số 9), Khánh Hòa trời nắng ráo. Nhiều nơi nước đã rút, người dân tổ chức vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa. Ngành giao thông vẫn tăng cường lực lượng khắc phục, xử lý các điểm sạt lở tại các tuyến đường.

Lũ cuốn sập cầu Nước Ngọt ở xã Cam Lập (Cam Ranh), khiến 300 hộ dân bị cô lập trên đảo Bình Lập. Trí Nguyễn.

Nhà cửa đổ sập, hoa màu tan hoang sau mưa bão

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong vòng một tuần địa phương phải hứng chịu hai trận sạt lở và ngập nhiều nơi gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng thiệt hại là gần 400 tỷ đồng.

Theo thống kê, có khoảng 200 căn nhà hư hỏng (115 căn sập hoàn toàn); 1.000 ha lúa bị ngập úng; hơn 200 ha hoa màu cùng 10 ha cây ăn quả bị lũ nhấn chìm, hư hại; gần 10.000 gia súc chết. Các trường học ngập do mưa lũ, gây hư hỏng nhiều trang thiết bị dạy và đồ dùng học tập.

Bộ đội dọn dẹp bùn non trong trường học ở TP Cam Ranh, hôm 26/11. Ảnh: An Phước.

Nhiều công trình thủy lợi bị sạt lở. Hơn 1.400 m3 đất đá gia cố tràn xả lũ hồ chứa nước Đồng Bò (xã Phước Đồng) bị cuốn trôi. Hồ chứa ở Cam Ranh, có gần 8.400 m3 kênh mương nội đồng hư hỏng; hơn 2.800 m bờ sông, suối xói mòn, buộc phải gia cố kè tạm.

Ngoài ra, 300 hộ dân ở trên đảo Bình Lập (xã Cam Lập, Cam Ranh) vẫn đang bị cô lập, do nước lũ cuốn sập cầu. Người dân muốn đến đất liền khi phải đi bằng đường biển, thời gian mất 15 phút.

Đã thông xe tuyến đường nối Nha Trang - Đà Lạt

Ông Tạ Thanh Tình - Trưởng Chi cục quản lý đường bộ III - cho biết, sáng 27/11 đã cho thông xe Quốc lộ 27 đoạn qua đèo Khánh Lê - tuyến huyết mạch từ Nha Trang đi Đà Lạt, sau ba ngày gián đoạn do sạt lở.

Tuy nhiên, trên đèo vẫn còn nhiều điểm dễ sạt lở, xung yếu. Hôm nay, các nhà thầu cùng ngành giao thông tăng cường máy móc, vật tư cùng lực lượng để tiếp tục khắc phục và điều tiết giao thông.

Theo ông Tình, các xe qua đèo cần thận trọng và đi với tốc độ chậm. "Đặc biệt, từ chiều đến sáng hôm sau, tài xế hạn chế qua khu vực này, bởi tầm nhìn rất hạn chế do sương mù dày đặc", Trưởng Chi cục quản lý đường bộ khuyến cáo.

Mưa bão khiến tỉnh lộ 9 nối huyện miền núi Khánh Sơn với đồng bằng sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: An Phước.

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông cho biết, tỉnh lộ 9 từ huyện miền núi Khánh Sơn xuống đồng bằng có hơn 20 điểm bị sạt lở. Hôm qua, các vị trí hư hỏng đã được khắc phục nhưng chưa triệt để. Các xe đi qua gặp nhiều khó khăn. Tuyến đường TP Nha Trang đi sân bay Cam Ranh cũng đã thông tuyến sau khi điểm sạt lở trên đèo Cù Hin được sửa chữa.

Theo ngành giao thông tỉnh Khánh Hòa, có hơn 32 tuyến đường bị sạt lở, với hơn 35.000 m3 đất đá; năm cầu bị xói lở. "Việc khắc phục sau bão phải lâu dài bởi có quá nhiều điểm hư hỏng", Giám đốc Sở Giao thông nói.

Sáng 18/11, ảnh hưởng của hoàn lưu bão Torajai suy yếu, khiến Nha Trang mưa lớn kéo dài gây ngập lụt. Nhiều nơi bị sạt lở, đất đá trên núi đổ xuống, vùi lấp hơn 40 căn nhà, 19 người chết.

Chưa kịp khắc phục hậu quả, một tuần sau Khánh Hòa tiếp tục ảnh hưởng bão Usagi gây sạt lở, ngập nhiều nơi, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Tác giả: Xuân Ngọc

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP