Khác với những loại cua sống ở biển, đầm, ruộng thì cua núi đá lại sống trong các hốc, khe đá ở suối. Cua núi đá to gấp 2 - 3 lần cua đồng, chỉ ra khỏi hang để tìm thức ăn khi trời mưa. Do đó, các thợ săn cua núi đá thường chọn mùa mưa để đi săn thứ đặc sản của núi rừng này.
Cua núi đá thường sống trong các hốc, khe đá ở suối. |
Chị Ma Quyên, một đầu mối buôn cua ở Tuyên Quang, cho biết, hàng năm, cứ vào tháng 5 là người dân quê chị lại vào rừng đi bắt cua núi đá. Do loài này sống ở các khu rừng sâu, địa hình hiểm trở nên phải thợ chuyên nghiệp mới có thể câu, bắt được.
"Vì sống trong môi trường tự nhiên, thức ăn của chúng đa phần là phù du, rong rêu, lá cây rừng nên thịt cua rất chắc, khác hẳn cua nuôi. Nếu ăn một lần là nhớ mãi bởi hương vị thơm, ngon, hấp dẫn, khó quên" - chị miêu tả.
Chị Quyên cho hay, hiện nay trên thị trường có 6 loại giá dành cho cua núi đá. Loại 1, size cực đại, 5 con/kg có giá 250.000 đồng/kg. Loại 2, size to đại, 6 con/kg có giá dao động 190.00 - 220.000 đồng/kg. Loại 3, size to vừa, 7 con/kg là 170.000 đồng/kg. Loại size từ 8 đến 12 con/kg rẻ nhất cũng dao động 120.000 - 150.000 đồng/kg.
Ngoài ra, tiểu thương này còn bật mí, người tiêu dùng rất thích ăn cua núi đá vì loài này có thể chế biến được nhiều món ngon như hấp bia, hấp sả, rang me, thả lẩu hay nấu canh với rau đay mùng tơi.
Giá cho mỗi cân cua đá núi dao động 120.000 - 250.000 đồng. |
Tương tự, anh Kiên Hồng (Na Hang, Tuyên Quang) chia sẻ, cứ đến mùa mưa, anh với 2 - 3 người bạn nữa sẽ chuẩn bị đồ nghề vào rừng câu cua núi đá. Nếu chăm chỉ, mỗi ngày, nhóm anh cũng bắt được 20 - 25 kg cua.
"Chúng tôi cứ bắt cua về là có thương lái đến tận nhà thu mua, không phải mang ra chợ. Nếu ai muốn bán giá cao hơn thì có thể rao bán trên mạng. Giá chúng tôi bán đổ đống, không phân biệt loại to nhỏ là 80.000 - 100.000 đồng/kg" - anh cho biết.
Theo anh Hồng, dòng cua này sống trên núi cao và gần ven suối nên rất khỏe, bò nhanh nên ai không có kinh nghiệm không thể bắt nổi.
"Chúng tôi hay đi bắt cua núi đá vào những ngày mưa, cứ dọc theo các con suối mà tìm. Thông thường, ban ngày, cua ở trong hang, còn tối mới ra khỏi nơi ẩn nấp. Để hiệu quả, bọn tôi mỗi người chuẩn bị một chiếc đèn pin, một chiếc que sắt dài để bắt cho năng suất" - anh kể.
Màu sắc bắt mắt của cua núi đá khi hấp lên. |
Anh Hồng tiết lộ, ngày trước, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, cua núi đá thường được dân buôn bán cho các quán ăn, nhà hàng ở Hà Nội, Hòa Bình. Nhưng từ khi có dịch, cua chủ yếu được giao cho các chợ đầu mối ở các tỉnh lân cận.
"Trung bình, mỗi con cua núi đá nặng 150 - 200 gam nên thịt cua nhiều nên chỉ cần 300 - 400 gam cua nhỏ sẽ cho lượng thịt bằng cả cân cua đồng nên các nhà hàng chuyên về lẩu riêu cua hay quán bún riêu rất ưa chuộng" - anh Hồng nói.
Đặt mua 1 kg cua đá trên mạng về ăn thử, chị Trúc Mai (Hà Đông, Hà Nội) cảm thấy ăn loại cua này khá kinh tế khi rẻ hơn cua đồng mà thịt cua lại săn chắc, thơm ngon như lời quảng cáo.
"Tôi thích nhất là khi hấp cua lên vì chúng sẽ cho một màu cam đậm đẹp mắt. Nếu ướp với bia, sả đúng kỹ thuật, ăn chẳng khác gì cua biển. Tuy nhiên, nếu ai bị dị ứng thì không nên ăn loại cua này" - chị chia sẻ.
Tác giả: An Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí