Trong nước

Chủ tịch Quốc hội: Việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm làm "tắc" đầu tư công

Đầu tư công được coi là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, tuy nhiên đến nay giải ngân vốn đầu tư công dù có cải thiện (8 tháng đạt 42,35% kế hoạch) nhưng chưa đạt như kỳ vọng

Nền kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, định hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện.

Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững", diễn ra sáng 19-9.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Về bức tranh kinh tế trong nước, bên cạnh những điểm sáng, Chủ tịch Quốc hội cho biết nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà suy giảm, 8 tháng đầu năm giảm 10% so với cùng kỳ, mạnh nhất trong cùng kỳ 12 năm trở lại đây. Xuất siêu tăng do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm, cho thấy nhu cầu đầu vào sản xuất trong nước tiếp tục chậm lại.

Đầu tư công được coi là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, tuy nhiên đến nay giải ngân vốn đầu tư công dù có cải thiện (8 tháng đạt 42,35% kế hoạch) nhưng chưa đạt như kỳ vọng, chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Một số cơ quan trung ương, địa phương giải ngân vốn còn thấp so với mặt bằng chung, các vướng mắc được phản ánh nhiều nhất là về thủ tục pháp lý liên quan tới đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất nông nghiệp, thủ tục hành chính chậm trễ do cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Có trên 450 đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội hôm nay

Từ thực tế vươn lên trong đại dịch khi đối diện với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt như 3 năm vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng một trong những bài học quan trọng nhất là xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức và tính bất định của các yếu tố bên ngoài.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta cần tăng cường, phát huy "nội lực", vận dụng, khai thác hiệu quả "ngoại lực" để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Đây cũng chính là một trong những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại diễn đàn hôm nay.

Trước khi bước vào các phiên chuyên đề, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đề nghị diễn đàn đánh giá đầy đủ và chủ động khôi phục tiêu dùng trong nước; Khôi phục dòng vốn đầu tư; Tháo gỡ những khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyên Xuân Thắng, cần đẩy nhanh sự hồi phục của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản để có tác động lan toả, tạo tín hiệu tích cực, lập lại niềm tin giúp tăng tiêu dùng và đầu tư. "Việc làm trong sạch thị trường cần đi đôi với tạo lập môi trường thuận lợi, công bằng để khuyến khích mọi chủ thể kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh"- ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Vấn đề đầu tư công cũng được ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tại diễn đàn thảo luận tìm giải pháp căn cơ. Theo ông Thắng, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tuy được cải thiện ít nhiều nhưng còn rất chậm, thực trạng “có tiền nhưng không tiêu được” vẫn phổ biến đối với các dự án cả ở trung ương và địa phương, tạo ra những hệ lụy dây chuyền, ảnh hưởng trực tiếp đến động lực đầu tư của khu vực tư nhân.

Sau phiên khai mạc, diễn đàn sẽ bước vào phiên chuyên đề thứ nhất với nội dung "tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó".

Tác giả: Minh Chiến

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP